Đây là các quốc gia và vùng lãnh thổ khéo chi khi tiền tiêu luôn ít hơn tiền thu mỗi năm.
Nhà băng Deutsche Bank, Barclays, HSBC, Credit Suisse, Morgan Stanley và ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America là những cái tên vừa cho rằng việc chi tiêu chính phủ và kích thích tài khóa lớn có thể đang trở lại.
Chuyên gia Antonio Garcia Pascual thuộc ngân hàng Barclays cho hay: “Nới lỏng tài khóa đang có sức hút trên thế giới trong khi các ngân hàng trung ương thì do dự trong việc tung thêm gói kích thích tiền tệ do lo ngại lạm phát”.
Tuy vậy, với nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, việc đảm bảo rằng cán cân tài chính cân bằng và đất nước có thặng dư - hay nguồn thu của chính phủ vượt quá mức chi tiêu - vẫn là mục tiêu số một. Một số nước thực hiện mục tiêu này tốt hơn các nước khác nhờ một loạt yếu tố chính trị, kinh tế.
Sử dụng dữ liệu từ Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trang Business Insider mới đây đăng tải bài viết liệt kê 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có thu vượt chi theo thứ tự từ thấp đến cao.
12. New Zealand: 0,3%. Bị tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới, quốc gia nằm ở Nam Thái Bình Dương là nền kinh tế dựa vào dịch vụ và thường xuyên có thặng dư. “Giảm nợ đến mức an toàn sẽ tạo thêm điều kiện để chính phủ hỗ trợ người dân New Zealand”, Bộ trưởng Tài chính New Zealand Bill English cho hay. Reuters
11. Estonia: 0,5%. Quốc gia định vị mình là trung tâm công nghệ Bắc Âu trong những năm gần đây, có thặng dư suốt hai năm qua. Chính phủ Estonia tập trung vào các nguyên tắc tài chính. Reuters
10. Đức: 0,6%. Đức nổi tiếng với kỷ luật tài chính. Đây cũng là nơi nổi tiếng với việc thu lớn hơn chi. Vào tháng 8, quốc gia châu Âu công bố thặng dư 18,5 tỉ EUR trong nửa đầu năm nay. Reuters
9. Iceland: 0,7%. Đảo quốc này có dân số ít hơn 400.000 người với GDP vào khoảng 17 tỉ USD. Iceland thường xuyên đứng top trong các bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới và kỷ luật tài khóa tốt góp phần vào kết quả này. Reuters
8. Nepal: 1%. Quốc gia bé nhỏ giữa Ấn Độ và Trung Quốc kiểm soát tài chính tốt khi có thặng dư cao. Dù vậy, chính phủ Nepal đã và đang bị chỉ trích vì không bơm tiền nền kinh tế vốn đang cần nhiều khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng. Reuters
7. Luxembourg: 1%. Đồng hạng với Nepal là đất nước châu Âu nhỏ bé với GDP danh nghĩa bình quân đầu người cao nhất thế giới. Luxembourd thặng dư ngân sách thường niên từ năm 2011. Wikimedia
6. Singapore: 1,1%. Nổi tiếng với danh hiệu trung tâm tài chính thế giới và là một trong những thành phố cảng nhộn nhịp nhất hành tinh, Singapore coi trọng kỷ luật tài chính, chi ít hơn nhiều so với khoản tiền thu được từ thuế. Reuters
5. Kuwait: 1,2%. Kuwait là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao thứ tư thế giới. Nội tệ Kuwait là dinar thì có giá trị nhất. Nhờ vậy, nước này có thặng dư lớn. Flickr
4. Hồng Kông: 1,5%. Từ năm 2008 đến 2015, đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) không chỉ có thặng dư ngân sách mà thặng dư còn vượt xa mong đợi. Reuters
3. Cộng hòa Dân chủ Congo: 1,9%. Quốc gia ở Trung Phi, nơi đang chìm trong đói nghèo vì cuộc nội chiến chín năm và có chính phủ đầu tư mạnh tay vào nông nghiệp, vẫn xoay sở để thặng dư ngân sách đạt 43 triệu USD hồi năm 2015. Reuters
2. Na Uy: 5,4%. Chính phủ Na Uy sở hữu quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, có truyền thống thặng dư nhiều đến 19%. Những năm gần đây, cuộc khủng hoảng giá dầu khiến việc duy trì thặng dư lớn như trên trở thành bất khả thi song nước này vẫn ở ngôi á quân trong bảng xếp hạng của WEF. Reuters
1. Qatar: 10,3%. Quốc gia giàu dầu thô Vùng Vịnh hiện có thặng dư ngân sách lớn nhất thế giới. Song đến cuối năm 2016, mọi thứ có thể thay đổi. Hãng tin Bloomberg dự báo Qatar sẽ có thâm hụt vào cuối năm nay. Reuters
Theo Legatum Institute, viện chính sách có trụ sở ở London (Anh), Na Uy là đất nước hoàn hảo nhất thế giới. Hàn Quốc, Mỹ, Canada và Hà Lan là vài cái tên khác thuộc top 30.
Bình luận (0)