14 người chết, 11 người mất tích do mưa lũ

26/06/2018 06:51 GMT+7

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đến 17 giờ ngày 25.6, mưa lũ và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía bắc đã làm 14 người chết và 11 mất tích, tổng thiệt hại ước tính khoảng 139 tỉ đồng.

[VIDEO] Lai Châu: Tang thương, ngổn ngang sau cơn lũ dữ
Sạt núi, 5 người bị vùi lấp
Qua 2 ngày mưa lũ hoành hành ở nhiều huyện miền núi, tỉnh Lai Châu đã gánh chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đến cuối giờ chiều 25.6, toàn tỉnh ghi nhận có 11 người chết, 11 người mất tích trong các vụ sạt lở đất và lũ quét. Trong đó, vụ sạt lở đất xảy ra ở bản Nậm Há 1 (xã Noong Hẻo, H.Sìn Hồ) là tang thương nhất khiến 5 người bị vùi lấp, trong đó có 3 trẻ em. Ông Lò Văn Xương, Phó chủ tịch UBND xã Noong Hẻo, cho biết sự việc xảy ra khoảng 15 giờ ngày 24.6. Chính quyền nhận được tin báo xảy ra sạt lở đất trên nương ruộng tại bản Nậm Há. Qua xác minh, 5 người mất tích dưới cả ngàn mét khối đất đá là chị Lò Thị Đấng (36 tuổi), ông Lò Văn Phìn (48 tuổi) và 3 cháu nhỏ Lò Văn Dũng (14 tuổi), Lò Văn Kiếm (14 tuổi) và Lò Thị Tăm (12 tuổi).
[VIDEO] Mỏi mắt trông tin vợ con bị cuốn trôi giữa vùng rốn lũ
Bộ đội tìm kiếm 5 người bị sạt lở đất ở xã Noong Hẻo (H.Sìn Hồ, Lai Châu) Ảnh: Hoàng Anh

Trực tiếp chỉ huy tìm kiếm cứu nạn (TKCN), thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 880 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu, cho biết giao thông đến xã bị cô lập. 30 cán bộ, chiến sĩ phải đi bộ khoảng 20 km để đến bản Nậm Há và tiếp tục đi thêm 4 km mới vào đến hiện trường nơi các nạn nhân bị vùi lấp. Ước tính khối lượng đất đá sạt lở khoảng 1.000 m3 nhưng công tác TKCN chỉ sử dụng cuốc, xẻng đào bới chứ không có cách nào đưa máy móc vào hiện trường. “Đến chiều tối 25.6, mưa lớn vẫn trút xuống hiện trường khiến công tác TKCN phải tạm dừng. 30 cán bộ, chiến sĩ được lệnh đóng quân tại trụ sở xã Noong Hẻo để tiếp tục làm nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân”, thiếu tá Sơn nói.
Lũ trên sông Đà đến hồ Lai Châu và Bản Chát lớn nhất trong nhiều năm qua
Ông Trần Hồng Thái, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, cho biết mưa lớn từ ngày 23 - 25.6 tại các tỉnh vùng núi phía bắc đã ghi nhận lũ lịch sử đến các hồ Lai Châu, hồ Bản Chát và trên sông Lô tại Hà Giang. Cụ thể, lưu lượng lũ đến hồ Lai Châu lúc 12 giờ ngày 25.6 đạt 9.360 m3/giây, lớn hơn đỉnh lũ từng ghi nhận trong năm 1971 là 960 m3/giây. Còn ở hồ Bản Chát, lưu lượng lũ đến hồ lúc 13 giờ 45 phút ngày 24.6 đạt 6.690 m3/giây lớn hơn 1.600 m3/giây so với đỉnh lũ xuất hiện năm 2003. Tại Hà Giang, đỉnh lũ trên sông Lô đo lúc 22 giờ 46 phút ngày 24.6 đạt 102,9 m - là mức cao nhất lịch sử cùng kỳ tháng 6 trong 56 năm qua.

Ông Vũ Văn Luật, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lai Châu, cho rằng chưa khi nào Lai Châu bị mưa lũ hoành hành, tàn phá khắp nơi như 3 ngày vừa qua. Các tuyến giao thông huyết mạch như QL279, QL32, QL4D và QL4H kết nối với các tỉnh lân cận là Lào Cai và Yên Bái bị sạt lở, cắt đứt khiến tỉnh này bị cô lập. Nhiều tuyến đường liên tỉnh, liên xã cũng sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt, ùn tắc. Đến chiều 25.6, mưa lũ tại Lai Châu ước tính gây thiệt hại 95 tỉ đồng.
Tại Hà Giang, thống kê của Ban Chỉ huy TKCN tỉnh cho biết sạt lở đất và lũ quét đã khiến 3 người chết, gồm bà Giàng Thị Mỷ (41 tuổi) và con gái Lò Thị Lầu (5 tuổi, ngụ xã Lùng Tám, H.Quản Bạ), anh Tráng Văn Liền (17 tuổi, ngụ xã Cao Bồ, H.Vị Xuyên). Toàn tỉnh thiệt hại nặng về cơ sở hạ tầng, giao thông và sản xuất nông nghiệp, ước tính khoảng 24 tỉ đồng.
Ghi nhận tại tỉnh Lào Cai, mưa lớn gây lũ quét ở nhiều xã trong những ngày qua cũng khiến H.Văn Bàn thiệt hại nặng nề. Ông Phạm Bình Minh, Phó chủ tịch UBND H.Văn Bàn, cho biết mưa lũ khiến QL279 đoạn từ xã Dương Quỳ đến Nậm Xé sạt lở ta luy ở nhiều vị trí khiến giao thông ùn ứ. Đến cuối giờ chiều 25.6, tuyến đường đã thông xe trở lại nhưng theo ước tính thiệt hại về hạ tầng giao thông, hoa màu và các công trình trên địa bàn H.Văn Bàn cũng lên tới 20 tỉ đồng.
Vùng núi phía bắc có mưa to đến ngày 27.6
Có mặt tại Lai Châu, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết trong ngày 25.6 mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vùng vẫn bị ngập lụt, đường sá hư hỏng chưa thể tiếp cận. Theo ông Hoài, công tác TKCN ở địa bàn vùng mưa lũ Lai Châu đang dồn sức, ưu tiên tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ những người dân trong vùng ngập lụt, bị mất nhà cửa.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong ngày 25.6, các tỉnh vùng núi phía bắc tiếp tục có mưa ro đến rất to. Dự báo, các tỉnh Bắc bộ tiếp tục có mưa rào và giông trên diện rộng, khu vực vùng núi và trung du có mưa to, có nơi mưa rất to và giông mạnh kéo dài đến hết ngày 27.6. Thời gian có mưa lớn tập trung về đêm và sáng sớm. Theo đó, vùng núi các tỉnh phía bắc, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang tiếp tục có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
 
Giông lốc gây tốc mái nhiều nhà ở Quảng Nam
Hôm qua, ông Huỳnh Đức Viên, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hiệp Đức (Quảng Nam), cho biết địa phương đang huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các hộ dân bị thiệt hại do mưa giông kèm lốc xoáy xảy ra chiều 24.6. Khoảng 16 giờ 30 ngày 24.6, trận giông lốc kéo dài khoảng 10 phút tại xã Quế Thọ, xã Hiệp Thuận, TT.Tân An… (H.Hiệp Đức) khiến 34 nhà dân, 2 nhà sinh hoạt tổ cùng 5 chuồng trại bị tốc mái; hơn 6 ha cây cối, hoa màu gãy đổ. Ngoài ra, 1 người dân bị thương, nhiều tuyến đường sạt lở...
Mạnh Cường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.