100 năm ngày sinh tư lệnh huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên (1.3.1923 - 1.3.2023): Chiến thắng mưa bom bão đạn

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
24/02/2023 06:30 GMT+7

Dấu son chói lọi nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 70 năm của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1923 - 2019) là những năm tháng được trao trọng trách Tư lệnh Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn và trở thành vị tư lệnh huyền thoại…

TẦM VÓC MỘT VỊ TƯỚNG

Lịch sử ghi nhận trong gần 10 năm làm Tư lệnh Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn, ông đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.

Đường Trường Sơn là hệ thống đường giao thông với 5 trục dọc và 21 trục ngang, tổng chiều dài hơn 17.000 km, cho xe cơ giới vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực vào Nam. Cũng trên con đường huyền thoại này, chỉ từ năm 1973 - 1975, bằng xe cơ giới, 40 vạn quân được chuyên chở và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, chuyển hàng vạn thương binh về hậu phương, đưa hàng ngàn thiếu nhi vượt Trường Sơn ra Bắc học tập. Những người lính Trường Sơn còn lắp đặt đường ống xăng dầu dài 1.400 km…

Chiến thắng mưa bom bão đạn - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong một lần đến thăm bộ đội Trường Sơn

TƯ LIỆU

Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của vị tư lệnh cung đường huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên, năm 1974, ông được Đảng và Nhà nước phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Những ngày này, tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, tự hào rằng Quảng Bình là nơi sản sinh ra nhiều danh tướng, nhưng vị trí của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong tâm thức người dân Quảng Bình chỉ đứng sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "người anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam.

"Cuộc đời của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dù ở vị trí nào cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Trong đó, tên tuổi ông đã gắn với Bộ đội Trường Sơn, với đường Hồ Chí Minh… Thông qua dịp kỷ niệm này, tỉnh Quảng Bình một lần nữa nhắc nhớ mọi người về một vị tướng tài ba, nhất là đối với thế hệ trẻ", ông Phong chia sẻ.

KHÔNG BỊ KHUẤT PHỤC

Đã là bộ đội Trường Sơn, dù là lính thời chiến đổ máu để giành độc lập tự do hay lính thời bình đổ mồ hôi để xây dựng đất nước, họ luôn dành vị trí đặc biệt trong tim mình cho trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Chiến thắng mưa bom bão đạn - Ảnh 2.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thị sát trên đèo Phu La Nhích - đường 20 Quyết Thắng, tỉnh Quảng Bình, năm 1972

BẢO TÀNG TỔNG HỢP TỈNH QUẢNG BÌNH

Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, Phó chủ tịch Hội truyền thống bộ đội Trường Sơn, nhấn mạnh rằng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào Đoàn 559 đã tạo nên bước ngoặt về tư tưởng và hành động. Theo thiếu tướng Hậu, thời điểm cuối năm 1967, do địch đánh phá quá ác liệt đường Trường Sơn nên đã nảy ra một cuộc tranh luận. Một số ý kiến cho rằng quân ta phải lùi vào rừng, sử dụng các phương thức vận tải thô sơ để tiếp vận vào Nam. Ý kiến khác muốn tiếp tục vận tải hàng hóa bằng ô tô.

"Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn phương án 2 sau khi đi thị sát thực tế, đặc biệt là các trọng điểm đánh phá. Trung tướng cho rằng quân ta không thể ở mãi trong rừng mà cần đưa tất cả các lực lượng pháo cao xạ, công binh, quân y, vận tải… ra bám lấy tuyến đường Trường Sơn. Dồn toàn bộ con người, phương tiện cho đường luôn thông, "tác chiến hợp đồng binh chủng". Thay vì chỉ phòng thủ thì phải lấy tiến công làm chủ đạo", thiếu tướng Hậu kể.

Theo thiếu tướng Hậu, những chủ trương đúng đắn của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lập tức đạt hiệu quả trong thực tiễn, tạo nên bước ngoặt trên chiến trường và điều đó đã thổi những luồng sinh khí, tinh thần chiến đấu mới, mạnh mẽ trong hết thảy bộ đội Trường Sơn.

"Chúng tôi đã được Tư lệnh dạy và truyền cho tinh thần chiến đấu, vươn lên, không bị khuất phục trước một khó khăn nào. Quan điểm của Tư lệnh là lính Trường Sơn không có quyền nói "không thể làm được", mà chỉ có quyền nói "làm thế nào để làm được", thiếu tướng Hậu nhớ lại.

(còn tiếp)

GÁNH VÁC NHIỀU TRỌNG TRÁCH

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1.3.1923 tại xã Quảng Trung, H.Quảng Trạch (nay là TX.Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Ông sớm giác ngộ cách mạng và đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 16 tuổi.

Từ năm 1941 - 1948, ông hoạt động cách mạng ở tỉnh Quảng Bình, Thái Lan và Lào; từng được T.Ư cử đi học nhiều lớp về quân sự cả trong và ngoài nước, sau đó giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội.

Từ năm 1967 đến tháng 6.1976, ông đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Bộ Chỉ huy Đoàn 559 với nhiệm vụ tổ chức xây dựng và khai thác đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chi viện sức người và khí tài hậu cần cho chiến trường miền Nam, phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Từ tháng 12.1976, ông giữ các chức vụ: Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 và tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh…

Ông là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác.

"MỘT TRONG NHỮNG THÀNH TỰU VĨ ĐẠI NHẤT VỀ CÔNG BINH"

Cựu quyền Bộ trưởng Không quân Mỹ Merrill McPeak (87 tuổi) từng thực hiện 269 phi vụ oanh tạc tại Việt Nam vào những năm 1969 - 1970 nhằm vào đường mòn Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn). Trong bài viết trên tờ The New York Times, ông kể rằng miền Bắc không thể duy trì chiến dịch ở miền Nam nếu không có tuyến đường đưa nguồn lực hỗ trợ là đường mòn Hồ Chí Minh. Khi đó, tuyến đường được xây dựng trong môi trường đầy thử thách trên vùng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt và nhiều khu vực rừng rậm.

Theo cựu binh Mỹ này, đường mòn Hồ Chí Minh là một trong những thành tựu vĩ đại nhất lịch sử về công binh, và tất cả đều bị che khuất khỏi tầm nhìn, ngoại trừ dấu vết của chính con đường. "Chúng tôi đã tấn công các điểm nghẽn, nhưng ngày hôm sau đường vòng liền xuất hiện. Chúng tôi oanh tạc lòng đường, nhưng con đường mòn liền uốn lượn quanh đó", ông kể. Theo ông, đường mòn Hồ Chí Minh giống như một mê cung hơn là một con đường, khi nó cứ bị phá nát, biến mất rồi lại xuất hiện.

Ông Merrill McPeak thừa nhận Mỹ chưa từng chặn được đường mòn Hồ Chí Minh. Theo tờ The Washington Post, máy bay quân sự Mỹ đã ném ít nhất 1,7 triệu tấn bom trong nỗ lực bất thành nhằm chia cắt đường mòn Hồ Chí Minh. Bộ đội VN và lực lượng tình nguyện đã làm xuyên đêm để lấp các hố bom, mở đường mới xuyên rừng rậm. Nhờ đó, dòng người và hàng tiếp tế chưa bao giờ bị gián đoạn quá vài ngày.

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.