Xét theo thực địa và đối chiếu với bản đồ cổ thì địa điểm khai quật chính là một đoạn hoàng thành thời Lê. Địa hình của khu vực khai quật rất phức tạp, bề mặt có nhiều công trình kiên cố. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã phải tiến hành thi công cơ giới để phá vỡ những công trình này rồi mới tiến hành đào khảo cổ được.
Dựa vào cấu tạo các lớp đất cùng các di vật phát hiện được, có thể chia địa tầng dày hơn 7m thành 17 lớp văn hóa. Trong đó, tính từ trên xuống, lớp văn hóa thứ 15 là lớp di chỉ cư trú. Trong tầng văn hóa này, phát hiện được than tro và mùn hữu cơ, các tàn tích thức ăn được thải ra như vỏ trai hến nước ngọt hoặc vỏ hàu biển. Tầng văn hóa này còn có nhiều phế thải gạch ngói vỡ màu đỏ, gốm sứ, bao nung, bát đựng men thuộc giai đoạn Lý-Trần.
|
Theo nguồn tin khoa học, việc phân lập được các giai đoạn đắp thành và xác định có một cụm di chỉ cư trú là một trong những kết luận khoa học quan trọng nhất trong thời gian nghiên cứu vừa qua.
Mười bốn tầng văn hóa đầu tiên cho thấy đây là các loại đất đắp lũy thành vì các lớp đất đều có xu hướng tạo đỉnh ở giữa, hai bên sườn vắt chéo tạo thế vững chắc. Những lớp đất này có nhiều nguồn gốc khác nhau từ đất di chỉ, đất nền nhà kiến trúc và đất phù sa. Chúng cho thấy di tích mang tính chất của một lũy thành hoặc đê bao rất lớn và kiên cố.
Có thể đoán nhận lớp đất đắp thành này được chia thành 3 thời kỳ khác nhau theo trình tự thời gian. Thời Lý-Trần đắp với đất có lẫn than tro, gạch ngói vụn nhỏ thưa. Thời Lê sơ đắp với các lớp đất chủ yếu lấy từ các khu vực sản xuất như nền lò nung phế thải lò nung gốm. Thời kỳ thứ ba cũng thuộc thời Lê sơ.
Khu sản xuất gốm lớn
Đặc biệt, các nhà khảo cổ phát hiện một hố móng gia cố kiến trúc rộng 4,3m, dài 12m. Lớp gia cố móng này cực kỳ kiên cố gồm sáu lớp vật liệu hỗn hợp xen lẫn năm lớp đất sét. Trong sáu lớp gạch xen kẽ có bốn lớp phía dưới được đầm chủ yếu là gạch vồ màu đỏ xám. Hai lớp phía trên chủ yếu là bao nung và đồ gốm, có nguồn gốc từ phế phẩm của lò nung.
|
Diện tích khai quật tuy hẹp nhưng đã thu được một khối lượng hiện vật hết sức phong phú gồm các loại đồ kim loại, sứ, đồ sành, các phế phẩm của lò nung gốm và gạch ngói xây dựng với đủ các giai đoạn Lý-Trần-Lê.
Đặc biệt, những loại hình gốm sứ phát hiện ở đây đều đã thấy tại khu vực Hoàng thành Thăng Long. Trong số đó có những hiện vật trang trí nổi hình rồng, viết chữ trong lòng được xác định niên đại thời Trần. Cộng với những dấu vết lò nung khác, các nhà khoa học nghĩ đến dấu tích của các lò sản xuất đồ gốm lớn thời Lý-Trần ở khu vực này.
Vì thế, theo nguồn tin khoa học, tổng thể các di tích, di vật ở đây có giá trị cung cấp tư liệu phục vụ cho nghiên cứu cấu trúc thành và Hoàng thành Thăng Long thời Lý-Trần-Lê. Nó cũng hé mở việc nghiên cứu đời sống phía tây thành Thăng Long và di sản văn hóa Thăng Long.
Mặc dù vậy, do đoạn thành này chưa được công nhận di tích nên số phận của nó hiện chưa rõ ràng. Được hỏi ý kiến, một nhà quản lý cho rằng, quan trọng nhất cần tư liệu hóa hình ảnh, tư liệu tốt để phục vụ nghiên cứu sau này. Khu vực đã khai quật cũng nên được lấp cát, để việc giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, tiếp tục như thế nào vẫn là câu hỏi cần trả lời.
Ngô An
Bình luận (0)