Đau đáu cảnh 'đơn chiếc' của góa phụ tuổi đôi mươi
Cơn bão Chanchu cướp đi sinh mạng của 86 ngư dân ở xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam khiến bao gia đình mất con, vợ mất chồng và những đứa con không được gặp cha. Nạn nhân trong cơn bão ngày ấy đa phần là trai trẻ của làng, có người vừa lập gia đình, tất cả đều là lao động trụ cột. Họ ra đi để lại những người vợ mới bước qua tuổi 20, đã phải chịu cảnh "góa phụ".
Vợ chồng bà Lê Thị Bảy (68 tuổi) và ông Nguyễn Văn Nãi (71 tuổi, ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh) có 11 người thân mất tích trong cơn bão. Con trai đầu của vợ chồng bà là anh Nguyễn Văn Thanh mất trong chuyến biển định mệnh khi anh vừa mới lập gia đình được 2 năm. Con dâu bà Bảy, chị Trương Thị T., khi ấy mới 22 tuổi và có con gái 7 tháng tuổi.
Theo thời gian, đứa cháu nội cũng đã lớn, vợ chồng bà Bảy nguôi ngoai dần nỗi đau mất con nhưng lại canh cánh một nỗi niềm, khi cảm thấy có lỗi trước cảnh đứa con dâu phải chịu cảnh góa phụ khi còn quá trẻ. Nhiều đêm trăn trở, bàn bạc với nhau vợ chồng bà đã khuyên con dâu đi thêm bước nữa để tìm hạnh phúc mới nhưng chị T. lại một mực từ chối.
"Dù con T. là con dâu nhưng vợ chồng tôi xem nó như con ruột của mình. Con trai tôi mất sớm, nó ở chăm sóc vợ chồng tôi từng ấy năm là đủ rồi, giờ vợ chồng tôi chỉ mong cho con dâu có hạnh phúc mới vì tuổi nó còn quá trẻ", bà Bảy nói.
Cũng theo bà Bảy, những lúc rảnh rỗi vợ chồng bà ngồi lại nói chuyện, giải thích cho con dâu hiểu. Bên cạnh đó, nhờ anh em bạn bè của chị T., kể cả hàng xóm khuyên nhủ để chị mở lòng đón nhận tình cảm của người khác thêm lần nữa. Sau nhiều lần tác động, khuyên bảo cuối cùng chị T. cũng chấp nhận tìm hiểu để "đi thêm bước nữa".
Năm 2017, một lần đi làm ở cảng cá, chị T. gặp và phải lòng anh Nguyễn Viết H. (37 tuổi, ở H.Núi Thành, Quảng Nam). Anh H. cũng từng "qua một lần đò". Sau một thời gian tìm hiểu, chị T. đưa anh H. về gặp vợ chồng bà Bảy. Không ngần ngại, vợ chồng bà chấp nhận ngay, nhưng không quên "điều tra" kỹ về tính tình, hoàn cảnh của người đàn ông sẽ trở thành chồng mới của con dâu mình. Khi biết chính xác anh H. đã ly hôn và thật lòng yêu thương chị T., vợ chồng bà Bảy vui vẻ gật đầu cho tổ chức đám cưới.
Đầu năm 2018, vợ chồng bà Bảy đứng ra làm chủ hôn cho lễ cưới của chị T. và anh H, cùng sự hiện diện của... ba bên gia đình (gia đình ông bà Bảy, gia đình bên chị T. và nhà trai) cùng bạn bè gần xa. Lễ cưới, bàn tiệc đều được vợ chồng bà Bảy chuẩn bị chu đáo.
"Con T. là con dâu nhưng với gia đình tôi nó còn hơn con đẻ vì vậy chúng tôi phải có trách nhiệm đứng ra tổ chức lễ cưới cho con. Vợ chồng tôi nghĩ, ở dưới suối vàng nếu con trai tôi mà biết được chắc nó cũng vui và hãnh diện lắm", bà Bảy trải lòng.
|
Chị Trương Thị T., cho hay từ ngày chồng mất tích sau trận bão Chanchu, bản thân luôn luôn quan tâm, chăm sóc và xem cha mẹ ruột cũng như chính cha mẹ đẻ của mình. Trong thời gian dài sống với cha mẹ chồng, nhiều lần ông bà khuyên nên đi tìm hạnh phúc mới.
"Từ khi chồng mất, tôi luôn suy nghĩ sẽ không mở lòng thêm một ai nữa mà sẽ ở vậy chăm sóc con, cha mẹ chồng thay chồng nhưng không ngờ duyên nợ tôi vẫn chưa hết. Điều khiến tôi cảm động nhất là được cha mẹ chồng đứng ra tổ chức lễ cưới cho mình và chồng mới rất tươm tất. Tôi thật sự cảm ơn ông bà rất nhiều", chị T. tâm sự.
5 năm sau ngày con trai Nguyễn Văn Tứ mất tích trong trận bão Chanchu, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghĩa và bà Nguyễn Thị Tới (đều 68 tuổi, ở thôn Hà Bình) cũng đã nhờ người mai mối và tổ chức lễ cưới cho con dâu Trần Thị V. (33 tuổi) với người đàn ông chưa vợ ở xã Bình Dương (H.Thăng Bình).
Bây giờ, gia đình chị V. đã có thêm 2 người con (1 trai, 1 gái) cuộc sống gia đình tuy còn khó khăn nhưng luôn luôn tràn đầy hạnh phúc. Vợ chồng chị V. luôn gọi ông Nghĩa, bà Tới là cha mẹ và thường xuyên ghé thăm, có mặt mỗi lần gia đình có việc quan trọng. "Giờ thấy con dâu hạnh phúc bên tổ ấm mới là vợ chồng tôi mừng lắm",ông Nghĩa chia sẻ.
Bình luận (0)