100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày là không thể !

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
25/08/2020 08:12 GMT+7

Để đảm bảo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới , học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, nhiều quận huyện ở TP.HCM đã cắt các lớp bán trú, 2 buổi/ngày của các khối lớp trên dồn phòng cho lớp 1.

Sáng 24.8, UBND TP.HCM đã họp với Sở GD-ĐT và các sở, ngành liên quan để tìm cách giải quyết khó khăn trong vấn đề tuyển sinh và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh (HS) lớp 1. Đến nay, khi năm học mới đã cận kề nhiều quận, huyện vẫn chưa sắp xếp ổn thỏa việc triển khai chương trình mới.

Số lượng trường lớp hạn chế

Chia sẻ tại buổi họp, ông Tạ Tân, Trưởng phòng Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, cho biết đây là quận có dân số rất đông trong khi số lượng trường lớp hạn chế. Hiện bậc tiểu học chỉ có 30% HS được học 2 buổi/ngày.
“Năm nay, quận có thêm 7.097 HS lớp 1. Nếu xóa hết số lớp 2 buổi/ngày của cả quận thì số phòng dư ra chỉ vừa đáp ứng đủ 100% lớp 1 năm nay được học 2 buổi/ngày. Nhưng bài toán đặt ra là năm tới HS lớp 5 ra trường chỉ có 5.100 em, vậy thì quận cũng chỉ nhận được số HS vào lớp 1 tương đương và các em chỉ được học 1 buổi vì đã xóa hết các lớp 2 buổi để ưu tiên cho lớp 1 năm nay rồi. Đây là bài toán mà chúng tôi tính hoài không ra”, ông Tân nói.

Thấp thỏm vì hàng ngàn em bé ở TP.HCM có nguy cơ không được học lớp 1

“Quận tôi thì không có chừa em nào hết, cứ em nào đến độ tuổi đi học, sinh sống trên địa bàn quận là chúng tôi nhận hết, không cần thiết phải có sổ tạm trú hay hộ khẩu vì đây là đối tượng ưu tiên, cần phải được đi học. Nhưng để đảm bảo 100% HS lớp 1 đều học 2 buổi/ngày là không thể”, ông Tân thẳng thắn nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, do áp lực tăng dân số nên hiện nay vẫn còn 6 quận, huyện chưa đạt tỷ lệ 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày gồm Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Q.12 và H.Bình Chánh.

Tăng tốc xây dựng trường lớp

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện cuốn chiếu, năm nay bắt đầu từ lớp 1 sau đó sẽ triển khai tiếp đến các khối lớp khác, do vậy phải có phương án lâu dài trong việc đảm bảo trường lớp.
Theo ông Hiếu, dù Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chương trình mới, nhưng dựa trên khung ban hành của Bộ thì HS lớp 1 phải học ít nhất 6 buổi/tuần. Do vậy, những trường đáp ứng đủ phòng ốc thì HS được học 2 buổi/ngày, còn với những trường gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, phòng học thì sẽ không dạy 2 tiết tự chọn là: ngoại ngữ 1, tiếng dân tộc thiểu số. Nhưng tất cả các trường phải dạy ít nhất 6 buổi/tuần.
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng những năm trước TP đã chịu áp lực trong vấn đề sắp xếp trường lớp, chỗ học cho HS. Năm nay, do thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên càng áp lực hơn.

Quận 12 sẽ nhận hết số HS chưa được vào lớp 1

Chia sẻ về vấn đề tuyển sinh của Q.12 tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND Q.12, cho biết năm nay qua rà soát thống kê, Q.12 có khoảng 10.093 HS vào lớp 1. Để nhận hết số HS, quận sẽ tiếp tục rà soát số lượng, đồng thời giảm số lớp học 2 buổi/ngày ở tất cả các khối lớp bậc tiểu học. 
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn, hỗ trợ để Q.12 sắp xếp, nhận hết số HS còn lại trên địa bàn quận khi các em đã đến tuổi vào lớp 1 nhưng vẫn phải đảm bảo triển khai chương trình giáo dục mới.
“Trước mắt để giải quyết vướng mắc trong năm học này thì chúng ta phải giảm 2 buổi/ngày của các khối khác để đảm bảo cho lớp 1 thực hiện chương trình mới. Về giải pháp lâu dài thì phải tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất theo kế hoạch TP đã đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Ngoài ra, Sở sẽ nghiên cứu hướng tập trung phát triển các trường tiểu học ngoài công lập, đồng thời sẽ tham mưu UBND TP xây dựng đề án hỗ trợ học phí cho những HS khó khăn phải học các trường ngoài công lập trình Hội đồng nhân dân TP.HCM để đảm bảo công bằng cho HS. Đây là kế hoạch lâu dài.
Lắng nghe ý kiến của các quận, huyện cũng như của Sở GD-ĐT, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng để giải quyết những khó khăn này, Sở Kế hoạch - đầu tư và Sở Xây dựng quan tâm đến việc thực hiện các công trình giáo dục, bởi vì trong tình hình mới, tỷ lệ tăng dân số cơ học rất lớn do vậy phải đẩy nhanh tốc độ phát triển cơ sở vật chất. Ông cũng đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất đề án hỗ trợ học phí cho những HS khó khăn đi học ở các trường ngoài công lập.
Tuy nhiên, theo ông Đức, cứ 5 năm TP.HCM có thêm khoảng 1 triệu người, với mức độ tăng đột biến như vậy thì không cách nào xây dựng trường lớp bắt kịp tốc độ này. Người dân lại phân bố không đều, tập trung nhiều ở các quận có khu công nghiệp. Do vậy, người dân cũng phải phân tích tình hình, khi đến TP làm việc phải cân nhắc nơi ở phù hợp với việc làm và cả chỗ học của con cái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.