1. Xét nghiệm cholesterol
Một cuộc xét nghiệm cholesterol đánh giá nguy cơ phát triển bệnh tim hoặc đột quỵ. Phụ nữ nên đi xét nghiệm một lần mỗi 4-6 năm, bắt đầu từ lúc 20 tuổi.
Mức cholesterol toàn phần bình thường lý tưởng là dưới 200 miligam mỗi decilit (mg/dl) và chỉ số ranh giới, cần chú ý đề phòng là 200-239 mg/dl. Nếu bạn có tiền sử gia đình hoặc nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm tra cholesterol.
2. Kiểm tra huyết áp
Xét nghiệm này được thực hiện khi huyết áp của bạn cao hơn 140/90, vốn là chỉ số bình thường. Do huyết áp cao có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe khác, nên cần tiến hành kiểm tra 2 năm một lần. Đặc biệt nếu chỉ số của bạn là 120/80 hoặc thấp hơn và nếu bạn được chẩn đoán bị huyết áp cao, bạn cũng nên được tầm soát bệnh tiểu đường.
3. Chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh giúp phát hiện sự phát triển ung thư vú ở những phụ nữ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng mắc bệnh, cũng như bất kỳ khối u hoặc dấu hiệu nào khác của bệnh này. Tất cả phụ nữ nên chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú, theo Bold Sky.
4. Kiểm tra vú
Kiểm tra vú thường được thực hiện khi phụ nữ đến tuổi 40. Những cuộc kiểm tra này được thực hiện hằng năm trong đó bác sĩ sẽ trực tiếp kiểm tra bộ ngực của bạn để phát hiện sự khác thường, nếu có, về kích thước hoặc hình dạng, khối u... Khám ngực cũng sẽ bao gồm kiểm tra nhũ hoa xem có tiết dịch bất thường hay không.
5. Phết tế bào cổ tử cung (Pap test)
Xét nghiệm này được thực hiện nhằm kiểm tra các dấu hiệu ung thư cổ tử cung. Pap test thường được thực hiện cùng với khám phụ khoa, và ở phụ nữ trên 30 tuổi, Pap test có thể được kết hợp với xét nghiệm HPV, một bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ung thư cổ tử cung, theo Bold Sky.
6. Kiểm tra mật độ xương
Kiểm tra mật độ xương được thực hiện để đánh giá mức độ loãng xương. Ngoài ra, khi một phụ nữ đến tuổi mãn kinh và có tiền sử gãy xương, việc kiểm tra mật độ xương là rất quan trọng. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương, chẳng hạn như gãy xương hoặc có thể trọng thấp, việc kiểm tra mật độ xương có thể có lợi.
7. Xét nghiệm glucose trong máu
Xét nghiệm này giúp phát hiện bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường. Nếu bạn bị béo phì, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, hoặc thuộc chủng tộc hoặc sắc tộc có nguy cơ đặc biệt, thì nên làm xét nghiệm đường huyết trước 40 tuổi.
8. Kiểm tra da
Điều này có thể được thực hiện tại nhà và các chuyên gia y tế khuyến nghị phụ nữ nên kiểm tra da hằng tháng. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách kiểm tra cẩn thận cơ thể để tìm nốt ruồi mới hoặc những thay đổi ở nốt ruồi hiện hữu. Nếu bạn phát hiện bất cứ điều gì khác thường, hãy đi gặp bác sĩ da liễu, theo Bold Sky.
9. Tầm soát ung thư ruột kết
Tầm soát ung thư ruột kết được thực hiện thông qua thủ thuật nội soi đại tràng sigma, trong đó một ống tube và camera được đưa vào hậu môn để kiểm tra đại tràng dưới, hoặc nội soi đại tràng, trong đó một ống tube dài hơn được sử dụng để kiểm tra toàn bộ đại tràng. Trừ phi có nguy cơ ung thư ruột kết, nội soi đại tràng sigma được lặp lại sau mỗi 5 năm và nội soi đại tràng được lặp lại sau mỗi 10 năm.
10. Kiểm tra nha khoa
Sức khỏe răng miệng là một phần quan trọng trong sức khỏe tổng thể của một cá nhân. Thông qua việc kiểm tra nha khoa thường xuyên, bao gồm làm vệ sinh và kiểm tra răng, nha sĩ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu sâu răng hay bất kỳ vấn đề nào khác, theo Bold Sky.
11. Khám mắt
Nếu bạn đeo kính hoặc sử dụng kính áp tròng, điều quan trọng là phải kiểm tra thị lực mỗi năm. Tuy nhiên, nếu bạn không cần đến kính, việc kiểm tra là không bắt buộc.
12. Kiểm tra thể chất
Mọi phụ nữ nên được kiểm tra thể chất để tầm soát nguy cơ béo phì, vốn đòi hỏi phải tính toán chỉ số khối cơ thể (BMI). Mặc dù không có hướng dẫn nghiêm ngặt về tần suất đi gặp bác sĩ để thực hiện việc kiểm tra này, nhưng điều quan trọng là phải thực hiện một lần, theo Bold Sky.
Bình luận