2 cuộc 'cách mạng doanh nhân' của Bóng đá Việt

28/03/2014 06:28 GMT+7

(TNO) Tháng 12 năm 2011, khi Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời thì nó được nhìn nhận như một cuộc cách mạng của những doanh nhân làm bóng đá. Còn bây giờ, khi Đại hội 7 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trình làng hai doanh nhân máu mặt ở hai vị trí chóp bu thì nhìn ở một góc độ nào đó cũng có thể gọi nó là một cuộc cách mạng của những doanh nhân.

(TNO) Tháng 12 năm 2011, khi Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời thì nó được nhìn nhận như một cuộc cách mạng của những doanh nhân làm bóng đá. Còn bây giờ, khi Đại hội 7 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trình làng hai doanh nhân máu mặt ở hai vị trí chóp bu thì nhìn ở một góc độ nào đó cũng có thể gọi nó là một cuộc cách mạng của những doanh nhân.

>> VFF bớt nói tăng làm
>> VFF trước cơ hội và thách thức
>> Tân chủ tịch VFF: Cầu thủ cứ đá cho tốt, mọi thứ để VFF lo

 
Ông Lê Hùng Dũng (đứng) trúng cử chủ tịch VFF khóa 7 - Ảnh: Minh Tú

Cách mạng là vì chủ tịch VFF xưa nay đều là người nhà nước, chứ chưa bao giờ là một doanh nhân. Cách mạng còn vì trong tổng cộng 4 ông chóp bu, tính từ ông chủ tịch tới 3 ông phó, lần đầu tiên xuất hiện tỷ lệ 2 doanh nhân/4 người. Và cách mạng còn ở chỗ: hai doanh nhân ấy - ông chủ tịch họ Lê và ông phó tài chính họ Đoàn đều là những người vừa có tiếng, vừa có miếng vừa có cả... "thượng phương bảo kiếm"!.

Cái miếng, cái tiếng và cái kiếm ấy là những cái mà cựu doanh nhận, cựu bầu Nguyễn Đức Kiên từng có 2 năm trước. Chính ông Kiên đã dựng cờ thành lập VPF, rồi cũng chính ông Kiên đã khởi xướng một cuộc đấu vô tiền khoáng hậu giữa VPF với VFF quanh chuyện bản quyền và thương quyền V.League.

VPF thời ông Kiên (người ta vẫn nói thế, cho dù ông Võ Quốc Thắng mới "đứng tên" chủ tịch) bơm vào người hâm mộ rất nhiều niềm tin và bơm vào làng bóng những thuật ngữ bóng bẩy như "Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam". Nhưng khi ông Kiên xộ khám thì niềm tin cứ nhạt và những thuật ngữ bóng bẩy cứ mờ dần.

Xã hội hiện đại và vòng quay thị trường nói chung luôn vận hành theo cơ chế: đôi bên cùng có lợi. Thế nên khi doanh nhân làm bóng đá mà cả doanh nhân cũng lợi và bản thân bóng đá cũng lợi thì quá tốt.
Dĩ nhiên doanh nhân Lê Hùng Dũng không phải là cựu doanh nhân Nguyễn Đức Kiên. VFF của ông Lê Hùng Dũng cũng không phải là VPF của ông Nguyễn Đức Kiên ngày nào. Nhưng có lẽ bản chất và mục đích của các doanh nhân khi nhảy vào bóng đá đều khó tránh một câu hỏi: tôi đổ tâm, đổ tiền, đổ thời gian vào đó, rốt cuộc tôi được lại cái gì?

Được thoả mãn niềm đam mê bóng đá? Được đối diện với cơ hội làm thay da đổi mặt nền bóng đá như ao ước bấy lâu? Tất cả những cái này đều có thể đúng, mà cũng có thể không đúng, vì xét cho cùng những thứ thuộc về cảm xúc, đam mê là những thứ mà ngoài chủ thể ra, không ai đoán biết được.

Nhưng bên cạnh những cái được trừu tượng đó, các doanh nhân cũng phải hướng đến những cái được hữu hình. Chẳng hạn như trước đây, khi VPF đấu với VFF để giành quyền sở hữu bản quyền truyền hình V.League thì có người đã dự đoán là các doanh nhân trong VPF sẽ được và được rất nhiều nếu vấn đề cá cược bóng đá hợp pháp được thông qua.

Bây giờ, ngay sau khi doanh nhân Lê Hùng Dũng lên nắm VFF thì đã có một thông điệp được phát đi: Bóng đá Việt Nam sẽ hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật Bản và trước mắt, đội tuyển Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi thầy Nhật Bản.

Thông điệp này làm người ta sực nhớ: ngay sau khi đội tuyển Việt Nam của tướng nội Phan Thanh Hùng thất bại ở AFF Suzuki Cup 2012, ông Dũng khi đó là phó chủ tịch tài chính VFF cũng đã đề xuất phương án mời thầy Nhật. Lại có một việc hậu trường trong đề xuất này: Nếu ta ưng thầy Nhật thì một doanh nghiệp Nhật vốn là đối tác của một doanh nghiệp do ông Dũng lãnh đạo sẵn sàng tài trợ một phần tiền lương cho ông thầy này.

Xã hội hiện đại và vòng quay thị trường nói chung luôn vận hành theo cơ chế: đôi bên cùng có lợi. Thế nên khi doanh nhân làm bóng đá mà cả doanh nhân cũng lợi và bản thân bóng đá cũng lợi thì quá tốt. Nhưng nếu chẳng may điều đó không xảy ra (nghĩa là một trong hai bên bị lạm dụng hoặc lợi dụng, hoặc một bên vì lý do gì đấy mà "gãy" giữa chừng) thì cũng đừng vì thế mà sốc nặng.

Chúng ta đã chứng kiến một VPF với một cuộc cách mạng doanh nhân chưa đến nơi đến chốn.

Và chúng ta cầu mong điều đó không xảy ra ở cuộc cách mạng doanh nhân ở Đại hội 7 VFF lần này.

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.