1,5 vạn người sống ở Thượng thành Huế mong mỏi được 'giải tỏa' khỏi đây

22/10/2018 09:42 GMT+7

Những ngày qua, khi nghe tin được di dời ra khỏi khu vực di tích Kinh thành Huế, những hộ dân "sống treo" trên Thượng thành Huế vô cùng vui mừng. Họ mong đợi được giải thoát khỏi cuộc sống tạm bợ suốt mấy thế hệ.

Đề án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực di tích kinh thành Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện đang chờ các bộ, ngành thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí. 

Lối nhỏ lên khu dân cư Thượng thành ở kiệt 74 đường Ông Ích Khiêm, P.Thuận Thành, TP.Huế BNL

Sống "treo" trên Thượng thành

Cuộc sống tạm bợ của người dân Thượng thành Huế đã trải qua hàng thập kỷ và hầu hết là định cư tự phát do nguyên nhân lịch sử. Trong chiến tranh (trước năm 1975), một bộ phận dân cư ở các làng quê đã di chuyển lên thành phố, sống bạ vào các di tích và tồn tại cho đến nay.

Các em nhỏ lên xuống Thượng thành bằng cầu thang BNL

Có nhiều gia đình sinh sống ở đây đến thế hệ thứ 4, thứ 5. Họ sinh con đẻ cái, tăng dân số tự nhiên khiến cho khu vực Thượng thành ngày một chen chúc, tạm bợ.

Cụ bà hơn 80 tuổi với công việc hàng ngày trên Thượng thành BNL
Bà Nguyễn Thị Thê (67 tuổi, trú tại nhà số 5, kiệt 74 Ông Ích Khiêm, P.Thuận Thành, TP.Huế) cho biết, bà về làm dâu trên Thượng thành vì bố chồng đã ở đây từ trước. Nay bố mẹ chồng đã qua đời và con cái bà cũng đã có vợ có chồng. “Nhà cửa dột nát nhưng không được phép sửa chữa. Khi nghe tin nhà nước có chủ trương di dời chúng tôi mừng lắm. Mong sao nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi có một nơi ở mới, ổn định để làm ăn sinh sống”, bà Thê giãi bày.

Buổi chiều, bà Thê và con gái đem khay bột ra làm bánh để chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau. Hàng ngày bà xuống dưới chân thành, bày gánh bán bánh canh, bánh lọc. Mỗi ngày trừ chi phí, bà chỉ kiếm được 50 - 70 ngàn đồng. Thu nhập như vậy không thể đủ trang trải cuộc sống nên cả 3 người con của bà đều phải đi làm ăn xa.

Hầu hết các hộ dân sống trên Thượng thành đều không có nghề nghiệp ổn định. Ngày ngày, họ tỏa ra mọi nẻo đường của thành phố để buôn bán hàng rong, làm thợ xây dựng, chạy xe ôm, xích lô… Đa số thanh niên phải đi làm ăn xa tận Lào, TP.HCM…

Bà Nguyễn Thị Thê cùng con gái làm bánh lọc để bán trong ngày hôm sau BNL

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, năm 1995 có 1.838 hộ dân sống tại khu vực I di tích Kinh thành Huế. Đến năm 2003 tăng thêm 438 hộ. Cho đến nay (năm 2018) có khoảng 4.200 hộ dân đang sinh sống trên Kinh thành Huế.

Trong vòng 20 năm qua, từ kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã di dời hơn 1.050 hộ ra khỏi các khu vực di tích như: hai bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ, Thượng thành (khu vực Eo bầu mặt nam kinh thành)…

Theo ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cô đố Huế, hầu hết các hộ dân đều sinh sống ở đây trước khi Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận (trước năm 1993), những hộ hình thành sau này đều là những hộ phụ tách ra do con cái của các hộ cũ ra ở riêng.

“Việc hàng ngàn hộ dân sống trên di tích đã gây nên nhiều hệ luỵ nghiêm trọng, trong đó đáng kể đến là gây mất mỹ quan, diện mạo đô thị; ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, cảnh quan của di sản Huế như tường thành, hộ thành hào, hồ Tịnh Tâm, hồ Ngọc Hải, Khâm Thiên Giám... Quan trọng hơn, việc có quá nhiều hộ dân sống trên di tích là nguyên nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ kế hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua cũng như thời gian sắp tới”,  ông  Tuấn cho biết.

Vượt quá khả năng của địa phương 

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực I, di tích kinh thành Huế được đưa ra theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc đầu năm với lãnh đạo tỉnh ngày 2.1.2018.

Theo đó, từ kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thừa Thiên - Huế về giải tỏa khu vực I di tích Huế, Thủ tướng kết luận: "Di sản cố đô Huế là tài sản quý giá của quốc gia, việc bảo tồn và gìn giữ là trách nhiệm chung của cả nước. Tỉnh đề xuất cơ chế đặc thù về di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong phạm vi khu vực I di tích Huế. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phù hợp".

Nhà cửa chen chúc ngay trên mặt thành BNL

Theo đề án của tỉnh, từ năm 2019 cho đến năm 2025 sẽ di dời khoảng 4.200 hộ dân ra khỏi di tích, với tổng kinh phí di dời giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 2.735 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời 2.938 hộ, kinh phí di dời giải phóng mặt bằng khoảng 1.880 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ với tổng kinh phí di dời giải phóng mặt bằng khoảng 855 tỷ đồng.

Trong đó, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí di dời giải phóng mặt bằng khu vực di tích kinh thành Huế cho cả 2 giai đoạn là 2.735 tỉ đồng. Kinh phí đầu tư xây dựng khu tái định cư giai đoạn 1 khoảng 946 tỉ đồng và giai đoạn 2 khoảng 416 tỉ đồng sẽ được trích từ ngân sách địa phương từ nguồn thu bán vé tham quan di tích, dịch vụ du lịch và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Nhiều hộ dân liên tục cơi nới chỗ ở khiến di tích bị biến dạng BNL

Mục đích của đề án này là giúp các hộ dân sống ở trên di tích được an cư lạc nghiệp, bởi hầu hết các hộ dân ở đây đều thuộc diện khó khăn và họ luôn mong muốn được di dời đến nơi ở mới tốt hơn. Thứ hai là nhằm chỉnh trang đô thị, trả lại mỹ quan cho bộ mặt đô thị, cũng như bộ mặt di sản Huế. Thứ ba là nhằm bảo vệ di sản Huế, một di sản lớn của dân tộc đã được UNESCO vinh danh.

Đề án này sau khi triển khai và hoàn thành sẽ là cuộc di dân với 4.200 hộ dân (khoảng hơn 1,5 vạn nhân khẩu). Họ sẽ được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, chấm dứt cảnh tạm bợ trên di tích suốt nhiều chục năm qua.

“Do đề án cần kinh phí khá lớn, vượt ngoài nguồn lực của địa phương, nên địa tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ”, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.