Tháng 10.1923, anh em Walt và Roy O. Disney thành lập Disney Brothers Studio. Từ sản phẩm đầu tiên đến nay, có thể nói âm nhạc chính là "nhiên liệu" để vận hành đế chế của Disney. Nó đóng một vai trò thiết yếu trong các bộ phim kinh điển của hãng, gồm: phim, các chương trình truyền hình trên Disney Channel và thậm chí trong hầu hết các trò chơi ở công viên giải trí Disneyland.
Âm nhạc và bối cảnh phim. Trong phim hoạt hình Beauty and the Beast (1991), ca khúc Be our Guest là bài hát được dùng phân tách hồi 1 (biến cố) - "khoảng nghỉ", tạo động lực cho nhân vật bước vào hồi 2 (phát triển); đồng thời làm rõ đường dây câu chuyện: thay thế cha trở thành tù nhân, Belle từ chối ăn tối cùng quái thú và bị bỏ đói.
Tại phòng ăn, Bella được tiếp đãi bằng một vở nhạc kịch quy mô lớn - Be Our Guest kết hợp phong cách Broadway và Cabaret (sân khấu biểu diễn hát - xiếc - khiêu vũ trong nhà hàng để khán giả xem trong lúc ăn). Trong không gian đó, Bella là khán giả, những "người" xung quanh là ca sĩ - diễn viên xiếc - vũ công chuyên nghiệp. "Họ" giới thiệu thực đơn bằng âm nhạc và biểu diễn tạp kỹ trên sân khấu hoành tráng. Be our Guest mang đến một cái nhìn thoáng qua về cuộc sống xa hoa - hé lộ một phần thân phận "chủ nhân" tòa lâu đài.
Phát triển nhân vật. Be our Guest giới thiệu cho cả Belle và khán giả vai trò nhạc công của cây đèn Lumière - khao khát được phục vụ, biết mình chỉ có giá trị khi được phục vụ. Vì thế Lumière hát: "Cuộc sống thật đáng kinh ngạc/Đối với một người hầu không phục vụ". Tờ Washington Post nhận định: "Be our Guest liên quan đến các vật dụng "thiết yếu" trong gia đình và Belle buộc phải sống với chúng".
Thúc đẩy cốt truyện - giới thiệu một nhân vật hoặc địa điểm mới. Bài hát A Whole New World trong Aladdin (1992) được dùng để giới thiệu Jasmine với người xem. Ca khúc là bản ballad về tình yêu, ca từ mô tả thế giới huyền diệu và tuyệt vời mà Jasmine sắp khám phá, đồng thời chia sẻ góc nhìn Aladdin và Jasmine về mối quan hệ giữa họ. Giai điệu kết hợp hình ảnh đưa khán giả vào thế giới của nhân vật.
Bộc lộ suy nghĩ, phát triển nội tâm - cho phép nhân vật hát lên khát khao mãnh liệt nhất của mình. Trong phim Frozen (2013), Elsa hát lên khao khát tự do sau khoảng thời gian dài cố gắng che giấu sức mạnh băng giá của cô. Bài hát Let It Go có nhịp điệu tăng dần, cho thấy Elsa đang có sự chuyển biến về mặt nội tâm - chuyển từ chối bỏ sang chấp nhận bản thân. Điều này cũng có thể thấy qua nhân vật nàng tiên cá Ariel trong The Little Mermaid (1989), khi cô muốn có được đôi chân để tự do bước đi trên thế giới loài người trong bài hát Part of Your World.
Giúp khán giả kết nối với cảm xúc nhân vật. Có thể thấy trong tác phẩm kinh điển Pinocchio (1940), âm nhạc kết nối cảm xúc của khán giả và hoàn cảnh của cậu bé. Nội dung phim xoay quanh chú rối gỗ phải chứng tỏ mình xứng đáng để trở thành một cậu bé thực sự. Giai điệu ca khúc When You Wish Upon a Star vang lên thường xuyên và do người dẫn chuyện (cũng là lương tâm Pinocchio) - Dế Jiminy Cricket hát. Lời bài hát khẳng định sức mạnh to lớn của "ước mơ". Đây cũng là một ví dụ điển hình về cách âm nhạc truyền cảm hứng vượt thời gian. Bản thu âm When You Wish Upon a Star năm 1940 được bảo quản trong Cơ quan đăng ký thu âm quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2009 vì "có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử - thẩm mỹ".
Giấc mơ tuổi thơ. Không phải nhạc phim, bài hát It's a Small World (After All) là âm nhạc chủ đề của trò chơi cùng tên tại công viên Disneyland, phát hành lần đầu tiên ở Hội chợ thế giới New York (1964-1965), do dàn hợp xướng nam Disneyland biểu diễn.
Người đồng sáng lập Walt Disney - Walt cần một bài hát đáp ứng 2 việc: dễ chuyển ngữ và có thể chơi theo vòng tròn. Năm 1964, It's a Small World (After All) ra đời, có giai điệu nhanh và hát đối âm. Bài hát rộn ràng mà đơn giản, truyền tải thông điệp về hòa bình thế giới và tôn vinh tính đa dạng văn hóa. Đến nay, có thể xem It's a Small World (After All) là bài hát được phát nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc - theo tạp chí Time.
Bài hát It's a Small World (After All) được phát 1.200 lần/ngày trong 16 tiếng mở cửa, tại 12 công viên Disneyland. Bản thu năm 1964 cũng được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn để bảo quản trong Cơ quan đăng ký thu âm quốc gia Hoa Kỳ năm 2022 vì "có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử - thẩm mỹ".
Trong bối cảnh chỉ nửa số hộ gia đình Mỹ có tivi, nhu cầu sản xuất chương trình cho thiếu nhi phải thỏa mãn 2 điều kiện: âm nhạc giới thiệu được nội dung chương trình, ca từ đơn giản nhưng thu hút để những đứa trẻ có thể tập trung và làm theo. Năm 1955, Disney sản xuất chương trình tạp kỹ chiếu trên màn hình đen trắng - The Mickey Mouse Club. Người dẫn chương trình - Jimmie Dodd - đã sáng tác ca khúc The Mickey Mouse March. Lời bài hát kêu gọi những đứa trẻ cùng đánh vần: "Who's the leader of the club that's made for you and me?/M-I-C-K-E-Y M-O-U-S-E!". Tiếng kèn, trống theo nhịp và các Mouseketeer (dàn diễn viên chính biểu diễn âm nhạc - khiêu vũ) đã biến chương trình thành cuộc diễu hành âm nhạc sôi động.
Top 10 bài hát đứng đầu bảng xếp hạng:
1. Part of Your World (The Little Mermaid, 1989)
2. Let It Go (Frozen, 2013)
3. It's a Small World (After All) (It's a Small World, 1964)
4. Be our Guest (Beauty and the Beast, 1991)
5. When You Wish Upon a Star (Pinocchio, 1940)
6. A Whole New World (Aladdin, 1992)
7. The Mickey Mouse March (The Mickey Mouse Club, 1955)
8. The Climb (Hannah Montana: The Movie, 2009)
9. A Spoonful of Sugar (Mary Poppins, 1964)
10. Breaking Free (High School musical, 2006)
Bình luận (0)