10 khuyến nghị được đưa ra trong một báo cáo quan trọng của Ủy ban Toàn cầu về Tương lai việc làm được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố chiều nay, 24.1, bao gồm một cơ chế đảm bảo về lao động cho tất cả mọi người, bảo trợ xã hội từ lúc mới sinh đến khi về già và một chế độ cho phép học tập suốt đời.
Báo cáo là thành quả của cuộc đánh giá kéo dài 15 tháng, do 27 thành viên Ủy ban thực hiện, tổng hợp những số liệu có giá trị hàng đầu thu thập được từ doanh nghiệp và người lao động, các tổ chức nghiên cứu, các học giả, các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ.
Ủy ban này do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đồng chủ trì, đã vạch ra tầm nhìn cho một chương trình nghị sự lấy con người làm trung tâm trên cơ sở đầu tư vào tiềm lực con người, các thiết chế việc làm và việc làm tử tế và bền vững.
Một số khuyến nghị đáng chú ý trong danh sách 10 khuyến nghị này gồm: cơ chế đảm bảo về lao động cho tất cả mọi người; cơ chế bảo trợ xã hội được đảm bảo từ lúc mới sinh đến khi về già (hỗ trợ nhu cầu của con người trong suốt cuộc đời); chế độ phổ cập cho phép học tập suốt đời: giúp con người được đào tạo kỹ năng, đào tạo lại và nâng cao tay nghề.
Bên cạnh đó là một chương trình nghị sự về bình đẳng giới đổi mới và có thể đo lường được...
Báo cáo nhấn mạnh: “Có vô số các cơ hội phía trước để cải thiện chất lượng đời sống lao động, mở rộng cơ hội lựa chọn, thu hẹp khoảng cách giới, sửa chữa những thiệt hại do bất bình đẳng toàn cầu tạo ra. Tuy nhiên, những cơ hội này không tự nó đến. Nếu không có những hành động quyết đoán, chúng ta sẽ mơ ngủ mà bước vào một thế giới mà ở đó những bất bình đẳng và bất ổn hiện hữu ngày càng lớn hơn”.
Báo cáo cũng nêu ra những thách thức do công nghệ mới, biến đổi khí hậu và dân số mang lại và kêu gọi một nỗ lực ứng phó chung trên toàn cầu đối với những thay đổi mà các yếu tố kể trên đem lại trong thế giới việc làm.
Tổng thống Ramaphosa nhận định: “Báo cáo của Ủy ban Toàn cầu về Tương lai Việc làm của ILO là một đóng góp vô cùng quan trọng giúp toàn cầu hiểu về những thay đổi đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra trong thế giới việc làm. Báo cáo cần thúc đẩy sự hợp tác và quan hệ đối tác giữa các cơ chế tài phán quốc gia và khu vực nhằm đảm bảo nền kinh tế toàn cầu và xã hội toàn cầu trở nên bình đẳng, công bằng và toàn diện hơn. Đồng thời, báo cáo cũng cần khơi dậy hành động toàn cầu để hạn chế hay xóa bỏ những thách thức mà nhân loại phải gánh chịu do lịch sử để lại”.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Löfven cho rằng: “Thế giới việc làm đang chứng kiến những thay đổi lớn. Chúng tạo ra nhiều cơ hội tăng số lượng và chất lượng việc làm. Nhưng các chính phủ, công đoàn và người sử dụng lao động cần phối hợp với nhau để làm cho các nền kinh tế và thị trường lao động toàn diện hơn. Một cơ chế đối thoại xã hội như vậy có thể giúp làm cho toàn cầu hóa có tác động tích cực với tất cả mọi người”.
Theo bình luận của Tổng giám đốc ILO, ông Guy Ryder, những vấn đề được nhấn mạnh trong báo cáo có tác động đến con người ở khắp mọi nơi và đến cả hành tinh chúng ta. Đó có thể là những khó khăn thách thức nhưng chúng ta lại cố tình lờ đi. "Sứ mệnh của ILO - tập hợp các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động từ khắp nơi trên thế giới, cho thấy ILO là tổ chức phù hợp để đóng vai trò định hướng và là người dẫn đường giúp mở ra những viễn cảnh mới về lao động việc làm cho những thế hệ tiếp theo”, ông Guy Ryder nói.
Bình luận (0)