Sáng 24.10, kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án luật Công đoàn (sửa đổi).
2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ
Dự thảo luật Công đoàn (sửa đổi) quy định một trong những nguồn tài chính công đoàn là từ kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Nội dung này cơ bản giữ nguyên như quy định tại luật Công đoàn hiện hành.
Quá trình xây dựng luật, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2%. Một số ý kiến khác thì chưa đồng tình với mức kinh phí công đoàn 2% và đề nghị quy định đóng góp theo tự nguyện, đồng thời có lộ trình giảm dần tỷ lệ kinh phí công đoàn…
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, kể từ khi có luật Công đoàn năm 1957, kinh phí công đoàn được thực hiện liên tục, việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn nhằm chăm lo cho người lao động và bảo đảm bộ máy hoạt động công đoàn, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thực tế cho thấy nguồn kinh phí công đoàn giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm nguồn tài chính để Công đoàn Việt Nam, nhất là công đoàn cơ sở, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động.
Vẫn theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kinh phí công đoàn được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%), đồng thời có ít kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến nộp 2% kinh phí công đoàn.
"Có thể cho rằng, vấn đề 2% kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp" Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá và đề nghị giữ quy định về mức kinh phí này.
Lao động là người nước ngoài có quyền gia nhập công đoàn
Một nội dung mới được dự thảo luật Công đoàn (sửa đổi) quy định, đó là người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn và hoạt động tại công đoàn cơ sở.
Quá trình xây dựng luật, nhiều ý kiến thống nhất với phương án trên. Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn vì chưa có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định quyền tham gia Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài; chưa đánh giá kỹ tác động tới an ninh, chính trị, trật tự xã hội; tính khả thi, các giải pháp khắc phục các rào cản về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa...
Có ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm và tổng kết để quy định trong luật nếu thực hiện hiệu quả; hoặc quy định rõ về điều kiện, tiêu chuẩn để lao động là người nước ngoài gia nhập (ví dụ có thời gian lao động ổn định ở Việt Nam từ 3 - 5 năm hoặc một mốc thời gian phù hợp).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, việc quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam sẽ góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Việc này còn hướng đến sự hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đáp ứng các yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động, công đoàn của Việt Nam.
Một mặt quy định về quyền tham gia công đoàn của lao động là người nước ngoài, luật Công đoàn (sửa đổi) còn quy định rõ cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết thêm, cơ quan này đã lưu ý cơ quan soạn thảo tiếp tục có giải pháp đồng bộ để chủ động quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực và giải quyết những vấn đề phát sinh khi người nước ngoài tham gia công đoàn.
Ví dụ như chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người nước ngoài; sự bình đẳng giữa người lao động là người Việt Nam và người lao động là người nước ngoài; khắc phục hạn chế về rào cản ngôn ngữ, văn hóa...
Bình luận (0)