15 năm chưa xử xong vụ mua bán gạo

07/08/2011 00:43 GMT+7

Hết kiện tụng vì tranh chấp kinh tế đến bị truy tố ra tòa vì các tội danh tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm..., gần hai thập niên trôi qua, những con người liên quan vẫn long đong với số phận pháp lý chưa rõ ràng.

Hết thời hiệu khởi kiện kinh tế

Ngày 25.7.1994, Chi cục I Cục Dự trữ quốc gia (dưới đây, viết tắt là Chi cục 1) ký hợp đồng đại lý thu mua 3.000 tấn gạo trắng xuất khẩu với Công ty sản xuất gia công hàng xuất khẩu (gọi tắt Prosimex). Tổng giá trị hợp đồng 5.370.000.000 đồng, tháng 8.1994 giao hàng tại cảng TP.HCM. Theo hợp đồng, bên mua tạm ứng 50% sau khi ký kết; thanh toán tiếp 30% sau khi kiểm hàng, số còn lại thanh toán trong vòng 7 ngày sau khi giao hàng xuống tàu.

 
Minh họa: DAD

Thực hiện hợp đồng, ngày 2 và 3.8.1994, Chi cục 1 đã ứng cho Prosimex 1,5 tỉ đồng và 20.000 chiếc bao đay loại 100 kg để đóng gạo. Theo chỉ đạo và ủy quyền của Giám đốc Prosimex, Trần Thị Giang (lúc đó là Trưởng phòng xXuất nhập khẩu 3 Công ty Prosimex) được sử dụng con dấu của chi nhánh Prosimex và cấp giấy giới thiệu để thực hiện hợp đồng. Sau đó, Giang chỉ đạo nhân viên chia làm 3 tổ đi thu mua gạo về giao cho Nguyễn Thị Út (phụ trách xưởng 6 - Xí nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu TP.HCM) chế biến thành phẩm, đóng bao.

Từ 25.8.1994 đến 1.9.1994, Prosimex giao cho Chi cục 1 là 407,3 tấn gạo và 4.073 bao đay đi kèm. Quá trình thực hiện hợp đồng, Giang thông báo Prosimex đang gặp khó khăn nên đề nghị chuyển hợp đồng này cho chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu Ninh Bình (UNIMEX Ninh Bình) tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, việc bàn giao thực hiện tiếp hợp đồng (324,4 tấn cùng 15.927 cái bao đựng gạo) không thành.

Ngày 24.12.1996, Chi cục 1 có đơn khởi kiện Prosimex ra Tòa kinh tế TAND TP.HCM yêu cầu bồi thường. Án sơ thẩm ngày 24.4.1997 buộc Prosimex trả chi Chi cục 1 tiền nợ gốc là 547.765.000 đồng và 15.927 bao tải đay loại 100 kg mới 100%. Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM sửa án sơ thẩm, buộc Prosimex phải trả thêm cho Chi cục 1 lãi ngân hàng là 335.288.777 đồng.

Thi hành phán quyết của bản án phúc thẩm, Phòng Thi hành án TP.HCM đã cưỡng chế kê biên phong tỏa và cắt chuyển số tiền 85.942,40 USD (quy ra 1.055.228.400 đồng) của Prosimex tại tài khoản ở Vietcombank để thi hành án.

Tuy nhiên, sau đó vào ngày 27.8.1998, Ủy ban Thẩm phán TAND tối cao đã mở phiên xét xử và ra quyết định giám đốc thẩm với nhận định: Thời điểm Chi cục 1 khởi kiện đã hết thời hiệu (quá hạn 22 tháng 8 ngày), nên các bản án nói trên bị hủy bỏ và đình chỉ vụ án. Số tiền Prosimex bị cưỡng chế thi hành án, Chi cục 1 có trách nhiệm hoàn trả cho Prosimex.

Chuyển sang hình sự

Sau khi vụ kiện tranh chấp giữa Prosimex với Chi cục 1 bị đình chỉ, Vụ 12 - Viện KSND tối cao đã chuyển hướng yêu cầu giải quyết vụ án kinh tế bằng con đường hình sự. Cũng theo công văn này, ngoài việc đề cập trách nhiệm của bà Trần Thị Giang cùng Phạm Trọng Tiến, Nguyễn Thị Út, Vụ 12 còn  nhận định “không loại trừ việc này còn liên quan một số cán bộ của Chi cục Dự trữ quốc gia”.

Các cơ quan tiến hành tố tụng vào cuộc, khởi tố vụ án và tiến hành điều tra. Ngày 18.5.2005, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm, HĐXX nhận định Trần Thị Giang đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi; giả mạo chứng từ xuất nhập kho, thanh lý hợp đồng… chiếm đoạt hơn 344 triệu đồng (gần 200 tấn gạo) và 15.927 bao đay (gần 100 triệu đồng). Hai bị cáo Nguyễn Thị Út và Phạm Trọng Tiến là những đồng phạm tích cực của Giang. HĐXX tuyên phạt Giang 8 năm tù, Út 4 năm tù và Tiến 3 năm tù cùng về tội “tham ô”. Hơn 1 năm sau, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm này vì có vi phạm về thủ tục tố tụng, còn nhiều vấn đề khác chưa được điều tra làm rõ (chi phí hợp lý trong việc tổ chức thu mua gạo, chi trả lương, hao hụt chế biến thành phẩm…) nên chưa đủ cơ sở kết luận các bị cáo tham ô.

Quá trình điều tra lại, thêm 1 bị can nữa bị khởi tố. Đến 30.11.2007, Viện KSND TP.HCM có cáo trạng truy tố: Trần Thị Giang về hai tội “tham ô”, “cố ý làm trái…”; Nguyễn Thị Út và Phạm Trọng Tiến về tội “tham ô”; Nguyễn Nam Dương về tội “thiếu trách nhiệm…”.

Trong các ngày 3 và 4.8 vừa qua, TAND TP.HCM mở lại phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa, bị cáo Dương không thể có mặt vì tuổi cao sức yếu, còn Giang đang xử bị lên cơn đau tim phải xin vắng mặt. Các bị cáo bị truy tố về tội tham ô nhưng không thấy sự hiện diện của Prosimex tại tòa mà chỉ có Chi cục 1 đến tòa đòi nợ… Prosimex.

Cho đến thời điểm hiện nay, vụ tranh chấp đã kéo dài hơn 17 năm và tiến trình tố tụng hình sự kéo dài trên 10 năm, trong đó có những bị cáo ở vào độ tuổi gần đất xa trời nhưng chưa biết bao giờ vụ án trở về đúng bản chất để thôi long đong theo hành trình tố tụng.

Tiếp tục nghị án kéo dài

Tranh luận tại phiên tòa, hai luật sư Phan Trung Hoài và Nguyễn Minh Tâm cho rằng bản chất của vụ việc là tranh chấp kinh tế giữa hai pháp nhân. Tranh chấp này đã được xem xét theo trình tự tố tụng kinh tế, việc đình chỉ giải quyết vụ kiện do hết thời hiệu khởi kiện, nên Chi cục 1 phải tự gánh chịu thiệt hại theo quy định của pháp luật. Đến nay, quyết định giám đốc thẩm nói trên vẫn tồn tại và giữ nguyên hiệu lực pháp luật.

Thêm vào đó luật sư Hoài còn cho rằng các dấu hiệu cấu thành tội tham ô không thỏa mãn. Cụ thể, Prosimex không phải là bị hại trong vụ án này, chưa bao giờ Prosimex có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại với tư cách là nguyên đơn dân sự. Theo quyết định giám đốc thẩm, Chi cục 1 phải hoàn trả số tiền Prosimex đã bị cưỡng chế, nên Prosimex không phải là đơn vị bị hại. Kết quả điều tra không thỏa mãn được yêu cầu nêu trong bản án phúc thẩm, nhiều khoản chi phí trong quá trình gia công, tái chế gạo chưa được xem xét, hậu quả thiệt hại chưa được làm rõ…

Trước diễn biến của cuộc tranh luận, HĐXX quyết định nghị án kéo dài vì vụ án phức tạp và sẽ tuyên án vào ngày 9.8 tới đây.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.