Tất cả 10 đồng tiền chính ở châu Á đều được các nhà phân tích dự báo là sẽ có năm thứ ba giảm giá vì Trung Quốc.
Theo Bloomberg, tất cả 10 đồng tiền chính ở châu Á, gồm: rupee của Ấn Độ, yen Nhật, peso của Philippines, nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY), ringgit Malaysia, đồng baht Thái, đô la Đài Loan, đô la Singapore, won Hàn Quốc và rupiah của Indonesia đều có mức giảm ít nhiều trong năm 2016.
Trong đó, rupiah của Indonesia, won của Hàn Quốc và đô la Singapore được dự báo sẽ giảm mạnh nhất. Đồng rupee của Ấn Độ là loại tiền tệ giảm nhẹ nhất trong số 10 đồng tiền chủ chốt châu Á.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là có thể tăng lãi suất 4 lần trong năm sau, Đài Loan cắt giảm lãi suất hôm 17.12 và giới chuyên gia dự báo lãi suất cũng sẽ giảm ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia để thúc đẩy tăng trưởng.
Sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang gây tổn thương cho các nước châu Á có mối giao thương mạnh mẽ với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và đợt phá giá nhân dân tệ hôm 11.8 cũng che mờ triển vọng về một đồng tiền ổn định ở châu Á ở thời điểm các cuộc khủng hoảng trước đây. Ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan Chase đều cho rằng CNY yếu đi sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trong khu vực và khắp các thị trường mới nổi.
“Đến nay, nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt hẳn đô la Mỹ về khoản tác động đối với đồng tiền châu Á. Châu Á nhạy cảm với nhân dân tệ, đồng tiền đại diện cho trung tâm của chuỗi cung ứng trong khu vực với phần còn lại của thế giới”, chuyên gia Claudio Piron về tiền tệ và chiến lược tỷ giá châu Á tại ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America ở Singapore nói.
10 đồng tiền chính châu Á ít nhiều đều được dự báo giảm giá vào năm sau - Ảnh: Bloomberg
|
CNY đã giảm 2% trong tháng này tại thị trường nước ngoài của Hồng Kông. Đây là mức giảm lớn nhất ở châu Á, sau đồng won Hàn Quốc. Nội tệ Trung Quốc cũng giảm 1,3% ở Thượng Hải sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho phép tăng tốc mức suy giảm của bản tệ so với USD. Các hạn chế trong giao dịch của CNY đang được dỡ bỏ khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chấp thuận thêm nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ.
Trong tháng này, PBOC đã giảm tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ 1,3%, mức lớn nhất kể từ tháng 8 - thời điểm các nhà hoạch định chính sách Đại lục giảm tỷ giá xuống 4,4% trong ba ngày. Hôm 18.12, 1 USD đổi được 6,4814 CNY, nhân dân tệ yếu nhất kể từ tháng 6.2011.
Citigroup, Bank of America và Nomura đã đưa ra lời khuyên bán đồng won Hàn Quốc và đô la Đài Loan để lấy USD vì quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa đất nước và vùng lãnh thổ này với Trung Quốc. Đại lục chiếm 34,3% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc, tiếp sau đó là Philippines với 25% và Thái Lan, Malaysia và Đài Loan với mỗi nước 22%.
19% kim ngạch thương mại của Indonesia là với Trung Quốc và sự sụt giảm trong giá cả hàng hóa toàn cầu cũng là gánh nặng cho nội tệ quốc gia Đông Nam Á này. Xuất khẩu sụt trong 9 tháng đầu năm nay ở Trung Quốc, giảm trong 11 tháng ở Hàn Quốc và đi xuống trong 10 tháng ở Đài Loan.
Dù cho rằng nhân dân tệ sẽ tiếp tục sụt giá trong năm tới, có nhận định cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ ít có khả năng thực hiện một đợt phá giá mạnh.
IMF dự báo các nước đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng còn 6,4% trong năm sau, từ mức 6,5% trong năm nay. Mức tăng của GDP Trung Quốc cũng sẽ giảm từ 6,8% trong năm 2015 xuống 6,3% trong năm 2016. Điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương châu Á sẽ cần phải tiếp tục cắt giảm lãi suất trong khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, dẫn đến luồng vốn thoái và các đồng tiền yếu đi.
Bình luận (0)