Khi Thư Đỗ, chuyên gia nghiên cứu chăm sóc da, đứng trước rất nhiều người để nói về cuốn sách mình tham gia - 1987, cô đã kể câu chuyện tình yêu của một người bạn gái với... chồng hiện tại của mình. Mối tình đầu hồi hộp khôn tả ấy cô được nghe cả hai phía kể lại. Hình dung về thời đại lúc đó qua lời Thư Đỗ là thời trang của học trò. Một thời kỳ mà các bạn đều thích và có mốt mặc áo hai dây. Nhưng cô lại không được sự đồng ý của gia đình để mặc loại trang phục đó. “Mình ngưỡng mộ và ghen tỵ với Hồng My vì My được mặc áo hai dây và được đi bên cạnh mối tình đầu của mình. Một mối tình đầu thật sự đẹp vào thời kỳ đó, cùng đèo nhau đi bằng xe đạp trên phố”, cô chia sẻ.
|
Những câu chuyện duyên dáng và bí mật kiểu như vậy được chính 27 tác giả cùng sinh năm 1987 trên cả nước kể trong cuốn sách cùng tên của NXB Trẻ. Cả 30 bài viết đều không ghi tên tác giả dù có nhiều người đã thành danh như Hoa hậu Ngô Phương Lan, hay ca sĩ Lê Cát Trọng Lý. Chỉ đơn giản là cùng viết về những gì thế hệ của mình đã trải qua. Kể cả những câu chuyện riêng tư nhất như họ đã “dậy thì thành công” như thế nào. Đây cũng là một năm đặc biệt, năm chuyển giao giữa bao cấp và thời kỳ đổi mới. “Trên giấy tờ, thời bao cấp kết thúc vào cuối năm 1986 nhưng thực tế, tới tháng 4.1987 mới thực sự chấm dứt”, một “em bé giao thời” viết trong sách.
Cũng điểm giao thời đó, các tác giả vừa có sự lưu luyến những giá trị cũ vừa có một tinh thần băng băng đi về phía điều mới mẻ. Đó là sự say mê được chuyển dần từ nhạc cổ điển sang những loại nhạc khác nhờ các chương trình MTV thời MC Diễm Quỳnh mới bắt đầu làm việc ở nhà đài. Đó cũng là những ngày miệt mài sục sạo trong phố quần áo “thiên đường sida” ở khu Kim Liên, Hà Nội, để tìm những bộ quần áo độc, lạ, giá rẻ như mớ rau, để hình thành phong cách thời trang của mình. Một nhóm 1987 thậm chí còn được mời lên truyền hình, rồi sau đó mở một cửa hàng chuyên thời trang hàng thùng.
tin liên quan
Ra mắt sách Nước Nga - Hành trình tới tương laiNgày 2.11, cuốn sách Nước Nga - Hành trình tới tương lai (ảnh) của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành, đã ra mắt tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười ga.
Những câu chuyện trong sách 1987 đều rất thành thật. Thành thật khi kể lần đầu làm chuyện đó run rẩy ra sao. Thành thật khi vừa hào hứng đón nhận thành công của bài hát đầu tay vừa lo lắng sao mình không học nhạc lý kỹ càng từ trước. Thành thật cả khi kể lại việc đã hôn người yêu cũ (mà thời yêu chưa kịp hôn) khi đã có gia đình, một cái hôn để kết thúc mối tình xưa, tiếp tục làm bạn thân...
Kể về 30 năm cuộc đời bằng những thời kỳ công nghệ thông tin khác nhau (có và chưa có internet, có và chưa có Facebook) 1987 là cuốn sách của những niềm hoài cổ nhưng vẫn đắm say đi về phía trước. Còn chủ biên cuốn sách, Ngọc Nick M., anh cho rằng, đó là quãng thời gian không quá dài nhưng đủ để biến một bát phở bò từ 2.000 đồng thành 50.000 đồng, đủ xóa sổ những chiếc băng video VHS và thay thế bằng YouTube. Bằng cuốn sách này, nhóm 1987 muốn mọi người nhớ lại dần những gì đã xảy ra ở VN trong 30 năm qua...
Bình luận (0)