Ngày 16.4, trên tuyến đường cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội đoạn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, Phòng Cảnh sát Môi trường Bắc Giang phối hợp với Công an thành phố Bắc Giang, Đội Kiểm Lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng - Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bắc Giang phát hiện xe tải vận chuyển 100 cá thể cầy vòi mốc.
Tất cả các cá thể cầy này đều không có nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng khai nhận là chủ một cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã ở Hà Giang, mua 100 con cầy vòi mốc từ một người ở Lạng Sơn, trên đường vận chuyển thì bị phát hiện.
Hay tin, đoàn cứu hộ từ Vườn quốc gia Cúc Phương (bao gồm Kiểm Lâm Cúc Phương và Đội cứu hộ SVW) đến điểm giải cứu 100 cầy vòi mốc. Tất cả đều bị nhốt trong các lồng nhỏ, chật hẹp; 4/100 cá thể đã chết ngạt; nhiều cá thể già yếu, bị thương. Đến 0 giờ ngày 17.4 thì tất cả các cá thể được đưa về đến trung tâm.
|
|
|
Khi được đưa đến trung tâm cứu hộ Tê tê và thú ăn thịt nhỏ tại Vườn quốc gia Cúc Phương, sau một tuần, chỉ còn 93 cá thể còn sống sót. Tuy nhiên, các cá thể còn sống sót đang trong tình trạng ổn định dần, đa số đã bắt đầu khám phá nơi ở mới và ăn uống đều đặn.
Từ 26.4, sau khi các động vật đã ổn định và quen với nơi ở mới, chúng sẽ được kiểm tra sức khoẻ và lấy mẫu y tế, bắt đầu quá trình khám chữa bệnh. Các cá thể cầy vòi mốc sẽ được chăm sóc ít nhất 1 tháng để khỏe mạnh hoàn toàn trước khi được thả lại tự nhiên.
|
|
Theo trang website Sinh vật rừng Việt Nam dẫn tài liệu từ cuốn Động vật rừng của tác giả Phạm Nhật, cầy vòi mốc là loài sống chủ yếu ở rừng, đặc biệt là rừng gỗ có nhiều cây và dây leo có nhiều quả ăn được; làm tổ trong gốc cây; sống đơn, hoạt động kiếm ăn đêm (từ chập tối đến nửa đêm). Cầy vòi mốc leo trèo giỏi, có thể nhảy từ cành này sang cành khác ở cự ly 2m hoặc nhảy từ trên cao 6 - 7m xuống đất chính xác. Cầy vòi mốc có tính bạo dạn, ít phát ra tiếng động khi kiếm ăn. Ở nước ta cầy vòi mốc phân bố khắp các tỉnh có rừng.
Bình luận (0)