Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) - Công an TP.HCM cho biết theo luật xử lý vi phạm hành chính và hướng dẫn của Công an TP.HCM, thời gian tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày - kể từ ngày tạm giữ. Thời gian tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày.
Chính vì thế, phương tiện vi phạm hành chính quá thời gian tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc phương tiện không xác định được người vi phạm thì PC67 sẽ bắt đầu tiến hành các bước thanh lý. Thời gian thực hiện khoảng 8 - 12 tháng.
Theo PC67, hiện nay các lỗi vi phạm, buộc tạm giữ phương tiện gồm: không mang theo giấy tờ xe, vi phạm nồng độ cồn, không giấy phép lái xe… Sau 7 ngày, người điều khiển phương tiện vi phạm phải đến đội CSGT nơi xử lý để nhận quyết định xử phạt. Quá hạn, người vi phạm không đến làm thủ tục xử phạt thì CSGT sẽ gửi 2 thư mời (trong 60 ngày) tới địa chỉ do người vi phạm cung cấp ban đầu. Sau thời gian này, người vi phạm không đến thì CSGT sẽ tiến hành thủ tục thanh lý xe.
Xe vi phạm không có người đến nhận sẽ được chuyển về các kho tang vật do Phòng PC67 quản lý. Phòng PC67 sẽ lập danh sách gửi Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) xác minh những xe liên quan đến các vụ án trộm, cướp... (công đoạn này mất 45 ngày). Nếu xác định được xe nào trùng biển số, số khung, số máy liên quan đến vụ án thì PC45 sẽ thông báo cho người liên quan tới làm việc. Nếu chủ xe chứng minh được mình bị trộm, cướp thì được nhận lại xe.
Hai trường hợp xử lý
Sau đó, cơ quan chức năng lập danh sách xe không có người đến nhận đăng báo 2 lần để tìm chủ sở hữu (thời gian 50 ngày). Bên cạnh đó, danh sách xe vi phạm không có người đến nhận sẽ được dán công khai tại các Đội CSGT nơi các xe vi phạm bị xử lý. Trường hợp vẫn không có người đến nhận thì đề xuất tịch thu và ra quyết định tịch thu xe. Sau khi có quyết định tịch thu, CSGT bàn giao xe cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của Sở Tư pháp và bộ phận chuyên môn của Sở Tài chính để tiến hành các thủ tục áp giá và đấu giá.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM (Sở Tư pháp TP), cho biết xe đấu giá do PC67 chuyển qua thường bán theo lô và do cơ quan này chia danh sách thành hai loại: xe được đăng ký lại (xe có nhãn hiệu, hãng xe, số loại, số khung, số máy) và xe bán phế liệu.
"Đối với tài sản đăng ký lại được, PC67 sẽ hoàn tất thủ tục đăng ký lại cho người mua trúng đấu giá. Còn xe không đăng ký lại được thì cắt ra, đập số khung, số máy. Tiền bán thì chuyển ngân sách nhà nước", ông Sỹ nói.
Bình luận (0)