“Mình sẽ làm món ăn gây tranh cãi”
Theo đó, đoạn clip dài 27 phút 06 giây có tiêu đề “Chân gấu hầm sâm, thịt gấu xào bông cải, kẹo thạch con mắt, hàm răng, bộ não, đầu lâu và sâu bọ” được đăng tải trên trang YouTube chính chủ của nhân vật cùng dòng mô tả: “Khóc thét với bàn chân gấu hầm sâm, cách sơ chế chân gấu, cách làm chân gấu hầm sâm, cách làm thịt gấu xào bông cải”.
Chưa đầy 2 ngày, đoạn video này đã nhận được hơn 300.000 lượt xem cùng nhiều phản ứng trái chiều từ phía cư dân mạng. Hiện tính năng bình luận dưới clip này đã bị tắt.
|
Mở đầu video, Quỳnh Trần JP đã khẳng định món ăn này sẽ gây tranh cãi kèm theo lời giải thích: “Ở Việt Nam như thế nào Quỳnh không biết nha nhưng ở Nhật người ta nhập qua người ta bán như thế này thì mình mua về mình ăn, rồi làm video là chuyện bình thường. Mỗi nước có phong tục tập quán khác nhau và nhà hàng ở Nhật thì cũng có bán món này nha”.
Cụ thể, cô đã mua 2 phần thịt gấu, một phần là thịt đã cắt, phần còn lại là nguyên bàn chân gấu còn lông lá. Theo Quỳnh Trần, những nguyên liệu này được nhập từ Trung Quốc và bán công khai tại Nhật Bản. Riêng giá của bàn chân gấu là hơn 1 triệu đồng.
Vừa sơ chế, YouTuber này cũng nhấn mạnh: “Thịt gấu này nhập ở bên Trung Quốc, ở Nhật người ta nhập và bán như thế này thì mình có thể ăn được nha mọi người, bởi vì mình mua mà, mình không có săn bắt gì cho nên là không có phạm luật gì nha”.
|
Sau đó, Quỳnh Trần JP hướng dẫn người xem cách làm bàn chân gấu hầm với những gia vị thuốc bắc như kỷ tử, nhân sâm, táo đỏ. Thịt gấu cô đem xào với bông cải. Sau khi hoàn thành món ăn, cô ngồi cùng con trai để thưởng thức.
Được biết, Quỳnh Trần JP tên thật là Trần Thị Quỳnh (36 tuổi). Sau khi lấy chồng người Nhật và sang đây định cư, cô nổi tiếng với những clip chia sẻ về ẩm thực cùng cuộc sống gia đình ở Nhật Bản.
Không phải loại gấu nào cũng nằm trong Sách đỏ
Đoạn clip sau khi được đăng tải nhanh chóng được chia sẻ và tạo nên sự tranh cãi gay gắt từ cư dân mạng. Tài khoản N.H.K bình luận: “Nhìn thấy ghê quá! Biết là bạn ở Nhật nhưng mà bạn đang làm clip cho người Việt Nam xem thì nên nghiên cứu về pháp luật Việt Nam. Ăn thịt gấu ở đây là phạm luật đó”.
Cùng quan điểm trên, một tài khoản bức xúc: “Những đứa trẻ ở Việt Nam khi xem những video này sẽ như thế nào, chúng sẽ thấy việc ăn thịt gấu là bình thường à. Chúng ta đang tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam thì nên tẩy chay những clip độc hại như vậy”.
“Tôi sống ở Nhật Bản nên cũng hiểu có Quỳnh Trần. Việc buôn bán thịt gấu ở Nhật không vi phạm pháp luật nên cô ấy có quyền mua và sử dụng. Nếu cô ấy mua và dùng nó ở Việt Nam thì hãy lên án”, Facebooker N.T nói.
|
Anh Lê Minh Chí (23 tuổi) hiện đang là thực tập sinh và làm việc tại một siêu thị ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) chia sẻ đã sinh sống tại Nhật Bản 4 năm và được biết ở đất nước này có thể bán thịt gấu nhưng rất ít nơi bán (loài gấu không nằm trong Sách đỏ). Anh giải thích ở Nhật Bản nếu thịt được phép bán ở siêu thị thường là hợp pháp vì ở Nhật Bản động vật hoang dã nhiều nên được phép giết thịt để cân bằng sinh thái.
Theo ông Phùng Mỹ Trung (chuyên gia Sinh vật học Việt Nam, người Việt Nam đầu tiên được học và tham gia bảo tồn, cứu hộ động vật hoang dã, Tê giác ở Nam Phi và lập website Sinh vật rừng Việt Nam), thứ nhất phải xác định được ở Nhật Bản quy định như thế nào về việc buôn bán chân và thịt gấu. Thứ hai là phải xác định xem loại gấu đó là gấu gì, có thuộc trong Sách đỏ hay không.
Ông nói thêm, trên thế giới hiện có 8 loại gấu nhưng không phải loại nào cũng nằm trong Sách đỏ. Chính vì vậy, để lên án hành vi thì phải xác định chính xác loại gấu được sử dụng trong clip là loại gấu gì. Về góc độ khoa học thì không phải cứ là ăn gấu sẽ là phạm pháp.
“Ví dụ như loài chồn gấu thì cũng có thể gọi là gấu (loài này không nằm trong Sách đỏ). Hoặc nếu ăn gà rừng thì không sao vì gà rừng không nằm trong Sách đỏ đồng nghĩa với việc nếu săn bắt thì sẽ không phạm pháp. Tuy nhiên, nếu ăn gà tiền mặt đỏ thì sẽ phạm pháp vì đây là động vật quý hiếm”, ông nói.
Bình luận (0)