Các y bác sĩ túc trực 24/24 để giúp bệnh nhân “cắt cơn đói thuốc” bằng phương pháp châm cứu - Ảnh: An Dy |
Sau hơn 10 ngày (từ 29.9 - 9.10) điều trị cai nghiện bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc nam tại Đơn vị châm cứu hỗ trợ điều trị cai nghiện - Bệnh viện Y học cổ truyền (BV YHCT) TP.Đà Nẵng, đã có 3 bệnh nhân cai nghiện thành công. Đặc biệt, đây đều là những người nghiện 6 - 10 năm ở cộng đồng, đã được đưa đi cai và tái nghiện nhiều lần.
Châm cứu 6 lần/ngày
|
Khi nhập viện để cai nghiện, bệnh nhân được các y bác sĩ chỉ định châm cứu với tần suất 6 lần/ngày, kết hợp với thuốc nam hỗ trợ điều trị.
“Ngay trong lần châm cứu đầu tiên, tôi đã không phải trải qua các triệu chứng khủng khiếp của những lần cai trước đó như bứt rứt khó chịu, co rút cơ, cảm giác giòi bò trong xương. Cũng không bị hành hạ, giày vò khi lên cơn, dẫn đến tự sát thương như đập đầu vào tường, cắn tay, chân đến chảy máu, thậm chí làm bị thương người thân, y bác sĩ. Trái lại, mỗi lần sắp vào cơn, các bác sĩ túc trực 24/24 đã dùng phương pháp điện châm kết hợp với hỏa long cứu, cơn đói thuốc dịu lại ngay, tôi ngủ được mà không phải dùng đến thuốc an thần”, anh H.C.N.H (34 tuổi), một trong 3 bệnh nhân điều trị cai nghiện thành công tại BV YHCT TP.Đà Nẵng, chia sẻ.
Anh T.T.A (28 tuổi, ngụ Quảng Nam) cũng nằm trong số những bệnh nhân đầu tiên tìm đến phương pháp châm cứu cai nghiện. Ngay khi tiếp nhận trường hợp này, các y bác sĩ xác định anh là một ca khó vì đã nghiện hơn 7 năm, lại trải qua nhiều đợt cai nghiện cưỡng bức, trong khoảng thời gian dài mà vẫn không thoát khỏi cảm giác nhớ thuốc. Nhưng anh đã cai thành công sau 7 ngày châm cứu kết hợp uống thuốc nam. Anh T.A cho biết: “Dù lần này chỉ cai trong thời gian ngắn nhưng thực sự hiệu quả. Khi kết thúc trở về tôi không có cảm giác nhớ thuốc như những lần cai trước”. Hiện tại, dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính, anh T.A vẫn kiên trì với chế độ châm cứu và dùng thuốc nam. Một cuộc sống mới với công việc mới đã đến với anh trong sự động viên, khích lệ của các y bác sĩ và những người thân trong gia đình.
Lương y Huỳnh Sự - người trực tiếp phụ trách hỗ trợ điều trị cai nghiện tại BV YHCT TP.Đà Nẵng, nói: “Trong những ngày điều trị đầu tiên, các bệnh nhân đã cắt được cơn nghiện khá nhẹ nhàng. Nhiều bệnh nhân nhận kết quả âm tính khi xét nghiệm định tính opiat nước tiểu sau 3 - 7 ngày điều trị. Tuy nhiên, để tránh cảm giác nhớ thuốc dẫn đến tái nghiện, bệnh nhân phải kiên trì uống thuốc nam hỗ trợ giải độc hằng ngày và châm cứu cách ngày trong vòng 2 tháng sau cai. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên được hướng dẫn các phương pháp tập luyện, nâng cao ý thức vượt qua cám dỗ”.
Những tình nguyện viên đắc lực nhất
|
Phương pháp châm cứu điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy tại BV YHCT TP.Đà Nẵng được GS-TS Nguyễn Tài Thu, Phó chủ tịch Hội Châm cứu thế giới - Chủ tịch Hội Châm cứu VN, trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm và hướng dẫn thực hành lâm sàng. Ông phân tích: “Khi dùng ma túy, cơ thể sẽ ngừng sản xuất chất morphin. Và khi nguồn ma túy từ ngoài vào bị cắt đột ngột, cơ thể chưa thích ứng, lượng morphin nội sinh thiếu hụt gây hiện tượng lên cơn. Chính sự kích thích của kim lên vỏ não sẽ khiến não sản xuất ra morphin nội sinh đáp ứng các chức năng sinh lý, làm người nghiện quên đi cơn ghiền”.
Tuy nhiên, phương pháp của GS-TS Nguyễn Tài Thu chỉ áp dụng với những bệnh nhân mới nghiện một năm trở lại. Chính vì vậy, bước đột phá trong công tác điều trị cai nghiện bằng phương pháp châm cứu tại Đà Nẵng chính là kết hợp phác đồ điện châm với 7 vị thuốc nam có tác dụng bổ khí, nhuận huyết, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu, an thần, kích thích tiêu hóa, thành công với cả những bệnh nhân cai nghiện lâu năm. “Bản thân những người cai nghiện thành công chính là những tình nguyện viên đắc lực nhất, hiệu quả nhất trong việc thuyết phục người nghiện tại cộng đồng tìm đến với phương pháp cai nghiện ngắn ngày, không vật vã, không đau đớn này. Họ đã chia sẻ và động viên nhau nên bệnh nhân tự nguyện đến với chúng tôi ngày một đông hơn”, lương y Phan Công Tuấn tiết lộ.
Là người theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình châm cứu hỗ trợ điều trị cai nghiện tại BV YHCT TP.Đà Nẵng, BS Nguyễn Minh Sơn - Trưởng phòng Quản lý hành nghề (Sở Y tế TP.Đà Nẵng) cũng khẳng định: “Đây thực sự là cơ hội cho những người muốn cai nghiện, với một phương pháp cai ít đau đớn, ít vật vã. Sau cai, bệnh nhân cũng có điều kiện kết nối với các lương y trong chăm sóc và hồi phục sức khỏe, củng cố ý chí, nghị lực để không tái nghiện. Với những ca điều trị cai nghiện thành công, có thể nhìn thấy được hy vọng và cơ hội giảm tỷ lệ người nghiện ma túy và tình trạng tội phạm do ma túy gây ra tại cộng đồng”.
“Sau khi thành công với Đơn vị châm cứu hỗ trợ điều trị cai nghiện, hiện BV đang có phương án kết hợp dạy nghề xoa bóp bấm huyệt, trồng, hái, sơ chế thuốc nam để đào tạo bệnh nhân sau cai nghiện thành người giúp việc cho các lương y, lương dược. Đây cũng là cách giúp người sau cai chăm sóc bản thân, bạn đồng đẳng... một công việc thực sự có ích, có ý nghĩa đối với những người sau cai”, TS-BS Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc BV YHCT TP.Đà Nẵng nói.
An Dy
>> Sốt ruột vì thủ tục... cai nghiện bắt buộc
>> Kêu cứu vì ‘bị ép đi cai nghiện’
>> Ngày hội hoa lan trong... trại cai nghiện
>> Thành công của một cơ sở cai nghiện tư nhân
>> Hiệu quả ban đầu từ một cơ sở cai nghiện
>> Hỗ trợ vốn cho người sau cai nghiện
Bình luận (0)