Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật muôn thuở trong một kiếp người. Ai rồi cũng sẽ trải qua sự mặc định ấy của tạo hóa. Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống của chúng ta, có những cái chết chẳng theo quy luật nào cả.
Minh họa: DAD
|
Những cái chết thương tâm
Do đặc thù của công việc, ngày nào tôi cũng tiếp xúc với những bản tin nói về sự chết chóc, phần lớn là tai nạn giao thông, chết đuối, giết người cướp tài sản, bọn côn đồ thanh toán nhau... Thế rồi một ngày nọ, tim tôi co thắt lại, bàng hoàng trước cái chết của thiếu tá Nguyễn Ngọc Hân, công tác ở Bộ Tư lệnh thông tin đóng quân tại tỉnh Khánh Hòa. 6 tháng trước đó, một vụ hỏa hoạn tại nhà riêng ở TP.Nha Trang đã cướp mất sinh mạng của vợ và 2 cô con gái thiếu tá Hân. Sự ra đi vĩnh viễn của 3 người thân trong gia đình đã biến ngôi nhà thân thương ngày nào bỗng chốc trở thành nơi lưu dấu sự tang tóc, thê lương. Trong sự đau thương tột cùng, thiếu tá Hân đã tự kết liễu đời mình ngay trong ngôi nhà ấy, để lại lá thư tuyệt mệnh với nội dung: không thể sống thiếu vợ con. Những ai đặt trọn niềm thương yêu với cha mẹ, vợ chồng con cái chắc sẽ hiểu vì sao thiếu tá Hân lại tự kết liễu đời mình như vậy. Nói thật, đó là bản tin tôi không bao giờ quên, nếu không muốn nói là bị ám ảnh và thấu hiểu, đồng cảm với hành động của thiếu tá Hân.
Khi có lý trí, tự khắc mỗi người chúng ta sẽ nhận biết giá trị cuộc sống chính mình cũng như của mỗi sinh linh khác trên cõi trần gian này, để có cách ứng xử và thể hiện hành vi mà theo họ, là thích hợp nhất. Phần “nhân” ẩn trong thân xác con người nằm ở chỗ đó. Nếu phần “nhân” ấy mất đi, sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác với đạo lý thông thường.
Và những cái chết... lãng xẹt
Có một nữ sinh viên người Mỹ gốc Việt tên Kim Pham từ trong một hộp đêm ở thành phố Santa Ana (bang California) đi ra, lỡ bước vào giữa một nhóm thanh niên gồm 3 nữ, 2 nam đang tạo dáng chụp hình lưu niệm. Thế là nhóm người kia xúm lại đánh chết cô Kim. Sự sơ ý đã phải trả giá bằng sinh mạng. Chuyện ấy xảy ra bên Mỹ, thế ở VN thì sao? Xin thưa, chuyện đại loại như vậy diễn ra như cơm bữa, với những lý do mà khi người chết xuống âm phủ, Diêm Vương hỏi: “Vì sao ngươi chết?”. Nghe trả lời xong, Diêm Vương sững sờ, choáng váng: “Hừm, chắc nhà ngươi bịa chuyện. Ta không tin!”. Những câu chuyện sau đây tôi dám chắc các bạn cũng sẽ không tin là nó đã diễn ra trên thế gian này.
Mời nhậu
0 giờ ngày 20.4.2014 tại một quán nhậu ở xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) đã diễn ra một cuộc hỗn chiến khiến 1 người chết, 3 người bị thương. Câu chuyện bắt đầu bằng một cử chỉ thân thiện của một người trong nhóm Nguyễn Xứng (28 tuổi) định qua cụng ly với nhóm của Lê Hồng Vinh (21 tuổi) thì Xứng ngăn lại, rồi buông ra một câu rất dễ tự ái: “đám đó chẳng ra chi”. Nghe vậy, hai nhóm cự cãi rồi lao vào choảng nhau. Trong lúc rượt đuổi, Vinh ném một cục đá trúng đầu khiến Xứng chết ngay tại chỗ.
Bài học kinh nghiệm: Bàn ai nấy nhậu, đừng mời mọc nhau nếu thấy “chiến hữu” khó chịu.
Uống không sòng phẳng
Một ngày đẹp trời nọ, Trần Văn Lăng đến nhà ông Lê Văn Dân ở ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nhậu. Trong lúc chén tạc chén thù đã xảy ra cự cãi về chuyện kẻ uống nhiều người uống ít, uống thiếu công bằng. Trong lúc “hăng tiết vịt”, Lăng đã nhào tới siết cổ ông Dân đến tắt thở mới buông tay.
Bài học kinh nghiệm: Khi đã nhậu thì phải uống cho đều, đừng uống ăn gian. Nếu thấy “long thể bất an” thì đừng nhậu.
Xoa đầu không đúng đối tượng
Trên các sân cỏ bóng đá châu Âu, bạn sẽ thường xuyên thấy cảnh các cầu thủ xoa đầu một cầu thủ nào đó chúc mừng (vừa ghi bàn thắng vào lưới đối phương) hoặc an ủi vì đồng đội đá hỏng quả phạt đền. Người phương Tây xem chuyện ấy là bình thường. Đối với người VN, cái đầu là để thờ cha mẹ, do vậy việc ông bà, cha mẹ xoa đầu con cái để tỏ sự âu yếm là chuyện bình thường, bất kể mái đầu ấy thế nào. Nhưng xoa đầu người khác một cách giễu cợt lại là câu chuyện khác, mất mạng như chơi. Đó là trường hợp của Lý Nhựt Trường (30 tuổi) đã dùng tay xoa cái đầu trọc (do vừa phẫu thuật, phải cạo sạch tóc) của Phạm Minh Quí (24 tuổi) đang ngồi nhậu. Sự chọc ghẹo quá trớn ấy đã xảy ra một cuộc đánh nhau và Phạm Minh Cường (21 tuổi, em ruột Quí, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) dùng dao đâm chết Lý Nhựt Trường. Cường sau đó bị tòa tuyên án tù chung thân.
Bài học kinh nghiệm: Đừng xoa đầu bạn bè, người quen, kể cả người yêu, cho dù mái đầu ấy có nhiều hay ít tóc đi chăng nữa.
“Ông Tám” gặp nạn
Tám chuyện ở xứ ta chẳng còn xa lạ gì. Tôi biết có một nhóm bạn gái, đồng nghiệp chung cơ quan, ngày nào cũng đi cà phê tám đủ thứ chuyện trên đời, với một không khí vui vẻ. Tám như vậy chẳng hại ai. Nếu có hại chăng là ở trường hợp này: Ngày 3.5.2014 Bùi Văn Ban (33 tuổi) đi xe máy gây tai nạn với một phụ nữ trên đường Bùi Công Trừng, ấp 4, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn (TP.HCM) bị người dân đuổi đánh nên bỏ xe chạy lấy người. Ban hậm hực về nhà xách dao quay lại hiện trường nhưng lúc ấy CSGT đã đến lập biên bản và mang xe về đồn xử lý. Trước tình cảnh ấy, Ban chỉ biết đứng giữa trời cao đất rộng lớn tiếng... chửi bới lung tung. Thấy vậy, Lê Văn Tân (31 tuổi) đang ngồi nhậu gần đó ra gặp Ban để “tâm sự loài chim biển”. Không ai biết cuộc “mạn đàm” ấy có nội dung gì đã khiến tên Ban rút dao đâm anh Tân chết tại chỗ. Sau khi gây án, Bùi Văn Ban đến công an đầu thú.
Bài học kinh nghiệm: Trong lúc người ta đang tức giận, tốt nhất đừng bình luận gì cả, nhất là người ấy đang cầm hung khí.
Đút tay túi quần
Đút tay vào túi quần, túi áo là chuyện rất đỗi tự nhiên. Ở phương Tây, có nhiều diễn giả vẫn tỉnh bơ đút tay vào túi quần trong lúc đang thuyết trình trước đám đông cử tọa. Chẳng ai lấy làm phiền. Ở những vùng lạnh lẽo, đút tay vào túi áo, túi quần còn là cách để giữ ấm. Cũng theo quán tính tự nhiên ấy, tối 13.2.2014 anh Trần Văn Hải (20 tuổi, quê Hà Tĩnh) vừa đi vừa đút tay túi quần ngang qua một bàn nhậu ở ấp Ruộng 3, xã Quang Minh, H.Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Thấy vậy, 3 người trong bàn nhậu yêu cầu anh Hải bỏ tay ra khỏi túi quần ngay. Anh Hải không đồng ý liền bị chúng nhào vô đánh và đâm chết tại chỗ.
Bài học kinh nghiệm: Nếu bạn có thói quen đút tay túi quần thì nhớ lấy tay ra khi đi qua một bàn nhậu “bốc mùi tử khí”.
Thuê phòng trọ
Đến một nhà nghỉ hoặc khách sạn để thuê phòng thiết nghỉ chẳng có gì khó, vì hotel ở xứ ta hiện nay khá dày đặc, từ 0 sao đến 5 sao và... ngàn sao (tức là thuê một cái chiếu ngủ ở vỉa hè) nơi nào cũng có. Thích thì thuê, không thích sang chỗ khác, chuyện cũng bình thường thôi. Tuy nhiên, đối với trường hợp của anh Liên Quốc Vinh (37 tuổi, Việt kiều Pháp) lại không đơn giản như vậy. Anh này đến một nhà nghỉ ở TP.Vũng Tàu thuê phòng và ngồi nhậu chung với chủ nhà và bạn bè. Vì anh Vinh không có giấy tờ tùy thân nên chủ nhà nghỉ không cho thuê phòng. Anh Vinh đứng lên nói: “Không cho thì đến nơi khác thuê!” rồi bỏ đi. Nghe vậy, một người trong bàn nhậu có tên Danh Chơn (25 tuổi, quê Kiên Giang) nghĩ anh Việt kiều này cậy mình giàu, hách dịch nên cầm dao đuổi theo đâm Vinh tử vong. Ngày 8.5.2014, sát thủ Danh Chơn lãnh án tù chung thân.
Bài học kinh nghiệm: Đi thuê phòng khách sạn nhớ mang theo chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, cùng lắm thì đưa giấy phép lái xe cũng được.
Chụp hình
Thời đại kỹ thuật số bùng nổ đã khiến chiếc máy chụp ảnh trở nên thông dụng. Ai cũng có thể sở hữu được một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, chụp gì tùy thích kể cả chụp ảnh “tự sướng”. Nhưng để có một bức ảnh chất lượng như ý, đến tiệm chụp hình cho chắc ăn. Ông Trần Văn Tân (54 tuổi) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi) đến tiệm ảnh của Trần Minh Điền (35 tuổi) ở xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) để chụp hình. Lúc giao ảnh, ông Tân chê Điền chụp hình xấu rồi cãi vã, xô xát. Thấy vậy, Trần Minh Đạo (26 tuổi, em ruột chủ tiệm) cầm dao xông vào đâm chết ông Tân vì dám chê ảnh xấu.
Bài học kinh nghiệm: Đi chụp hình ở tiệm, nếu không khen được thì cố nhịn, cầm mấy tấm ảnh về đến nhà rồi hẵng chê.
Đó, với những nguyên cớ vô duyên, lãng nhách như vậy, thử hỏi làm sao Diêm Vương tin được? Còn độc giả, dù bạn có tin hay không tin thì những chuyện như vậy cũng đã và đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta và sẽ còn diễn ra trong tương lai khi mà tính sân si và thói côn đồ của một số người vẫn còn tiềm ẩn. Hãy bảo trọng!
Bình luận (0)