Ngày 31.8, Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết đã nhận được kiến nghị được miễn đóng kinh phí công đoàn của 14 hiệp hội ngành hàng.
Theo bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam, các hiệp hội cho biết, hiện nay trong các ngành hàng xuất khẩu thì chỉ một số ít (khoảng 15 - 20%) doanh nghiệp thực hiện được mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, còn lại phải ngừng sản xuất. Các doanh nghiệp đều phải chấp nhận doanh thu không có nhưng vẫn phải chi trả các khoản định phí lớn như thuê kho bãi, nhà xưởng, phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, chi trả lương chờ việc cho người lao động....
Hầu hết ngành hàng đều sử dụng nhiều lao động và chi phí cho người lao động (chi phí tiền công, tiền bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn) là chi phí lớn nhất. Nay phải sản xuất cầm chừng (3 tại chỗ) hoặc dừng sản xuất, công suất, sản lượng giảm tới 70%, nhưng các chi phí liên quan người lao động (bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn...) vẫn giữ nguyên. Doanh nghiệp vẫn phải trả lương ngừng việc khiến khó khăn càng chồng chất, khó trụ vững dài ngày.
Trước tình hình trên, các hiệp hội xin miễn đóng kinh phí công đoàn (2% quỹ lương, do doanh nghiệp đóng) từ tháng 8.2021 đến hết năm 2021, áp dụng cho các doanh nghiệp và người lao động nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Sau khi miễn, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn (1% tháng lương do người lao động đóng) cho doanh nghiệp và người lao động trước mắt đến 30.6.2022. Về điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68 về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất (tức DN có 15% lao động trở lên phải tạm thời nghỉ việc thay), hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam áp dụng chính sách này với điều kiện mức giảm lao động từ 50% trở lên.
Ngoài ra, các hiệp hội cũng kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam mở rộng chính sách hỗ trợ tiền ăn với lao động còn đi làm, ngoài hỗ trợ 1 triệu đồng/người với doanh nghiệp đang áp "3 tại chỗ" (hỗ trợ 1 lần), bổ sung hỗ trợ với doanh nghiệp áp dụng "1 cung đường 2 điểm đến" và doanh nghiệp ngừng sản xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các hiệp hội kiến nghị cho phép doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.
Hiện mức đóng quỹ công đoàn gồm: kinh phí công đoàn hàng tháng bằng 2% tháng lương tính đóng bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp đóng; đoàn phí hàng tháng bằng 1% tháng lương tính đóng bảo hiểm xã hội do người lao động đóng;
Trước đó, tháng 10.2020, một số hiệp hội cũng đã kiến nghị giảm kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1% để giảm áp lực trước dịch bệnh.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết sau khi nhận được kiến nghị của các hiệp hội, sáng nay, 31.8, Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ họp về vấn đề này và sẽ có thông tin sớm.
Các đơn vị ký kiến nghị trên gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) và Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS)
|
Bình luận (0)