>> Chìm tàu Saigon Queen ở Sri Lanka, 18 người thoát chết, 4 người mất tích
|
Ông Vũ cho hay, trước đó, thuyền trưởng tàu Pacific Skipper (con tàu đã cứu được 18 thuyền viên tàu Saigon Queen chìm ở vùng biển Sri Lanka) đã thông tin cho VMRCC, dự kiến ngày 3.11 sẽ đến Bangladesh. Tuy nhiên, đến chiều nay, phía tàu Pacific Skipper lại thông báo lại, dự kiến tàu cập bến muộn 1 ngày. Các thuyền viên Việt Nam đã ổn định cả về sức khỏe lẫn tinh thần.
Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Lâm - Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải biển Sài Gòn (9 Nguyễn Công Trứ, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) cho biết, phía chủ tàu cũng đã cử người đón 18 thuyền viên sống sót ở Bangladesh và đang cố gắng lo mọi thủ tục để các thuyền viên hồi hương trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong tối nay 31.10, PV Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi nhanh với một số thuyền viên trong số 18 người sống sót đang trên tàu Pacific Skipper hành trình đi Bangladesh. Qua sóng điện thoại vệ tinh VMRCC, đại phó Nguyễn Quốc Tám đã kể lại quá trình tàu Saigon Queen bị nạn.
|
Theo anh Tám, tàu Saigon Queen có 22 thuyền viên, chở gỗ từ Myanmar đi Ấn Độ, khi hành trình đến vùng biển Sri Lanka thì gặp bão lớn. Tàu hứng chịu nhiều đợt sóng cao, chao đảo mạnh, hàng hóa trên tàu bị xô lệch. Ngay sau đó, thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân đã cho tàu chuyển hướng quay lại, căn chỉnh lại hàng hóa. Tuy vậy, bão lớn, gió mạnh liên tục khiến tàu càng chao đảo mạnh.
“Trong hoàn cảnh như vậy, hai con sóng to đã dìm sâu mũi tàu xuống, nước tràn ào ào vào khiến Saigon Queen nghiêng sang mạn phải. Tất cả thuyền viên trên tàu đã lên boong, mặc áo phao, nhận lệnh rời tàu. Khi tàu bị nghiêng sang mạn phải thì đa số các thuyền viên chạy ngược sang mạn tàu trái, nơi có xuồng cứu sinh số 2. 16 người lên xuồng cứu sinh số 2, hạ xuồng thành công. Trong khi đó, số người còn lại tìm cách lên xuồng cứu sinh số 1 ở bên mạn phải tàu. Trong lúc leo thang dây từ tàu Saigon Queen xuống xuồng cứu sinh, máy trưởng Hoàng Văn Ban (58 tuổi) chạy vội, không may bị trượt chân ngã xuống biển. Còn thợ máy Phạm Phú Hữu (28 tuổi) không hiểu vì sao lại quay lại tàu, rồi cũng mất tích. Thủy thủ trưởng Trần Văn Đệ (54 tuổi) đã ngồi trong xuồng cứu sinh nhưng bị một con sóng mạnh đánh bật ra khỏi xuồng, cuốn chìm vào chân vịt tàu Saigon Queen, mất tích. Xuồng cứu sinh số 1 cũng được hạ xuống thành công với 3 người ở trên. Tàu Saigon Queen chìm khi tất cả các thuyền viên đã rời khỏi chừng 15 đến 30 phút. Lúc tàu chìm là khoảng 11 giờ 30 phút trưa 30.10 ở toạ độ 07-59N; 084-07E trên vùng biển Sri Lanka”, anh Tám kể lại.
Theo thuyền viên Võ Minh Tuấn (29 tuổi), sau khi tàu chìm, 2 xuồng cứu sinh chở 19 thuyền viên một mặt phát tín hiệu cấp cứu, mặt khác vẫn phải vật lộn với sóng to, bão mạnh, nhiều người mệt mỏi, đuối sức. Rất may mắn, sau khoảng 5 giờ, 3 người trên xuồng cứu sinh số 1 được tàu Pacific Skipper mang cờ Cộng hòa Síp cứu.
Nhờ liên lạc được với tàu Pacific Skipper, nên khoảng 3 giờ sau khi cứu được số người trên xuồng số 1, 16 người trên xuồng cứu sinh số 2 gặp được tàu cứu nạn.
“Lúc này, gió bão, sóng biển vẫn rất mạnh. Tàu Pacific Skipper hạ thang dây cho các thuyền viên leo lên. Trong điều kiện sóng, bão dữ dội rất khó để leo từ xuồng cứu sinh lên boong tàu cứu nạn. Thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân là người lên sau cùng. Do vật lộn với sóng, bão cả ngày nên kiệt sức, đang leo lên tàu thì anh Luân bị tuột tay rơi xuống biển. Tàu cứu nạn đã cố gắng tìm kiếm nhưng không thấy. Khoảng 1 giờ sáng 31.10, tàu Pacific Skipper rời khỏi khu vực tàu Saigon Queen chìm. Hiện tinh thần, sức khỏe của 18 người chúng tôi đều đã ổn định và được tàu Pacific Skipper đối xử rất tốt”, anh Tuấn nhớ lại.
Cũng theo anh Tuấn, khi rời tàu, tất cả các thuyền viên đều có mặc áo phao. Khi lên xuồng cứu sinh thì mặc thêm áo chống mất nhiệt. Một số thuyền viên cho rằng, khả năng sống sót của 4 người còn lại vẫn còn.
Lê Quân
Bình luận (0)