11 cột mốc trên biển: Hòn Đá Lẻ xa xôi

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
03/07/2023 07:09 GMT+7

Hành trình đến với Hòn Đá Lẻ - điểm A2 khó khăn gấp bội so với Hòn Nhạn, bởi điểm này chưa có cột mốc đánh dấu và đi lại rất khó khăn.

Từ trạm rada 595 (Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) đóng trên điểm cao nhất của Hòn Khoai (xã Tân An, H.Ngọc Hiển, Cà Mau), nhìn qua ống nhòm chuyên dụng TZK về hướng đông nam sẽ thấy Hòn Đá Lẻ.

Thiếu tá Trịnh Công Tự, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Hòn Khoai, Bộ đội Biên phòng Cà Mau, cho biết: Hòn Đá Lẻ nằm cách Hòn Khoai hơn 7 km theo đường chim bay. Đây là một quần thể đá đen trơ trọi nổi lên trên mặt biển, có chiều dài khoảng 125 m, chiều rộng nhất 34 m và cao nhất khoảng 7 m. Phía đầu tây nam nhô lên cao nhất với những phiến đá khô. Phía đông bắc là khu vực đá trũng, có 1 hồ nhỏ nằm trong phần đá và chìm xuống khi thủy triều lên.

11 cột mốc trên biển: Hòn Đá Lẻ xa xôi - Ảnh 1.

Hòn Đá Lẻ nhìn từ xa

MAI THANH HẢI

Hòn Đá Lẻ là nơi trú ngụ của nhiều loài chim biển. Xung quanh khu vực đảo là thềm đá san hô thoai thoải, tập trung nhiều thủy hải sản nên có hàng chục hộ gia đình ở Rạch Gốc (H.Ngọc Hiển) ra đóng đáy bắt tôm cá, và khi biển động thì các tàu thuyền ghé vào tránh gió.

Trong 2 năm 2017 - 2018, tôi liên tục đi theo tàu vận tải quân sự của Vùng 5 Hải quân đi thăm chúc tết trạm rada 595 để có cơ hội ra Hòn Đá Lẻ, nhưng đều không thành, bởi thời tiết cuối năm sóng to gió lớn.

Mãi giữa 2019, ước mơ đặt chân lên Hòn Đá Lẻ - điểm A2 đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải VN mới thành công, khi chuyến công tác tuyên truyền hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Bộ đội biên phòng Cà Mau, trùng chuyến tuần tra kiểm soát của Đồn biên phòng Hòn Khoai.

11 cột mốc trên biển: Hòn Đá Lẻ xa xôi - Ảnh 2.

Bộ đội Đồn biên phòng Hòn Khoai trên Hòn Đá Lẻ

Từ TP.HCM, chúng tôi chạy xe xuống khu du lịch Khai Long (xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau), nghỉ lại 1 đêm, sáng hôm sau đi nhờ tàu tiếp tế ra Hòn Khoai, nằm cách đất liền khoảng 15 km. Buổi sáng hôm ấy thời tiết tốt, chỉ huy Đồn biên phòng Hòn Khoai giục: "Xuống ngay cầu cảng, ra Hòn Đá Lẻ với đội tuần tra", và bảo: "Chỉ lực lượng bảo vệ chủ quyền và ngư dân đánh bắt thủy hải sản trong khu vực, mới được lên Hòn Đá Lẻ".

Gần 2 tiếng đồng hồ từ cầu cảng phía tây (bãi đá trứng), đi vòng phía tây nam của đảo Hòn Khoai, qua Hòn Sao… khoảng 9 giờ sáng, tàu BP-19.06.01 của Đồn biên phòng Hòn Khoai mới tới Hòn Đá Lẻ. Dù mặt biển lặng nhưng do sóng ngầm quanh đảo rất mạnh nên tàu dừng cách hơn 100 m, hạ thuyền thúng đưa người lên đảo với 2 sợi dây thừng giữ thăng bằng.

Từ giữa đảo lên đầu phía tây nam phải bám gờ đá gần chục mét nhô lên như sống lưng khủng long. Bù lại, đầu này có điểm cao bằng phẳng, thuận lợi cho việc tập trung đông người. Dưới điểm cao là mặt bằng 7 - 8 m2, ngư dân đánh bắt thường lên nghỉ ngơi tránh nắng gió.

11 cột mốc trên biển: Hòn Đá Lẻ xa xôi - Ảnh 3.

Hòn Đá Lẻ chủ yếu là các khối đá đen

11 cột mốc trên biển: Hòn Đá Lẻ xa xôi - Ảnh 4.

Tàu thả trôi cạnh Hòn Đá Lẻ

Ông Nguyễn Văn Phú, ngư dân TT.Rạch Gốc (H.Ngọc Hiển), kể: "Chục năm trước, Hòn Đá Lẻ nhô lên chỉ 4 - 5 m nhưng giờ thì đội lên khoảng 7 m. Dây buộc thuyền ở trụ đá phía nam cũng phình to, căng hết cả vòng dây", và khẳng định: "Đá ở đây là đá sống. San hô cũng phát triển nên tôm cá tập trung rất nhiều". Dạo một vòng trên đảo lúc thủy triều xuống, sẽ thấy vô số các loài cá mắc lại trong các vũng - hồ nước trên mặt đá lõm. Đặc biệt, trên Hòn Đá Lẻ có rất nhiều cua đá sinh sống.

Thời điểm chúng tôi lên Hòn Đá Lẻ, trên đảo (và ở Cồn Cỏ) vẫn chưa xây dựng mốc cơ sở và mốc định hướng, như ở 9 điểm khác. Cuối tháng 5.2023, chúng tôi xác minh qua ngành chức năng thì được biết: cuối tháng 4, đầu tháng 5.2023, mốc cơ sở A2 - Hòn Đá Lẻ đã được khởi công xây dựng. Chủ đầu tư là Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý (Bộ TN-MT). Đơn vị thi công thuộc Tập đoàn Hà Đô.

Ngày 12.5.2023 tại TP.Hà Nội, chúng tôi đã làm việc với ông Hoàng Ngọc Lâm (Cục trưởng Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý) về việc xây dựng các mốc cơ sở. Ông Lâm xác nhận việc đang xây dựng điểm mốc cơ sở A2 - Hòn Đá Lẻ, cho xem hình ảnh thi công xây dựng, và khẳng định: "Chậm nhất là cuối năm 2023 sẽ hoàn thành, bàn giao công trình"… (còn tiếp) 

Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý chủ trì xây dựng các điểm mốc cơ sở theo đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển VN. Từ tháng 10.2016 - 8.2017 đã hoàn thành việc xây dựng và đo đạc 9/11 mốc: A1 (Hòn Nhạn, Kiên Giang), A3 (Hòn Tài Lớn, Bà Rịa-Vũng Tàu), A4 (Hòn Bông Lang, Bà Rịa-Vũng Tàu), A5 (Hòn Bảy Cạnh, Bà Rịa-Vũng Tàu), A6 (Hòn Hải, Bình Thuận), A7 (Hòn Đôi, Khánh Hòa), A8 (Mũi Đại Lãnh, Phú Yên), A9 (Hòn Ông Căn, Bình Định), A10 (Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Các mốc cơ sở lãnh hải sau khi hoàn thành đã được Cục bàn giao cho các đồn biên phòng, UBND cấp xã trong năm 2017 và đầu năm 2018, nơi vị trí đặt mốc để quản lý, bảo vệ.

Riêng mốc A11 tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã được Cục bàn giao thiết kế cho địa phương thực hiện theo đề nghị của địa phương và chỉ đạo của Chính phủ.

Do khó khăn về kinh phí, đến nay mốc A2 (Hòn Đá Lẻ, Cà Mau) đang thực hiện xây dựng, hoàn thành và bàn giao cho đồn biên phòng và địa phương quản lý, bảo vệ trong năm 2023…

Ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý, Bộ TN-MT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.