14.000 con bò từ Brazil đang trên đường tới Việt Nam khi nước này tái xuất bệnh ‘bò điên’?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
06/09/2021 19:18 GMT+7

Bệnh bò điên xuất hiện tại Brazil khiến quốc gia này ngưng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc . Thế nhưng theo truyền thông quốc tế, hiện có 14.000 con bò sống từ Brazil đang trên đường đến cảng Việt Nam trong tháng 9 này.

Ngưng đột ngột xuất khẩu sang Trung Quốc 

Bài báo thông tin, một công ty xuất khẩu thịt bò khổng lồ Brazil đã ngưng xuất khẩu thịt bò của mình sang Trung Quốc, sau khi xác nhận hai trường hợp “bò điên” vào cuối tuần qua. Bộ Nông nghiệp Brazil sau đó đã công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu và lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực ngay lập tức trong sáng cùng ngày. Hiện vẫn chưa rõ khi nào xuất khẩu thịt bò của Brazil sang Trung Quốc có thể tiếp tục lại. Phía Bộ Nông nghiệp Brazil cũng cho rằng, 2 trường hợp “bò điên” nói trên là không điển hình vì căn bệnh này xuất hiện một cách tự phát và không thường xuyên, không liên quan đến việc ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm.
Trong tháng 7, xuất khẩu thịt bò từ Brazil sang Trung Quốc, Hồng Kông khoảng 91.000 tấn – một con số rất lớn mà nếu việc tạm ngưng xuất khẩu này kéo dài, có thể khiến thị trường cung cấp thịt bò tại quốc gia đông dân nhất thế giới trở nên căng thẳng. Giá thịt tại các chợ bán buôn thịt của Trung Quốc đã tăng ngay lập tức sau khi phía Brazil công bố thông tin trên.
Đây không phải là lần đầu tiên sự cố “bò điên” bị phát hiện tại Brazil. Năm 2019, Brazil phải ngưng xuất khẩu những lô thịt bò sang Trung Quốc sau khi phát hiện có trường hợp “bò điên không điển hình” và việc bán hàng cho Trung Quốc đã bị đình chỉ trong 13 ngày.

14.000 con từ Brazil sẽ về Việt Nam tuần cuối tháng 9

Cũng trên tờ Beef Central, một bài báo khác tiết lộ có 14.000 con bò đang… trên đường về Việt Nam qua đường nhập khẩu bò sống. Số bò này được chở trên tàu MV Nada, rời cảng Vila Do Conde và dự kiến sẽ cập cảng Thị Vải của Việt Nam vào cuối tháng 9 này. Đáng chú ý, Beef Central khẳng định thoả thuận xuất khẩu được cho là có sự hợp tác giữa một doanh nghiệp và một nhà nhập khẩu gia súc hiện tại của Úc. Tuy nhiên, Beef Central không tiết lộ danh tính đơn vị nhập khẩu này.
Trên trang tin Acb của Úc xác nhận là khoảng ngày 23.9 tới, tàu MV Nada chở 14.000 con bò sống từ Brazil sẽ cập cảng Việt Nam. Michael Patching, một nhà tư vấn nông nghiệp có trụ sở tại Singapore, tiết lộ việc nhập khẩu này bảo đảm “an ninh lương thực” và cho rằng lô hàng này là cuộc thử nghiệm xem liệu hoạt động mua bán gia súc sống giữa 2 nước có khả thi không. Việt Nam là khách hàng lớn thứ hai của Úc về gia súc sống, với gần 300.000 con xuất khẩu sang Việt Nam vào năm 2020. Bài báo cũng thông tin, việc mua động vật sống giữa Brazil và các nước Đông Nam Á đã được thảo luận từ lâu, đặc biệt là khi giá bò Úc tiếp tục tăng nhanh trong vài năm qua. Hiện bò Úc vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi bằng 0 trong khi bò Brazil phải chịu thuế nhập khẩu 5%.
Từ sự cố "bò điên" năm 2012 tại Brazil, khiến thịt bò có xuất xứ từ quốc gia này đã bị cấm cửa tại nhiều quốc gia. Đến năm 2018 Việt Nam mới xem xét việc nhập khẩu trở lại.
Chuyên gia chăn nuôi, GS Võ Văn Sự, Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, bệnh bò điên vẫn có thể lây sang người. Với lô bò sống từ Brazil đang vận chuyển về Việt Nam, sau khi đã có thông tin có 2 trường hợp dương tính với bệnh bò điên, tất nhiên lô hàng đó phải được lấy mẫu xét nghiệm kỹ. Ông nói, tỷ lệ lấy mẫu sẽ cao hơn theo tỷ lệ được quy định thông thường cho một lô hàng gia súc sống. Dù có thể có “yếu tố rủi ro không đáng kể” với bệnh này vừa tái xuất hiện tại Brazil, song theo chuyên gia, cần quản lý việc nhập khẩu gia súc sống vì liên quan đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh quá lớn. Giả sử trong 14.000 con bò nhập khẩu kia, nếu xét nghiệm có trường hợp bị “bò điên”, không loại trừ phương án tiêu hủy toàn bộ hoặc một phần nào đó. Xét về lý thuyết về bệnh truyền nhiễm, chỉ cần một con bò bị nhiễm bệnh, khi ăn, nhỏ dãi vào thức ăn chung với những con bò khác, nguy cơ lây nhiễm cho cả đàn là rất lớn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.