10 'Lục Vân Tiên' chỉ... chọn 1 nên 'Lục Vân Tiên phiên bản 1973' có nhiều đặc biệt

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
01/07/2022 08:00 GMT+7

Năm 1971 tại Sài gòn, một sự kiện quan trọng liên quan đến Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm Lục Vân Tiên khi một Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của ông được Phủ Văn hóa thành lập để hiệu đính quyển Lục Vân Tiên .

Được biết, Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu được Phủ Văn hóa thành lập lúc ấy đứng đầu gồm các ông: Lê Thọ Xuân (Chủ tịch), Đỗ Thiếu Lăng (Phó chủ tịch), Tăng Văn Hỉ (Tổng thư ký) cùng các thành viên đã làm được phần việc rất đáng ghi nhận.

Một số ấn phẩm Lục Vân Tiên của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

T.L

Vì có chủ trương “cố gắng đưa quyển Lục Vân Tiên về gần với nguyên tác”, trong bối cảnh số bản Lục Vân Tiên từng lưu hành (theo ghi nhận của Nam Kỳ Tuần Báo từ hồi 1943) lên đến 27 bản bao gồm bản nôm, bản Quốc ngữ Latin và bản dịch ra Pháp văn, bản Ủy ban chọn được mười bản Lục Vân Tiên (một bản nôm và chín bản Quốc ngữ cả in và chép tay) để tiến hành công việc san định.

Mười bản Lục Vân Tiên đó là: 1/ Bản Nôm của Duy Minh Thị do Bửu Hoa Các xuất bản tại Phật Sơn trước 1865; 2/ Bản Janneaux, [chữ Quốc ngữ] chép tay cũ rách không rõ niên đại (vì theo Abel des Michels thì bản Janneaux xuất bản tại Sài Gòn năm 1867, còn theo Ngạc Xuyên thì bản này xuất bản tại Paris năm 1873); 3/ Bản Abel des Michels gồm bản Quốc ngữ có Pháp văn đối chiếu và nguyên tác chữ Nôm, xuất bản tại Paris năm 1883; 4/ Bản Trương Vĩnh Ký, chép tay quá cũ mất nhiều chữ, không rõ in năm 1889 hay 1897; 5/ Bản Solirène, tức bản nhà Thuốc Tây g.Renoux, Saigon, 1913; 6/ Bản Trần Phong Sắc, Saigon: imprimerie J. Viết. 1921; 7/ Bản Nghiêm Liễn, Hanoi: Ed. Lê Văn Tân, 1927; 8/ Bản Dương Quảng Hàm, Hanoi: Ed. A. De Rhodes, 1944; 9/ Bản Ngọc Hồ, Sài gòn: nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, 1956; 10/ Bản Tân Việt, Sài gòn: in lần thứ Tư, không để năm xuất bản, kiểm duyệt ngày 1.8.1956, số 969/T.X.B.

Câu chuyện hiệu đính của Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu được Phủ Văn hóa thành lập cũng khá ly kỳ. Trong mười bản được chọn, thì bản Lục Vân Tiên của Abel des Michels xuất bản tại Paris năm 1883 (với Lời nói đầu viết từ 15.9.1881) là ấn phẩm quan trọng nhất.

Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm lưu danh hậu thế Lục Vân Tiên

T.L

Abel des Michels viết rất rõ khi làm quyển Lục Vân Tiên ký tên mình là người san định, ông có sẵn trong tay ba bản: một bản Nôm khắc in, một bản Nôm chép tay (có nhiều câu hơn bản khắc in), bản Janneaux. Abel des Michels – là giáo sư Trường Sanh ngữ Đông Phương tại Paris – và từ ba bản Lục Vân Tiên này hiệu đính, chấm câu “cho đúng với lối hành văn Đông Á”.

Abel des Michels so sánh giữa ba bản ông có, và tiến hành thao tác ngược với Janneaux (phiên từ chữ Nôm ra Quốc ngữ) bằng cách phiên từ chữ Quốc ngữ ra chữ Nôm nhờ ông Trần Ngươn Hanh đảm nhiệm. Rồi từ bản Nôm ấy, phiên ngược lại chữ Quốc ngữ, sau cùng dịch bản Quốc ngữ ấy sang Pháp văn để dạy học trò.

Theo tác phẩm Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu của NXB Trẻ vừa ấn hành tiết lộ: "Ủy ban xét thấy thao tác của Abel des Michels công phu và khoa học, nên chọn bản Lục Vân Tiên của Abel des Michels làm căn bản, với lý do là: “1/ Bản này gần với nguyên tác hơn hết, vì rặt lời nói miền Nam, rất bình dị mộc mạc và rất giống với “Thơ Vân Tiên nói thuộc lòng” ở khắp lục tỉnh; 2/ A. des Michels đã điều chỉnh ba bản xưa nhứt, lại có đủ phần Quốc ngữ và phần Nôm để tiện việc kiểm điểm”.

Sau đó, Ủy ban lại chọn năm bản “gần nhứt với bản A. des Michels về văn từ để liệt kê những chỗ sai biệt, rồi lo việc hiệu đính. 5 bản đó là:

1/ Bản Janneaux – ghi là bản J;

2/ Bản Trương Vĩnh Ký – K;

3/ Bản Ngọc Hồ – N;

4/ Bản Solirène – S;

5/ Bản Tân Việt – T.

Tuy nhiên, đối với những chỗ nghi ngờ trong cách dùng “tiếng xưa”, sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu do NXB Trẻ ấn hành kể:Ủy ban đã tham khảo bản Trương Vĩnh Ký ‘vì bản này in ra gần với lúc quyển Lục Vân Tiên được tác giả Nguyễn Đình Chiểu sửa chữa – đôi chút lấy lệ – do viên tham biện Bến Tre là Ponchon thỉnh cầu vào tháng 11 năm 1881’.

Sách in đúng theo thể thức làm việc đã giới thiệu, gồm phần đầu là bản Quốc ngữ có đánh dấu và ghi chú ở những chỗ sai biệt giữa bản A. des Michels với năm bản kể trên, còn phần sau là ảnh ấn bản Nôm của sách Lục Vân Tiên ca diễn do A. des Michels san định (thủ bút Nôm của Trần Ngươn Hanh).

Sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu do NXB Trẻ vừa ấn hành

NXB

Như vậy, trên hành trình truyền bản của truyện Nôm Lục Vân Tiên (ra đời khoảng năm 1854 lúc Nguyễn Đình Chiểu 32 tuổi,) bản Nôm khắc in sớm nhất hiện ghi nhận được là do Quảng Thạnh nam phát thụ, Duy Minh Thị đính chính, Tôn Thọ Tường trông nom, in ở Quảng đông 1865), việc thành lập Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu năm 1971 và hiệu đính cho ra đời bản sách Lục Vân Tiên – bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm năm 1973 là hiện tượng độc đáo, để lưu lại cho hậu thế một ấn phẩm gần với nguyên tác nhất của cụ Đồ Chiểu.

Nói về Lục Vân Tiên và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, bài Lục Vân Tiên hay tấm lòng của cụ Đồ Chiểu, tác giả Bùi Giáng viết: “Thường chúng ta muốn nói rằng đem văn chương mà phụng sự đạo lý thì dễ không đạt được mục đích lắm. Và văn chương dễ bị chết khô. Tác giả khi thai nghén một tác phẩm văn chương với cái dụng ý đó thì ta dám lo ngại trước rằng tác phẩm văn chương sẽ dễ mất giá trị văn chương và tâm lý. Nhưng với cụ Đồ Chiểu lại không thế. Trong tác phẩm cụ cái quan điểm luân lý hoàn toàn lấn át quan điểm nghệ thuật, có thể nói nếu không có luân lý thì không có Lục Vân Tiên thế mà tại sao tác phẩm của cụ lại là một tác phẩm văn chương có một sức rung cảm rất mạnh. Ta có thể lấy làm lạ. Điều này cũng làm ta rất thắc mắc giống như cái khi ta lần giở đọc tập Nho giáo của cụ Trần Trọng Kim. Trước sau cụ bàn chuyện đạo lý, mà tại sao đạo lý của vị thánh hiền xưa giãi bày qua lời văn thâm trầm của cụ Kim, đạo lý lại như nhuốm rất nhiều hương vị man mác của văn chương, tưởng không có văn chương nào sánh bì kịp hết. Tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu thật cũng có lạ như thế. Nói đạo lý rất nhiều, vẫn không làm tổn hại cho văn chương. Mà trái lại. Tác phẩm đã rung động, cảm kích tâm hồn chúng ta nhiều nhất…”. (Trích luận đề về Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương của NXB Tân Việt, Sài Gòn 1957 in trong sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu do NXB Trẻ vừa ấn hành).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.