10 năm phát triển ĐBSCL

05/04/2012 08:26 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ giao Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐTNB) phối hợp tổ chức triển lãm hội chợ (TLHC) thành tựu 10 năm thực hiện nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2001-2010.

TLHC lần này là dịp khẳng định thành quả một thập niên, đồng thời mở ra sự phát triển mới trong tương lai của vùng vựa lúa.

Nhiều thành tựu

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh 10 năm qua ĐBSCL đạt nhiều thành tựu rất đáng trân trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng bình quân 11,7%/năm, cao hơn 1,8 lần so bình quân cả nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên một héc ta trong 10 năm tăng gấp 2 lần, xuất khẩu gạo hơn 6 triệu tấn/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, liên tục, đạt 15,6%/năm. Thương mại của vùng có bước phát triển khá nhanh, tổng mức doanh thu bán lẻ tăng 11,8%/năm, cao hơn bình quân cả nước.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm cầu Cần Thơ, biểu tượng sinh động nhất của thành tựu 10 năm xây dựng, phát triển ĐBSCL - Ảnh: Quang Minh Nhật

Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được xây dựng một cách hoàn chỉnh. 10 năm qua ĐBSCL nâng cấp 2.500 km quốc lộ, hơn 9.000 km tỉnh lộ, bắc mới 11.453 cầu lớn nhỏ. Đời sống người dân cải thiện rõ rệt, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Bình quân thu nhập năm 2010 so với năm 2001 tăng 6 lần. Công tác quốc phòng an ninh luôn được giữ vững...

Phó trưởng ban thường trực BCĐTNB Nguyễn Phong Quang thì cho rằng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khu vực ĐBSCL từ 236.200 ha năm 2001 đã lên 736.400 ha năm 2010, trong đó cá da trơn, con tôm trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu quốc gia.

Vùng vựa lúa giờ đây nhiều cụm dân cư vượt lũ phát triển thành đô thị nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, giúp ổn định đời sống cho 132.371 hộ dân. Trong 10 năm, ĐBSCL có thêm 1 tỉnh trực thuộc T.Ư, 10 TP và 4 thị xã trực thuộc tỉnh. TP.Cần Thơ lên đô thị loại I trực thuộc T.Ư đã và đang đóng vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả vùng. Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối liền QL1A trên dãy đất hình chữ S đã trở thành biểu tượng sinh động nhất của thành tựu 10 năm thực hiện nghị quyết 21 tại vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm của cả nước.

Qua một thập niên, ĐBSCL thành lập mới và mở rộng, nâng cấp hơn 20 trường ĐH, CĐ. Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông phân bổ rộng khắp các địa bàn dân cư. Toàn vùng đã hoàn thành việc xóa lớp học ca 3 đúng tiến độ. Các tỉnh đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường dân tộc nội trú. Hiện nay ĐBSCL có 336 cơ sở dạy nghề, tăng gấp 3 lần so với năm 2001. Vùng vựa lúa hiện đã cơ bản hoàn thành nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện và liên huyện. Hơn 71% trạm y tế có bác sĩ phục vụ. ĐBSCL hiện đã có 5,7 bác sĩ/vạn dân. Hộ dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt trên 87%. Thập niên qua, bình quân mỗi năm cả khu vực giải quyết việc làm cho 332.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm nhanh từ 14,18% (đầu năm 2001) xuống còn 7,32% năm 2010.

Tiềm năng còn lớn

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng tiềm năng, lợi thế, khả năng phát triển của vùng ĐBSCL vẫn còn rất lớn, cần được khai thác mạnh mẽ, phát triển bền vững trong thời gian tới. BCĐTNB đang đề xuất với Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới cho giai đoạn phát triển tới đây của ĐBSCL. Mục đích của TLHC lần này là để nhìn lại và đánh giá thành tựu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong 10 năm qua nơi vùng vựa lúa, thủy sản lớn nhất nước. Cũng thông qua đó, TLHC sẽ giới thiệu tiềm năng, lợi thế của vùng đối với cả nước và thế giới. Từ đây một nguồn lực mới sẽ được huy động mạnh mẽ hơn để đầu tư phát triển nhanh, toàn diện ĐBSCL.

Ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng BCĐTNB kiêm Trưởng ban tổ chức TLHC cho hay, ban tổ chức TLHC đã tập họp khoảng 110 danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của nhiều tỉnh thành miền Tây với số vốn hơn 96.000 tỉ đồng và 1,2 tỉ USD để giới thiệu cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu đầu tư trong dịp TLHC. Ban tổ chức đang giới thiệu các dự án lớn để từng địa phương trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp tại lễ bế mạc TLHC tối 30.4.2012.

Công tác an sinh xã hội từ năm 2011 đến nay đã thực hiện được 7.700 tỉ đồng, năm 2012 kế hoạch huy động trên 7.000 tỉ đồng. Riêng các doanh nghiệp và ngân hàng đăng ký thực hiện khoảng 760 tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội tại TLHC lần này. Tất cả cùng góp phần mở ra cơ hội phát triển mới đầy sinh động nơi vùng đất giàu tiềm năng Tây Nam bộ. 

Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.