Lần đầu tiên, 100 bài vọng cổ đặc sắc của soạn giả Viễn Châu, được TS Huỳnh Công Tín tuyển chọn, chú giải và NXB Chính trị Quốc gia vừa ấn hành (tháng 8.2015). Công trình này được Trường ĐH Quốc gia TP.HCM tài trợ, in 1.200 bản, sách dày gần 400 trang, giá bìa 95.000 đồng.
|
NSND Viễn Châu năm nay 91 tuổi, tên thật là Huỳnh Trí Bá, quê Đôn Châu, Trà Cú, Trà Vinh. Là danh cầm đàn tranh và là soạn giả cải lương danh tiếng của Việt Nam, soạn giả Viễn Châu cho biết ý kiến về cuốn sách này: “Tôi rất vui mừng vì Ban biên tập đã chuẩn bị bản thảo hết sức công phu và chính xác, đúng với nội dung gốc của người sáng tác”.
Phần mình, NXB hy vọng “cuốn sách đáp ứng được yêu cầu của đông đảo giới đam mê ca cổ, tránh hiện tượng “tam sao thất bản” làm mất đi vẻ đẹp trong sáng của ca từ”. NXB cho rằng phần chú giải của người tuyển chọn “sẽ giúp độc giả hiểu chính xác hơn nội dung bài ca và khả năng dùng từ hết sức tài hoa mang đặc trưng Nam bộ của tác giả”. NXB kỳ vọng cuốn sách này “còn là một công trình giúp cho giới nghiên cứu và sinh viên làm cơ sở nghiên cứu về bộ môn nghệ thuật cải lương và soạn giả Viễn Châu”.
100 bài vọng cổ trong sách được chia thành 4 phần: ca cổ lịch sử, ca cổ tâm lý xã hội, tân cổ giao duyên, ca cổ hài. Xin kể tên một số bài mà nhiều người mê vọng cổ xưa nay đã thuộc lòng: Bạch Thu Hà, Chúc Anh Đài, Chút tình Dạ cổ hoài lang, Hạng Võ biệt Ngu Cơ, Hận Kinh Kha, Lòng dạ đàn bà, Phạm Lãi biệt Tây Thi, Tâm sự Mộng Cầm, Tình Lan và Điệp, Tôn Tẩn giả điên, Võ Đông Sơ, Bông ô môi, Lá trầu xanh, Gánh nước đêm trăng, Sầu vương ý nhạc, Tiếng độc huyền cầm trên bắc Cần Thơ, Tình anh bán chiếu, Tu là cội phúc, Ai cho tôi tình yêu, Ai xuôi vạn lý, Áo em chưa mặc một lần, Đêm tàn bến Ngự, Lối về xóm nhỏ, Tâm sự Văn Hường, Sợ vợ, Tứ đổ tường, Vợ tui đẹp ác…
Là người chuyên nghiên cứu văn hóa Nam bộ, TS Huỳnh Công Tín đã dụng công chú giải nhiều ca từ có gốc phương ngôn Nam bộ trong những bài vọng cổ này. Thí dụ với bài Bức thư Tư Ếch, ông giải nghĩa “Tía: cách xưng gọi người cha theo thói quen khá phổ biến của người Nam bộ xưa”; “Cao bồi: mượn từ chữ “cowboy” (coi bò), ý chỉ người nam ăn mặc, sinh hoạt “bụi đời, giang hồ” theo phong cách của người cowboy miền Tây nước Mỹ”. Hoặc với bài Bạch Thu Hà, ông giải nghĩa nhiều ca từ có điển tích và đã từ phương Bắc theo chân tiền nhân ta đi mở đất phương Nam; tỉ như: “Uyên ương: là đôi chim (vịt) phổ biến vùng châu Á, mà con trống (còn gọi là uyên) có bộ lông sặc sỡ khó nhầm lẫn và con mái (còn gọi là ương) với vành khuyên màu trắng quanh mắt, lúc nào chúng cũng đi đôi bên nhau. Nghĩa khái quát của từ là “vợ chồng”, được xem như biểu tượng của hạnh phúc và lòng thủy chung trong hôn nhân”.
Chỉ tiếc, tròn 100 bài vọng cổ đặc sắc của soạn giả Viễn Châu chủ yếu được viết trước năm 1975 trong sách này, không thấy có bài nào được chú thích về thời gian và địa điểm sáng tác.
Bình luận (0)