(iHay) Sau 86 lần tổ chức, nhiều vấn đề vẫn khiến người ta thắc mắc quanh việc trao hay không trao những tượng vàng huyền thoại này.
>> Giải Oscar 2015: Sự trỗi dậy của diễn viên Anh
>> Nhìn lại 5 đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Oscar 2015
Giải Oscar lần thứ 87 của Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ sẽ diễn rà vào chủ nhật tuần này (22.2, giờ Mỹ). Dưới đây là 10 điều về giải Oscar có thể làm bạn suy ngẫm về giải thưởng mà ai cũng mong muốn có được trong tay.
1. Khó đoán
Tất cả mọi người dự lễ trao giải Oscar 2006 đều dự đoán ca sĩ huyền thoại Dolly Parton với ca khúc Travelin’ Thru trong phim TransAmerica sẽ giành giải Ca khúc nhạc phim hay nhất. Vì vậy khi nhóm nhạc rap Three 6 Mafia với ca khúc It’s Hard Out Here For a Pimp trong phim Hustle & Flow được xướng tên, ngay cả người dẫn chương trình Jon Stewart cũng ngạc nhiên đến 'đơ người'.
Trong khi đó, đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese (Mean Streets, Taxi Driver, Raging Bull, The King of Comedy, Goodfellas…) năm đó lại bất ngờ ra về tay trắng. Chính vì thế, câu “Three 6 Mafia - 1; Martin Scorsese - 0” để nói về Oscar 2006 cũng như những bất ngờ không thể đoán trước tại Oscar.
2. Tay trắng hoàn trắng tay
Leonardo DiCaprio thường được báo giới trao cho danh hiệu "Nam diễn viên xuất sắc nhất chưa từng đoạt giải Oscar". Năm ngoái, phim The Great Gatsby giành tượng Oscar cho Thiết kế trang phục xuất sắc nhất, theo đúng nghĩa đen có nghĩa là quần áo của Leo đã giành được một giải Oscar trước khi nam tài tử có thể chạm tới giải thưởng danh giá này. Sau biết bao cố gắng và bốn lần đề cử Oscar, Leo hào hoa vẫn đang trắng tay.
3. Tẩy chay
'Bố già' Al Pacino là nhân vật lừng lẫy từng tẩy chay Oscar. Huyền thoại Al Pacino cuối cùng đã giành được giải thưởng mà ông mong muốn nhờ vai nam chính trong phim Scent Of A Woman (1992). Tuy nhiên tại Oscar 1973, Al Pacino thủ vai Michael Corleone, con trai của Vito Corleone (Marlon Brando đóng) trong The Godfather (1972). Với vai này, Pacino chỉ được đề cử giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, trong khi Brando được đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Al Pacino tuyên bố tẩy chay Oscar vì lý do ‘thiếu công bằng' trên.
4. Quá trễ
Heath Ledger and Peter Finch đều đã giành giải Oscar (cho The Dark Knight và Network). Nhưng thật đáng buồn, họ chỉ được vinh danh khi đã xuống suối vàng.
5. Không có đất cho phim khoa học viễn tưởng
Không có bộ phim khoa học viễn tưởng nào từng đoạt giải Oscar cho Phim hay nhất. Điều đó có nghĩa là, không có Blade Runner, Alien, E.T., Star Wars, Jurassic Park... từng nhận được vinh dự này.
6. Thất thế mảng phim hài
Trong 35 năm qua, chỉ có hai phim hài đã đoạt giải Phim hay nhất là The Artist (2011) và Shakespeare in Love (1998).
7. Diễn viên da trắng có lợi thế?
Trong hơn 85 năm trao tổng cộng 340 giải Oscar về diễn xuất, chỉ 15 diễn viên người Mỹ gốc Phi, 5 diễn viên gốc La Tinh và 4 diễn viên người Mỹ gốc Á đoạt được tượng vàng. Cụm từ “những ông già da trắng” chính là dùng để chỉ các thành viên Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) - đơn vị tổ chức Oscar. Một cuộc khảo sát của tờ Los Angeles Times cho biết, độ tuổi trung bình của các thành viên AMPAS là 63 tuổi, 76% là nam giới và 94% là người da trắng. Sự mất cân bằng giới và sự thiếu hụt người da màu đã khiến cho giải Oscar ít nhiều thiếu công bằng.
8. Nghệ thuật đỉnh cao tỉ lệ nghịch với doanh thu
Năm 2014 là một năm bùng nổ của các 'bom tấn' như Transformers, Caption America, X Men, Guardians of The Galaxy... nhưng chẳng bao nhiêu đề cử cho các bộ phim oanh tạc phòng vé này. Thậm chí Transformers không hề góp mặt vào bất cứ đề cử nào. Điều này cho thấy sự xâm lấn mạnh mẽ và can thiệp thô bạo của công nghệ dường như đã đưa điện ảnh trở về cõi "vô cảm", và kỹ xảo dù nghẹt thở tới đâu cũng không thể tôn lên sự sáng tạo của người đạo diễn. Và hiện thực là 'bom tấn' luôn trắng tay hoặc chỉ may mắn vớt vát với một số giải thưởng phụ an ủi.
9. Vắng bóng nữ đạo diễn
Chỉ có bốn phụ nữ đã từng được đề cử cho Đạo diễn xuất sắc nhất: Lina Wertmüller cho Seven Beauties (1976), Jane Campion cho The Piano (1993), Sofia Coppola cho Lost in Translation (2003), và Kathryn Bigelow cho The Hurt Locker (2009). Bigelow là người đầu tiên, và cho đến nay là duy nhất, nhận giải thưởng này.
10. Phim hoạt hình truyền thống khó chạm tượng Oscar
Phải mất đến năm 1991 thì bộ phim hoạt hình mới nhận được đề cử cho Phim hay nhất. Cho đến nay, Beauty and the Beast vẫn là bộ phim hoạt hình truyền thống nhận được vinh dự này. (Toy Story 3 và Up là các bộ phim hoạt hình khác được đề cử cho Phim hay nhất, nhưng là dạng hoạt hình kỹ thuật số).
Nguyễn Thủy
Ảnh: Reuters/Ảnh chụp từ phim
>> Nhìn lại 5 đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Oscar 2015
>> 8 bộ phim hay nhất tại Oscar 2015
>> BTC chọn Neil Patrick Harris dẫn Oscar 2015 vì 'cầu xin' Ellen DeGeneres bất thành
Bình luận (0)