10 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2008

24/12/2008 11:32 GMT+7

Tạp chí Time của Mỹ vừa bình chọn 50 nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới năm 2008 nhằm ghi nhận những đóng góp và ảnh hưởng của họ trên nhiều lĩnh vực. Những người này được dự báo trong năm 2009 sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động của thế giới. Chúng tôi xin giới thiệu 10 người đứng đầu trong tổng số 50 người này.

1. Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama

Sở dĩ ông Obama là người đứng đầu danh sách vì thế giới đang hướng mắt về nền kinh tế Mỹ từng giờ từng phút để xem các bước đi của nhà lãnh đạo gốc Phi đầu tiên của lịch sử nước này trong việc đưa nền kinh tế đầu tàu thế giới thoát khỏi khủng hoảng.

Những lời ca ngợi về tài năng, trình độ và cả nhân cách của ông suốt nhiều tháng qua sẽ được kiểm nghiệm qua thực tế điều hành trong thời gian tới. Ông sẽ được nhớ như một tổng thống “lớn” như George W. Washington, Abraham Lincoln, Franklin Roosevelt hay chỉ là một tổng thống bình thường là ở khả năng lèo lái nền kinh tế Mỹ.

2. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào

 

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào

Chủ tịch một đất nước vừa kỷ niệm 30 năm đổi mới, chuyển đổi từ một nước nghèo trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới và đang tiếp tục tăng trưởng với GDP hàng năm đạt trên 8%.

Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Mỹ, là “chủ nợ” lớn nhất của Chính phủ Mỹ với các hợp đồng đầu tư nhiều tỷ USD vào nền tài chính Mỹ, trong đó có các cổ phần tại Ngân hàng Fannie Mae và Freddie Mac.

Nếu Trung Quốc rút vốn khỏi nền kinh tế Mỹ thì kế hoạch kích thích kinh tế của Tổng thống Barack Obama có thể bị phá sản.

3. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy

Nước Pháp với vai trò là Chủ tịch EU trong 6 tháng của năm 2008, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã làm được nhiều việc như làm trung gian việc ngừng bắn trong cuộc chiến Nga-Gruzia và giúp đưa ra chương trình kích thích kinh tế cho EU trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm 2009 ông sẽ đưa Pháp trở lại với Bộ Chỉ huy của NATO sau 42 năm “ly khai”. 
4, 5, 6. Các ông chủ ngân hàng

Bộ ba gồm Ben Bernanke - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Jean-Claude Trichet - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu u (ECB) và Masaaki Shirakawa - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nhật Bản được xếp ở 3 vị trí thứ 4, 5 và 6. Họ là những nhà kỹ trị, là những người có quyền rất lớn tác động đến nền kinh tế thế giới thông qua chính sách lãi suất.

7. Thủ tướng Anh Gordon Brown

“Thời thế tạo anh hùng” là trường hợp của Thủ tướng Anh Brown. Sau khi nhậm chức vào tháng 6-2007, uy tín của ông chìm xuống mức thấp nhất nước Anh từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thế nhưng từ khi cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ lan sang Anh, ông đã nhanh chóng cho bơm tiền vào các ngân hàng sắp phá sản. Điều này được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ đợi trong năm 2009. IMF vừa ra lời cảnh báo rằng nước Anh sẽ bị cơn bão tài chính sắp tới vùi dập dữ dội nhất.

8. Thủ tướng Đức Angela Merkel

 
Thủ tướng Đức Angela Merkel

Là lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Nền kinh tế tăng trưởng chậm và chắc của Đức được xem là tẻ nhạt trong thời kỳ bùng nổ kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay, đất nước của bà Merkel được xem là một trong ít nơi vẫn còn sự ổn định. Ngân sách của chính phủ vẫn cân đối, không có “bong bóng” trong lĩnh vực nhà ở và tín dụng, tỷ lệ dự trữ có thể khiến người Mỹ xấu hổ (11% so với gần 0% của Mỹ năm 2007).

Người ta chờ đợi trong năm 2009 bà Merkel có thể giúp kinh tế toàn EU thoát khỏi khủng hoảng kinh tế cùng lúc với việc duy trì chiếc ghế của bà trong cuộc tổng tuyển cử tại Đức.

9. Thủ tướng Nga Vladimir Putin

 

Thủ tướng Nga Vladimir Putin

Mặc dù đã rời vị trí tổng thống từ tháng 5-2008 nhưng Thủ tướng nước Nga vẫn được xem là người có ảnh hưởng lớn đến nước Nga. Có thể ông sẽ trở lại tranh cử tổng thống vào năm 2012. Khác với thời kỳ ông Putin còn là tổng thống, nước Nga hiện nay cũng không nằm ngoài tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với việc thị trường chứng khoán Nga mất 70% giá trị, đồng rúp xuống giá nhanh và doanh thu xuất khẩu dầu xuống thấp do giá dầu hạ. Đó sẽ là những thử thách lớn cho Thủ tướng Putin trên con đường trở lại ngôi vị số một nước Nga.

10. Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz Al-Saud của Saudi Arabia

Dầu là sức mạnh và hiện không ai có ảnh hưởng lớn đến giá dầu hơn Quốc vương Al-Saud. Đất nước ông chiếm 1/4 trữ lượng dầu của thế giới vì vậy đây sẽ là nước đóng vai trò quan trọng đối với giá dầu của thế giới trong bối cảnh nhiều nước muốn giảm lượng dầu khai thác để nâng giá dầu.

Theo Khánh Minh /Sài Gòn Giải Phóng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.