17 thuyền viên Việt kêu cứu cho rằng bị 'bỏ mặc' gần 5 tháng ở Đông Phi

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
05/11/2021 13:12 GMT+7

Làm việc trên tàu Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động, thế nhưng gần 5 tháng qua, 17 thuyền viên đã bị mắc kẹt ở nước Cộng hoà Djibouti của Đông Phi xa xôi mà không được trả lương, điều kiện ăn ở thiếu thốn...

Nơi ở chật chội của 17 thuyền viên đang mắc kẹt tại nước Cộng hoà Djibouti

CHỤP TỪ CLIP

Điều kiện sống vô cùng khốn khổ

Anh Lê Đình Lý (35 tuổi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), một trong 17 thuyền viên bị kẹt lại ở nước Cộng hòa Djibouti (một quốc gia nằm ở Đông Phi), kêu cứu với phóng viên Thanh Niên: "Chúng tôi hiện đang bị kẹt lại ở đây đã gần 5 tháng với điều kiện sống vô cùng khốn khổ, gần như bị bỏ rơi, không được quan tâm, giúp đỡ. Sở dĩ rơi vào hoàn cảnh này là vì gần 5 tháng trước, tàu Butiyalo_3 nơi chúng tôi làm việc, đã gặp sự cố bị cháy nên 10 thuyền viên phải lên bờ. Người đại diện của công ty đã thuê khu nhà trọ gần bến xe cho chúng tôi ở. 7 thuyền viên thuộc các tàu khác do hết hạn hợp đồng nên cũng được bố trí ở chung để chờ ngày về nước".

bánh mì bữa sáng và hộp mì với miếng thịt cho bữa trưa của các thuyền viên

CHỤP TỪ CLIP

Theo anh Lý, những thuyền viên này đi xuất khẩu lao động trên tàu cá của Hàn Quốc, chủ yếu do 2 Công ty xuất khẩu lao động LOD và TRAMINCO ký kết đưa đi, đều là những công ty đã được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép. Cả 17 người phải sống chen chúc trong 2 căn phòng chật chội, không có bếp và phải dùng chung một toilet 6-7 m2 với hàng chục công nhân bản địa khác. Do khu nhà trọ hay mất điện nên các thuyền viên thường phải ngủ võng ở trên sân thượng tầng 1, ruồi muỗi rất nhiều.

Điều đáng nói là từ khi xảy ra sự cố đến nay, 10 thuyền viên đã bị cắt lương hoàn toàn, không được trả một đồng nào để trang trải chi phí sinh hoạt cuộc sống nơi xứ người.

Góc bếp tự dựng lên ở khu nhà trọ

CHỤP TỪ CLIP

Anh Lê Hồng Tân (38 tuổi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), tiếp lời anh Lý: "Do không có tiền mua thức ăn, nên để cải thiện bữa ăn, chúng tôi tự chế ra chiếc vợt và thanh sắt rồi đi bộ ra bãi biển cách nhà trọ 5-6km bắt thêm cá, ghẹ, nghêu. Gạo thì mỗi lần có tàu nào cá ghé cảng, chúng tôi liên lạc với thuyền viên Việt Nam để xin. Không có bếp, chúng tôi tự dựng bếp trên góc sân thượng ở tầng 1. Có một cái nồi duy nhất, nấu xong canh thì đổ ra thau rồi nấu cơm".

Trong mấy ngày qua, để có tiền tiêu và mua sắm vật dụng cá nhân, chiều chiều anh Tân phải đi bộ ra một khu cách chỗ trọ 25 phút để xúc đất thuê.

Sân thượng là nơi các thuyền viên mắc võng ngủ khi mất điện

CHỤP TỪ CLIP

Mong sớm được hồi hương

Theo anh Lý, cũng vì cuộc sống mưu sinh, là người đàn ông trụ cột gia đình muốn cải thiện cuộc sống và kiếm tiền lo cho con cái học hành, nên bản thân đã quyết định nộp 30 triệu đồng để được đi lao động trên tàu cá này. "Tôi bắt đầu đi làm từ ngày 19.12.2019. Nơi tàu hoạt động là vùng biển Somalia. Nếu dịp nào cá mực nhiều thì cứ một tháng thuyền viên lại vào bờ tại Djibouti một lần. Bốc hàng xong, nghỉ 1,2 ngày trên tàu, chúng tôi lại tiếp tục đi đánh cá. Mức lương của một thuyền viên làm việc lâu năm như tôi là 650 USD/tháng (gần 14,8 triệu đồng-NV). Người mới đi thì thấp hơn", anh Lý cho biết.

Một góc sinh hoạt của các thuyền viên

CHỤP TỪ CLIP

Nhiều tháng qua, 17 thuyền viên đã liên hệ nhờ công ty ở Việt Nam giải quyết để được hồi hương, nhưng theo các thuyền viên này chỉ nhận được những lời "hứa suông" hết lần này qua lần khác. " Ở Djibouti không có đại sứ quán Việt Nam nên không có cách nào hỗ trợ. Chúng tôi muốn liên lạc với Bộ LĐ-TB-XH để kêu cứu nhưng không biết liên lạc với ai", anh Lý thay mặt 17 anh em, bày tỏ.

Toilet duy nhất của khu nhà trọ với khoảng 30 người sử dụng, dù được cọ rửa thường xuyên nhưng nhìn vẫn không được sạch sẽ do quá cũ

CHỤP TỪ CLIP

Theo anh Nguyễn Hải Hưng (44 tuổi, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), hiện nay 17 thuyền viên tha thiết mong muốn các cơ quan chức năng ở Việt Nam hỗ trợ giải quyết để các anh sớm được trở về nước. "Chúng tôi là đều là những trụ cột gia đình, đi xuất khẩu lao động để mong muốn có thu nhập gửi về nhà cho vợ con, không ngờ lại rơi vào tình thế bi đát ở đất khách quê người. Chúng tôi mong trở về nhà để tiếp tục lao động kiếm tiền lo cho gia đình", anh Hưng chia sẻ.

Phía công ty nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nhật Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD, cho biết: "Công ty LOD hiện có 8 người đang bị kẹt tại Djibouti. Trong đó, một số người đã hết hạn hợp đồng nên đợi để về nước, còn lại một số là do tham gia vào việc đốt tàu nên phải lên bờ. Sự cố tàu cháy này được phía chủ tàu và cảnh sát điều tra nguyên nhân là do một số thuyền viên người Việt (trong đó có một người của công ty LOD) đã chủ mưu mua xăng về đốt, một số thì biết mà không chịu tố giác. Chính anh em thuyền viên cũng đã khai ai là người mua xăng, ai là người đốt, ai là người châm lửa. Những người không tham gia vào vụ đốt tàu thì được chuyển lên tàu khác làm việc".

Ông Tân cung cấp cho Báo Thanh Niên biên bản của cảnh sát Djibouti ngày 22.6 kết luận vụ đốt tàu. Trong biên bản này có nêu tên 4 thuyền viên đã tham gia vụ việc. Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng những thuyền viên này đã sử dụng một loại hoá chất - là chất dùng pha loãng cho sơn dầu trong hội họa, do một hoạ sĩ cung cấp (?), chứ không phải là dùng xăng đốt.

Đoạn biên bản nói về việc các thuyền viên đã sử dụng hoá chất pha loãng trong sơn dầu để đốt tàu

Ông Tân cho rằng thời gian qua công ty đã cố gắng để mua vé cho các thuyền viên về nhưng do tình hình Covid-19 khiến các chuyến bay thương mại từ đó về Việt Nam rất hạn chế, nên việc mua vé từ châu Phi về là cực kỳ khó khăn. "Các bạn chỉ có mấy tháng bị cắt lương chứ chủ tàu bị cháy tàu thiệt hại rất lớn và công ty chúng tôi cũng thiệt hại nhiều vô cùng. Chúng tôi phải ứng tiền mua vé mỗi người lên tới 60-70 triệu đồng", ông Tân nói.

Theo ông Tân, số người do công ty này đưa đi hiện đang kẹt lại ở Djibouti là 9. Dự kiến vào ngày 8.11 tới đây sẽ có 7 thuyền viên có vé để bay về nước, còn lại 2 người phải chờ.

Ông Dương Thắng, đại diện của Công ty Công ty cổ phần quốc tế Trường Gia (Tramico), cũng cho hay công ty hiện có 2 thuyền viên đang bị kẹt lại. "Chúng tôi liên tục nhờ đại sứ quán Việt Nam ở Ai Cập giúp đỡ nhưng họ trả lời là không có chuyến bay về. Chủ tàu Hàn Quốc họ cũng sẵn sàng trả tiền vé nhưng không có chuyến bay. Việc điều kiện ăn ở chật chội thiếu thốn là do phía chủ tàu phụ trách".

Cảnh vất vưởng của thuyền viên sau khi tàu bị cháy

LÊ HỒNG TÂN

Thuyền viên khẳng định "bị đối xử bất công"!

Phản hồi về thông tin "vì tham gia đốt tàu nên phải kẹt lại", anh Lê Đình Lý khẳng định: "Bên phía chủ tàu nói là thuyền viên Việt Nam đốt. Nhưng ai đốt và ai là người cung cấp xăng thì tôi không rõ chứng cứ. Trong tâm tôi biết không ai dám làm điều đó cả vì đốt tàu dễ khiến chết người, thậm chí bản thân cũng không thoát chết. Đại diện công ty LOD nói thuyền viên Việt Nam khai nhận đã đốt tàu là không đúng. Chỉ có một thuyền phó người Trung Quốc, thuyền trưởng người Hàn Quốc và một số người Indonesia họ khai là thuyền viên Việt đốt thôi. Chúng tôi vào cảng bốc hàng xong nghỉ mấy tiếng đồng hồ rồi lại chuẩn bị lên tàu ra biển tiếp, làm sao có thời gian và cũng không có tiền đi mua xăng".

Anh Lê Hồng Tân cũng giận dữ cho biết: "Tàu là nơi chúng tôi làm ăn, ai dại dột như vậy. Nếu thực sự cảnh sát có chứng cứ thuyền viên người Việt đốt thì chủ tàu đã khiếu nại và đòi thuyền viên bồi thường. Rõ ràng là chúng tôi đang bị đối xử bất công. Chúng tôi muốn sự thật và công bằng!".

Biên bản mà anh Lý nói là công ty "ép" làm cách đây một tháng rưỡi để được về nước

LÊ ĐÌNH LÝ

Theo anh Lý, có một số người Việt thân với thuyền trưởng và cũng đi lâu năm, nên họ được ưu ái lên tàu khác làm, chứ không phải như đại diện công ty nói là do họ không tham gia đốt tàu nên được ở lại làm. "Tôi là người có trong danh sách bay về vào ngày 8.11 tới. Nhưng để được về nước, cách đây một tháng rưỡi, phía công ty LOD đã ép chúng tôi phải viết một biên bản đồng ý với biên bản của cảnh sát Djibouti gửi về công ty. Mà biên bản đó của cảnh sát cáo buộc thuyền viên Việt đốt tàu. Nếu không ký thì chắc trong năm nay chúng tôi cũng không được về. Do không thể chờ đợi nữa nên chúng tôi chấp nhận", anh Lý cho biết thêm.

Được biết, anh Nguyễn Hải Hưng là một trong những người không đồng ý viết biên bản này nên hiện chưa được duyệt về.

Phóng viên Báo Thanh Niên đã liên lạc với Cục Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH để cung cấp thông tin. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục lao động ngoài nước, cho biết: "Chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh sự việc. Sau khi có thông tin cụ thể từ các phía liên quan, chúng tôi sẽ trao đổi, phối hợp với Bộ Ngoại giao để có phương án hỗ trợ, giải quyết cho các anh em thuyền viên có cơ hội được hồi hương sớm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.