122 ngư dân bị bắt ở Philippines vẫn chưa được thả

02/08/2011 00:33 GMT+7

Hôm qua 1.8, ông Nguyễn Ngọc Hai - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, 122 ngư dân ở Phú Quý bị giam cầm tại Philippines vẫn chưa được thả về nước (Thanh Niên ngày 12.7 đã phản ánh).

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hai, cho đến chiều qua UBND tỉnh Bình Thuận vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ cơ quan chức năng, cho dù trước đó (12.7) ông đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán VN tại Philippines đề nghị can thiệp. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận cũng chưa nhận được phúc đáp của UBND TP.HCM về việc xác định tính pháp lý của Công ty Long Hải Long (đóng tại Q.4, TP.HCM) khi ký hợp đồng đưa 7 tàu cá này sang Philippines đánh bắt. Trong khi đó, theo xác minh của Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) thì Công ty Long Hải Long chưa hề được cấp phép khi đưa các tàu cá này ra nước ngoài khai thác.

 

Hóa đơn chuyển tiền, hợp đồng của Long Hải Long ký với từng tàu cá và ký với Tập đoàn PIICop của Philippines - Ảnh: Q.H

Bị bắt do thiếu giấy phép của Chính phủ Philippines

Trước đó, vào ngày 31.7, ông Nguyễn Nhũ (64 tuổi, trú thôn Đông Hải, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý) đến Văn phòng Báo Thanh Niên tại Bình Thuận cung cấp nhiều thông tin quan trọng liên quan đến việc 7 tàu cá của xã Long Hải cùng với 122 thuyền viên (không phải 124 người như thông tin ban đầu) đang bị cảnh sát Philippines bắt giữ khi đang đánh bắt cá tại vùng biển Palawan. Theo ông Nhũ, hiện tất cả các ngư dân đang bị giam tại một nhà tù gần cảng Rio Tuba của Philippines. "Con trai tôi tên Nguyễn Văn Nam (SN 1977) bị bắt trên tàu cá BTh 99968-TS điện về từ Philippines cho biết, suốt gần 2 tháng bị giam tại nước bạn vẫn chưa hề có một tổ chức hay cá nhân nào của VN đến thăm hỏi. Nếu Công ty Long Hải Long không trình được giấy phép do chính phủ nước bạn cấp thì việc ngồi tù của 122 ngư dân là khó thoát khỏi", ông Nhũ nói.

"Nếu Công ty Long Hải Long không trình được giấy phép do chính phủ nước bạn cấp thì việc ngồi tù của 122 ngư dân là khó thoát khỏi" - Ông Nguyễn Nhũ

Theo hồ sơ mà chúng tôi nắm được, chủ của 7 tàu cá (gồm: tàu BTh 99367-TS; BT 98630-TS; BTh 98668-TS; BTh 98693-TS; BTh 99924-TS; BTh 98079-TS và BTh 98709-TS - kèm theo danh sách 122 thuyền viên) đã ký hợp đồng với Công ty Long Hải Long (Bến Vân Đồn, P.2, Q.4, TP.HCM) do ông Phan Văn Thoại làm giám đốc. Theo các hợp đồng thì bên A (7 chủ tàu cá) chấp nhận giao tàu cho bên B (Công ty Long Hải Long) quản lý, khai thác và đánh bắt thủy sản tại Philippines. Bên A nộp cho bên B chi phí giấy phép, nhập cảnh, phí thuyền viên... gồm 23.000 USD/tàu (7 chủ tàu đã nộp trước cho Long Hải Long số tiền là 21.000 USD/tàu). Trong hợp đồng còn ghi rõ, sau khi bên B bàn giao giấy phép do Chính phủ Philippines cấp cho bên A, thì bên A sẽ nộp hết số tiền còn lại cho bên B. Đồng thời bên B có trách nhiệm cử người theo tàu đưa đến cảng Rio Tuba (Bataraza) Palawan Island của Philippines. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhũ thì khi sang Philippines, các ngư dân chỉ cầm theo hợp đồng ký với Long Hải Long mà chưa có giấy phép của chính phủ nước bạn nên bị cảnh sát sở tại bắt giữ (Công ty Long Hải Long cũng không hề cử người dẫn đường đến cảng Palawan như đã nói trong hợp đồng).

Trong khi đó, PV Thanh Niên cũng có bản hợp đồng (bằng tiếng Anh) giữa Công ty Long Hải Long ký với Tập đoàn Preiere International Interfishing CORP (PIICop, Philippines, do ông Kho Tho Min làm đại diện). Trong điều (5.4) của bản hợp đồng này có ghi, Công ty Long Hải Long thuê giấy phép đánh bắt của PIICop (từng năm). PIICop đảm bảo các thủ tục hợp pháp để các thuyền viên và tàu cá của Long Hải Long đánh bắt theo luật pháp Philippines.

 

Trụ sở Công ty Long Hải Long tại Bến Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Minh Nam

Cũng trong hồ sơ, Công ty Long Hải Long đã chuyển toàn bộ tiền thuê giấy phép sang cho PIICop nhưng không hiểu sao khi 7 tàu cá cùng với 122 ngư dân sang Philippines mà không có được giấy phép trong tay? Hiện tại, ông Thoại đang có mặt tại Philippines đàm phán với PIICop để có giấy phép của chính phủ nhằm chứng minh các thuyền viên vô tội.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Nhũ, giá trị các tàu này hiện nay từ 3,5-4 tỉ đồng/chiếc.

Những thông tin ban đầu từ Philippines

Ngày 31.7, chúng tôi tìm đến địa chỉ nhà riêng ông Phan Văn Thoại (giám đốc) và cũng là trụ sở Công ty Long Hải Long tại số 270/53/2 (số cũ là 267/31) Bến Vân Đồn, P.2, Q.4, TP.HCM.

Tại đây, bà Ngân (vợ ông Thoại) cho biết, ông Thoại đã qua Philippines hơn 2 tháng nay để giải quyết cho xong vụ việc trên.

Sau một ngày nhờ người thân ông Thoại liên lạc, ngày 1.8, khó khăn lắm, chúng tôi mới nhận được một ít thông tin phản hồi ban đầu từ ông Thoại qua e-mail. Ông Thoại cho biết, sau khi ký hợp đồng với 7 chủ tàu, Công ty Long Hải Long đã ký tiếp hợp đồng với đối tác phía nước bạn, để lo thủ tục pháp lý cho các tàu sang Philippines đánh bắt cá. Trong khi phía đối tác đang lo thủ tục để các tàu vào đánh bắt cá, thì 7 tàu đánh cá cùng 122 ngư dân đã kéo sang nước bạn và bị Hải quan Philippines bắt giữ vì xâm nhập bất hợp pháp (do chưa nhận được thông báo từ phía Chính phủ).

Theo ông Thoại, hiện các thuyền viên đang bị tạm giữ và phía Công ty Long Hải Long lo chi phí ăn uống một ngày 300 USD cho 122 người. Về phía đối tác cũng đang mời luật sư để can thiệp với các cơ quan chức năng nước bạn sớm thả các ngư dân. Phía công ty cũng đóng tiền tại ngoại cho 7 thuyền trưởng để được ở lại trông nom tàu. Hiện tại, sức khỏe của các thuyền trưởng và thuyền viên vẫn bình thường.

Ông Thoại cũng cho biết, chiều 1.8, ông đến Manila để nhờ Lãnh sự quán VN giúp đỡ.

Minh Nam

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.