Hôm qua, Bộ Y tế chính thức xác nhận hai trường hợp dương tính vi rút Zika tại VN, gồm một thai phụ 33 tuổi ở Q.2 (TP.HCM) và một phụ nữ 67 tuổi ở Khánh Hòa. Hiện cả hai sức khỏe ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra nguồn lây bệnh ở khu vực gần nhà thai phụ (Q.2, TP.HCM) nhiễm vi rút Zika - Ảnh: Phan Công Chiến |
Trưa 5.4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định công bố dịch vi rút Zika ở cấp độ xã, phường.
Nhiễm bệnh do muỗi?
Thai phụ mang thai 8 tuần, làm việc tại một công ty dầu khí ở TP.HCM. Chồng thai phụ hiện làm việc tại Malaysia, mới về thăm nhà khoảng 2 tuần trước. Tuy nhiên, trong thời gian người chồng về VN, cả hai không có quan hệ tình dục hoặc truyền máu.
|
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, ngày 29.3 thai phụ này bị sốt phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi, đau khớp. Vì sợ bị rubella nên chị đến khám tại Bệnh viện (BV) Q.2 - là một trong 30 điểm giám sát phòng bệnh Zika của TP.HCM. Mẫu máu của thai phụ gửi đến Viện Pasteur TP và ĐH Nagasaki (Nhật Bản) xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với vi rút Zika (chủng vi rút giống với chủng đang lưu hành tại Brazil).
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng thai phụ này nhiễm vi rút Zika là do muỗi vằn truyền bệnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra không thấy rõ ràng về nguyên nhân này. Tòa nhà nơi thai phụ làm việc (Q.1) có một hồ nước nhưng đã có xử lý hóa chất diệt lăng quăng đúng tiêu chuẩn. Các phòng làm việc đều có máy lạnh. Nhà của bệnh nhân khang trang, sạch sẽ, không có muỗi và lăng quăng. Khi có thông tin về ca nhiễm vi rút Zika, cơ quan chức năng đã điều tra trong bán kính 200 m quanh nhà thai phụ, cho thấy mật độ muỗi và lăng quăng rất thấp. Có 9 trường hợp sốt tại khu vực này (kể cả con gái của bệnh nhân) nhưng đều cho kết quả âm tính với vi rút Zika.
Trong khi đó, bệnh nhân ở Nha Trang là bà L. cho biết ngày 26.3 bà sốt nhẹ, đau đầu, mắt đỏ, nổi ban ở hai chân. Ngày 28.3, người nhà đưa bà đến BV Bệnh nhiệt đới điều trị và xuất viện ngày 4.4. “Thời gian qua, tôi không đi đâu xa. Cách đây khoảng 3 tuần, tôi có cùng đoàn phật tử của chùa tham gia cúng lễ cho một gia đình có người mất. Gia đình này có người thân ở nước ngoài về, nhưng tôi về nhà vẫn thấy bình thường. Các thành viên trong gia đình tôi cũng không đi đâu xa, không tiếp xúc với người nước ngoài”, bà L. cho biết.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng trường hợp bà L. là do lây qua đường muỗi đốt nhưng lây ở nguồn nào thì đến nay vẫn chưa xác định được.
Không hoang mang
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại nơi cư ngụ và làm việc của thai phụ ở P.Thạnh Mỹ Lợi (Q.2, TP.HCM), làm việc với UBND TP.HCM; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm nữ bệnh nhân nhiễm vi rút Zika ở P.Phước Hòa (TP.Nha Trang) và làm việc với tỉnh Khánh Hòa về công tác phòng chống bệnh Zika.
|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, UBND TP yêu cầu các quận, huyện tích cực kiểm tra, giám sát ca bệnh; các BV phụ sản cần lưu ý với thai phụ đến khám có các triệu chứng giống như triệu chứng của vi rút Zika; giám sát y tế tại cửa khẩu hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, nhất là hành khách đến từ các nước Nam Mỹ (nơi đang có dịch Zika lan rộng). Chiều cùng ngày, khu vực nơi thai phụ nhiễm vi rút Zika làm việc và ở được phun thuốc diệt muỗi. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian tới, đặc biệt là mùa mưa, các BV cần tăng cường giám sát triệu chứng bệnh và các địa phương cần phun hóa chất diệt muỗi để giảm thấp nhất nguy cơ lây lan vi rút Zika trong cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bệnh do vi rút Zika gây ra thường nhẹ, không có triệu chứng đặc trưng, chỉ sốt, mỏi mệt, phát ban. Với người lớn hầu như không có vấn đề gì và có thể khỏi bệnh sau 3 - 4 ngày điều trị triệu chứng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút Zika có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ khi mang thai (3 tháng đầu) bị nhiễm Zika. Tuy nhiên, không phải thai phụ nào bị nhiễm Zika thì thai nhi cũng bị teo não. Bộ Y tế khuyến cáo, thai phụ trong 3 tháng đầu nếu có triệu chứng sốt, nhức mỏi, phát ban, có liên quan (đi/về) đến vùng có dịch bệnh Zika thì đến các BV phụ sản khám để được tư vấn, làm xét nghiệm. Thai phụ không có những triệu chứng trên không cần thiết phải xét nghiệm tìm vi rút Zika.
Tại cuộc họp với tỉnh Khánh Hòa, Thứ trưởng Long nhận định thời gian tới có thể xuất hiện thêm trường hợp nhiễm vi rút Zika tại Khánh Hòa, thậm chí xuất hiện tại các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý “không nên hoang mang do hầu hết ca bệnh do vi rút Zika không nguy hiểm”. Ông Long đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần quyết liệt phòng chống dịch bệnh. Biện pháp đơn giản, hiệu quả nhất là diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, các cơ quan y tế tăng cường lấy mẫu tại cộng đồng, tại các phòng khám ngoại trú, điều tra khu vực dịch tễ; chiều tối 5.4, Viện Pasteur Nha Trang lấy mẫu tại gia đình bà L., khu vực xung quanh để đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng lây nhiễm.
Bình luận (0)