2 lần đấu với cá mập

20/08/2017 11:16 GMT+7

Ngư dân Quảng Ngãi có nghề lặn đêm ở Hoàng Sa, Trường Sa, nên thợ lặn bắt buộc phải chung sống với cá mập, thậm chí nắm đuôi để đùa với nó. Nhưng nếu gặp phải cá mập sát thủ đuôi trắng thì phải chấp nhận một cuộc tỉ thí dưới đáy biển.

Chàng ngư dân trẻ Phạm Thủ (26 tuổi) đã 2 lần chiến đấu với cá mập và may mắn sống sót.
2 lần đấu với cá mập1
Ngư dân Phạm Thủ với những dấu răng cá mập trên người
Bạn với cá mập xanh
Phạm Thủ, quê ở làng chài Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có thâm niên 7 năm làm nghề lặn biển kể về nghề sống dưới thủy cung. Khi ra khơi, mỗi ngư dân khoác đồ nhái, đeo gương lặn rồi lao xuống đáy biển ở độ sâu từ 20 - 50 m nước để tìm lặn hải sâm, tôm hùm và nhiều sản vật khác mà nghề lưới không đánh bắt được.
Bình quân một đêm đi lặn, mỗi ngư dân đi bộ chừng 5 km dưới đáy biển. Mọi hang hốc san hô, các loại cá, tôm thì ngư dân lặn đều hiểu rõ tập tính. Anh hài hước: “Cá mập nó cũng quen mặt em, vì có khi lặn cả tháng ở vùng đó ngày nào cũng gặp cá mập đi từng bầy”.
Chuyện làm bạn với cá mập được anh Thủ kể lại đầy thú vị. Đó là khi ngư dân làm nghề lặn thì thuyền trưởng chọn địa điểm mép vực để neo tàu. Đó là nơi những rạn san hô tương đối bằng phẳng và nằm cạnh những mép vực sâu ngàn mét dưới đáy biển, nếu lặn xuống thì trông các vực này xanh dễ sợ. Ngư dân lặn cứ rà dọc theo các chân vực để bắt tôm cá. Thỉnh thoảng cả đàn cá mập từ dưới vực ngoi lên và trợn tròn mắt nhìn sinh vật lạ đang bơi lội, mặt đeo gương và phả nước phì phì.
Khi vừa nhìn thấy cá mập, các ngư dân lặn bao giờ cũng giật thót cả mình và muốn bỏ chạy. Nhưng ở độ sâu dưới 30 m nước trở xuống, thợ lặn muốn ngoi lên tàu thì cũng không thể phóng lên ào ào. Vì lên nhanh quá, áp suất giảm đột ngột sẽ dễ bị tê bại. “Kẹt” trong thế đó, các ngư dân chấp nhận là quay ra đương đầu hoặc tỏ vẻ thân thiện với bầy cá mập!
Mới đầu, ngư dân tỏ ra cảnh giác và quan sát bốn phía, nhưng rồi không thể mất quá nhiều thời gian để đối phó với cá mập, ngư dân quay sang lặn kiếm cá. Một số con cá mập xanh thấy người quay lưng lại nên lao tới đùa kiểu rất ác, đó là “táp sượt”. Đó là lao vút từ phía sau tới và táp ngang mặt ngư dân cái “ầm” rồi bỏ chạy, khua nước ầm ĩ. Ngư dân yếu tim thấy con cá đớp hụt mình thì rụng rời tay chân.
Bài học được các thợ lặn đi trước truyền lại, đó là cứ nhìn thẳng vào mặt con cá mập. Cá mập nhìn thấy sinh vật đeo gương giống như sinh vật một mắt to, xung quanh người luôn sủi bọt sùng sục nên e ngại chỉ dám đi lòng vòng. Sau khi cá mập quen người thì cứ vài con bơi theo bên cạnh như đi dạo chơi. Đó là các giống cá mập không hung dữ như cá mập xanh thì ngày nào cũng gặp, không tấn công người, khi quen rồi thì nó làm bạn. Thậm chí có ngư dân đeo giỏ cá trên tay, chưa kịp ngoi lên tàu thì nó tới ngoắc miệng vô giỏ và chạy. Nhưng nếu gặp cá mập đuôi trắng thì các ngư dân chỉ có cách là quay ra nghênh chiến. Vì làm trò gì thì nó cũng không sợ mà say máu quay sang tấn công người.
2 lần đấu với cá mập2
Cá mập bị mắc câu ngư dân xã Nghĩa Phú (Quảng Ngãi) Ảnh: Lê Văn Chương
2 lần đấu với cá mập3
Các ngư dân làm nghề lặn phải mang theo vũ khí để sẵn sàng nghênh chiến với cá mập đuôi trắng
Cá mập trắng quá tinh khôn

Cá mập nó cũng quen mặt em, vì có khi lặn cả tháng ở vùng đó thì ngày nào cũng gặp cá mập đi từng bầy

Phạm Thủ (26 tuổi), ngư dân làng chài Phú Quý

“Cá mập đuôi trắng” là cụm từ luôn được các ngư dân đi lặn nhắc đi nhắc lại với vẻ thất kinh. Ngư dân Phạm Phú Trực cho biết, bây giờ lặn ở Hoàng Sa, Trường Sa khi xuống nước thấy cá mập là lo nhìn đuôi nó có trắng không. “Cá này nó có trí khôn, gặp mình là nó “điểm huyệt” bằng cách cướp ống thở rồi mới quay sang cắn”, anh Trực nói.
Trong phiên biển cách đây chưa lâu tại Hoàng Sa, ngư dân trẻ Phạm Thủ gặp một con cá mập trắng to ngang người, đi đơn độc và di chuyển chậm, nhưng vừa thấy người là nó tấn công ngay. Thủ nhớ lại: “Nó xẹt qua mặt em và mắt nó lừ lừ, em nghĩ con này lạ quá, nhìn thấy ngay nó có cái đuôi trắng, vậy rồi nó quay lại tấn công liền. Giờ nghĩ lại thì em rất ngạc nhiên vì cách tấn công của nó rất khôn lanh…”.
Sự khôn lanh của con cá mập này được anh Thủ kể chi tiết, cú táp đầu tiên là nhắm vào để cắt đứt đôi dây hơi, cắt nguồn dưỡng khí. Trong lúc anh Thủ đang quờ quạng kiếm ống thở thì con cá mập đổi hướng, vòng lên trên cao tấn công thẳng xuống đỉnh đầu làm bay luôn gương lặn. Do bị cá cắn đau, anh Thủ đạp chân thật mạnh nên một bên chân nhái rơi mất, máu đỏ loang quanh người.
Anh Thủ liên tục đảo người để nhìn theo hướng bơi của con cá. Khó khăn nhất là nó phóng từ đỉnh đầu xuống rồi cắm người xuống đáy biển, sau đó đâm thẳng lên, tấn công vào phần chân. Anh Thủ vừa chiến đấu với cá, vừa ngoi dần lên mặt nước. Có lúc 2 tay anh chụp được vi cá giữ chặt, mõm cá đầy răng và mặt anh gần chạm vào nhau. Cá và người như quấn vào nhau đảo lộn dưới đáy biển. Con cá này dễ dàng phá thế bằng cách xoay tròn người rồi thoát đi.
Khi anh Thủ ngoi lên gần tới mặt nước, con cá này tiếp tục tấn công dây hơi lần 2 và lần này nó cắt được ống thở lôi đi vài chục mét để anh không thể kéo nhét vào miệng được, sau đó nó tấn công lần cuối cùng để kéo con mồi xuống đáy biển. Con cá mập lao thẳng đến cắm bộ răng ngược vào đùi anh. Cá và người ôm nhau trồi lên mặt nước. Răng của nó dính chặt vào vải quần jeans dày nên bị yếu thế. Nó quẫy đạp ầm ầm trên mặt nước nên bị ngư dân trên tàu dùng dao chém tới tấp.
Pha đấu vật khó tin
Anh Thủ kể, “Nó tấn công thẳng vào ngực, răng ngược của nó bấu vào thịt em và nó rảy rảy liên tục để dứt thịt ra khỏi người. Em đau quá nên thò tay vào miệng nó vạch ra. Em vạch mạnh đến nỗi một ngón tay bị răng cá cắt đứt gân và bây giờ thành bị tật. Trong miệng nó toàn là sụn mềm mà bị tay mình bấu vào nên nó đờ người ra một chút rồi mới chịu buông. Nhưng con cá này cũng lạ lắm, nó cắn mình rồi xông vô cắn đứt luôn dây nịt chì nặng cả chục ký đeo trên lưng và lôi đi để nuốt, trông thật đáng sợ”.
Anh Thủ được kéo lên tàu, khắp người bị cá cắn với những vết răng như lưỡi liềm và thủng rất sâu. Các ngư dân phải nỗ lực cứu chữa nhiều ngày và đưa anh vào đất liền điều trị mới giúp anh thoát chết.
Sau khi hồi phục và trở lại với nghề lặn, anh Thủ tiếp tục gặp cá mập trắng. Mắt nó lườm lườm nhìn và lao vào tấn công ngay. Nhưng may mắn là từ sau trận chiến sinh tử lần trước, anh mang theo một lao sắt dài để chống trả ngay từ đầu. Chiến binh ngư dân và con thủy quái giao chiến, quần nhau dưới đáy biển. Con cá này như một quả tên lửa lao vút vào nên Thủ phải vừa né, vừa dùng lao sắt đâm ngang bụng cá. Có mùi máu, mắt con cá này càng lờ đờ như con nghiện. Nhưng rồi phần thắng nghiêng về phía ngư dân, con cá bị đả thương nặng nên lừ lừ bỏ đi với vẻ tức tối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.