Tính đến 6 giờ (giờ địa phương) ngày 30.3, số người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Nga đã là 144 người và số người bị thương tăng lên 551, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết. Các quan chức y tế nói với hãng thông tấn TASS rằng phần lớn những người bị thương trong vụ tấn công đều đang được điều trị ngoại trú.
Ngày 24.3, Nga tuyên bố quốc tang lần đầu tiên kể từ năm 2018. Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong nghi thức nhà nước rằng các đại diện của hơn 130 cơ quan ngoại giao (hơn 250 người) đã tham gia lễ đặt hoa tang tại đài tưởng niệm tạm thời tại nhà hát Crocus City để tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công ngày 22.3.
"Chúng tôi vô cùng biết ơn các đại diện danh dự của cơ quan ngoại giao vì tình đoàn kết của họ với người dân Nga trong thời điểm khó khăn như vậy", theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga ngày 30.3.
Lễ tang có sự tham dự của các nhà ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các nước châu Á, châu Phi, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Âu. Đồng thời, có sự góp mặt của các đại sứ của Belarus, Vatican, Ai Cập, EU, Maroc, Lebanon, Nicaragua, Palestine, Serbia, Syria, Mỹ, Sierra Leone và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Tajikistan nói với Tổng thống Nga: "Khủng bố không có quốc tịch, tôn giáo"
Ngày 29.3, tòa án quận Basmanny của Moscow ngày 29.3 đã bắt giữ nghi phạm thứ 9 liên quan vụ khủng bố, trong đó có 4 tay súng và 5 người khác bị tình nghi. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ thảm sát. Tuy nhiên, phía Nga liên tục tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố này, cáo buộc Ukraine và các đồng minh phương Tây có liên quan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 27.3 nhấn mạnh việc IS có khả năng tiến hành vụ việc như vậy là một điều "cực kỳ khó tin".
Bên cạnh đó, người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksandr Bortnikov cáo buộc Mỹ, Anh và Ukraine có thể hỗ trợ các nghi phạm trong vụ khủng bố Moscow. Giới chức Ukraine, Mỹ và phương Tây đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.
Bình luận (0)