10 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 2008

11/01/2008 00:18 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết (số 02/2008/NQ-CP) của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008.

Nội dung nghị quyết nêu rõ: Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà trọng tâm là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8,5%-9% và phấn đấu đạt trên 9%, chủ động thực hiện các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế thế giới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 10 giải pháp chủ yếu sau: tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; tập trung sức phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Trước mắt, rà soát loại bỏ ngay những giấy phép, quy định gây ách tắc hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy chế, chính sách về nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm cho quy hoạch đáp ứng được yêu cầu định hướng phát triển. Đồng thời thu hút mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là các dự án lớn đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông và sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với các bộ, ngành phải tiến hành rà soát để loại bỏ ngay những giấy phép, quy định không còn phù hợp gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Đổi mới thủ tục cấp đăng ký kinh doanh theo hướng hợp nhất giấy đăng ký kinh doanh và mã số thuế thành mã số doanh nghiệp trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Bộ Tài chính đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng cơ sở, công nghệ của các trung tâm giao dịch chứng khoán nhằm đáp ứng yêu cầu về tăng quy mô và mở rộng thị trường. Tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Bộ Xây dựng phải đề ra các giải pháp quản lý và phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; kiềm chế sự tăng giảm đột biến của bất động sản, nhất là giá căn hộ cho người thu nhập thấp.

Về nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tăng cường biện pháp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ giáo viên, giảng viên. Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên trong từng cấp học, trong cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo ở các cấp, các địa phương. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong đào tạo.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện hỗ trợ học nghề đối với lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số... đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai trong cả nước việc cho vay với lãi suất thích hợp để học nghề ở mọi trình độ, từ đó nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo.

Về cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng: Bộ Nội vụ tiếp tục cải cách chế độ công chức, công vụ. Thực hiện nghiêm chế độ thủ trưởng trong các cơ quan hành chính; phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp. Xử lý nghiêm, kịp thời những cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ tập trung chỉ đạo giải quyết có kết quả khiếu nại, tố cáo của công dân; có giải pháp hợp lý và hiệu quả nhằm giải quyết tốt các vụ khiếu kiện tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Thành lập các đoàn thanh tra của Trung ương về các địa phương có nhiều khiếu kiện để cùng địa phương giải quyết dứt điểm.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các địa phương tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính, từng bước thực hiện chương trình Chính phủ điện tử, đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.