2 nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt vì đưa tin vụ PMU 18

13/05/2008 02:11 GMT+7

* Nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã tác nghiệp như thế nào mà bị quy vào tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ”? * Có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, sao lại bắt 2 nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ? * Những câu hỏi chờ được trả lời!

Ngày 12.5, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên, và nhà báo Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM, về tội "lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (điều 281 Bộ luật Hình sự) trong việc đưa tin bài về vụ tham nhũng tại Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18). Cùng ngày Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của nhà báo Nguyễn Việt Chiến và nhà báo Nguyễn Văn Hải.

Khi thực hiện lệnh khám xét tại nơi làm việc của nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an không đọc lệnh bắt tạm giam công khai đối với nhà báo Nguyễn Việt Chiến mặc dù được đại diện của Báo Thanh Niên yêu cầu. Trong buổi khám xét nơi làm việc, đại diện của Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Phong - Phó tổng biên tập đã phản ứng: "Tại sao lại đọc lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam ở nhà, trước mặt vợ và những đứa con còn nhỏ của anh Chiến mà không đọc tại Báo Thanh Niên - cơ quan quản lý của anh Chiến và cũng là nơi anh Chiến thực hiện các công việc có liên quan? Đọc quyết định như vậy có phải là một việc làm hợp tình người không?".

Cho đến cuối buổi khám xét, Báo Thanh Niên vẫn không được biết chính thức nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt giam với thời hạn bao lâu. Một nguồn tin cho hay, nhà báo Nguyễn Việt Chiến sẽ bị tạm giam ít nhất 4 tháng.

Báo Thanh Niên đã mời Văn phòng luật sư Hà Đăng và luật sư Hoàng Văn Quánh (Đoàn luật sư Hà Nội) đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến.

* Nhà báo Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952, đã từng phục vụ trong quân đội. Tốt nghiệp đại học ngành địa chất, Nguyễn Việt Chiến công tác tại Báo Văn Nghệ, trước khi về làm phóng viên Báo Thanh Niên từ năm 1993, chuyên theo dõi mảng nội chính. Theo đánh giá của Ban Biên tập Báo Thanh Niên, Nguyễn Việt Chiến là nhà báo nhiệt huyết, chín chắn, và có nhiều bài viết dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, đặc biệt trong vụ án "Năm Cam và đồng bọn", được dư luận đánh giá cao. Ngoài lĩnh vực báo chí Nguyễn Việt Chiến còn là nhà thơ có tài. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng thơ của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và gần đây được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn.

* Nhà báo Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1975, tốt nghiệp Phân viện báo chí tuyên truyền năm 1996 và được kết nạp Đảng ngay trong năm đó. Nhà báo Nguyễn Văn Hải hiện là Phó văn phòng đại diện của Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, đồng thời là Bí thư chi bộ của Văn phòng. Nhà báo Nguyễn Văn Hải từng đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc năm 2003 về loạt bài chống nạn cơm tù, xe cướp trên quốc lộ 1A. Sau sự việc hôm qua, Ban Biên tập của Báo Tuổi Trẻ vẫn khẳng định anh Nguyễn Văn Hải là một cây bút trong sáng, đầy nhiệt huyết và dũng cảm trong cuộc chiến chống tham nhũng. Hiện tại, Báo Tuổi Trẻ đã mời luật sư Trần Văn Tạo - Văn phòng luật sư Trần Văn Tạo (TP.HCM) đứng ra bảo vệ cho nhà báo Nguyễn Văn Hải trong vụ án này.

H.L

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã tác nghiệp như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến (thứ hai từ phải sang) chia tay các đồng nghiệp, tự tin đến nhà giam - Ảnh: Ngọc Thắng

Để rộng đường dư luận, Báo Thanh Niên xin cung cấp những thông tin xác thực đã được kiểm chứng liên quan đến quá trình phóng viên Nguyễn Việt Chiến đưa tin về vụ PMU 18.

Thời điểm tiến hành điều tra vụ PMU 18, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã khẳng định tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án.

Trả lời Báo Tiền Phong ngày 7.4.2006, đồng chí Trần Đại Hưng, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng nói:

"Trong vụ án Bùi Tiến Dũng, đối tượng liên quan hầu hết là cán bộ Nhà nước, đặc biệt lại có thêm hành vi chạy tội. Vụ án này nghiêm trọng hơn hẳn các vụ án lớn trước đây như vụ Năm Cam và đồng bọn. Chúng đã tổ chức chạy án bằng 4 đường dây để chạy các cửa là các cơ quan chức năng. Tóm lại bọn chúng chạy đến các cơ quan trực tiếp điều tra và cả các cơ quan không trực tiếp đấu tranh nhưng có thể có tác động đến việc điều tra vụ án...".

Trả lời phỏng vấn TTXVN ngày 23.3.2006, đồng chí Vũ Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ:

"Vụ việc tiêu cực tại PMU 18 đã diễn ra từ lâu với nhiều đối tượng tham gia và sai phạm nghiêm trọng trên nhiều mặt. Tôi có thể khẳng định tổ chức Đảng ở PMU 18 bị tê liệt. Tại PMU 18 còn nhiều sai phạm khác, hầu hết các dự án của PMU 18 làm chủ đầu tư đều có vấn đề về chất lượng, riêng dự án cải tạo QL 18, đoạn Nội Bài - Bắc Ninh đã phải xuất toán trên 60 tỉ đồng. Việc tổ chức đấu thầu chỉ là hình thức, các nhà thầu đều là "sân sau", hoặc có đi có lại với Bùi Tiến Dũng mới thắng thầu. Chúng ta cần bình tĩnh phanh phui đến cùng sự việc này...".

Đặc biệt, trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân ngày 27.3.2006, đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư 6 (2) đã nhấn mạnh:

"Vụ việc tiêu cực ở PMU 18 là vụ án nghiêm trọng, đánh bạc, cá độ với số tiền rất lớn, cũng là vụ án tham nhũng, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Những người tham gia đánh bạc, cá độ có nhiều tài sản được hình thành một cách bất hợp pháp, do bòn rút của Nhà nước. Một số cán bộ nhà nước có sai phạm trong vụ án này đã tiến hành hối lộ và nhận hối lộ. Qua điều tra cho thấy, một số vụ việc xảy ra trước đây đã bị cho qua, bị che lấp đi. Như vậy, vụ án này cũng cho thấy tình trạng tiêu cực trong công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra của một số cơ quan. Qua vụ án này, chúng ta thấy được sự suy thoái rất nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có một số người giữ cương vị cao. Đảng và Nhà nước ta kiên quyết làm rõ những sai phạm của các tổ chức, cá nhân bất kể người đó là ai, những ai cản trở việc xử lý những người vi phạm cũng sẽ bị xử lý thích đáng...".

Những ý kiến đó, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Phan Diễn đăng trên cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam là những ý kiến chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí làm hết trách nhiệm trong việc điều tra, xử lý vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Điều chắc chắn là các đồng chí lãnh đạo nói trên đã được nghe báo cáo trực tiếp từ Ban chuyên án, nên mới có thể có những khẳng định như vậy.

Và điều chắc chắn các nhà báo trong thời điểm diễn ra việc điều tra vụ PMU 18 cũng rất tin tưởng vào sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng mà đại diện là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn. Báo chí không có mục đích nào khác là thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, nêu cao trách nhiệm nhà báo và nghĩa vụ công dân, hậu thuẫn cho Đảng và Nhà nước đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Thế nhưng từ nửa cuối năm 2007, có hàng loạt nhà báo đã bị gọi lên Cơ quan an ninh điều tra để hỏi về các căn cứ khi viết bài về vụ án PMU 18 (diễn ra từ năm 2006). Trong đó, hai người bị hỏi nhiều nhất là nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên), và nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ TP.HCM).

Với PV Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên, cơ quan điều tra tập trung xét hỏi về bài báo gây xôn xao dư luận thời điểm tháng 4 năm 2006 "Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng" (đăng ngày 16.4). Vậy PV Nguyễn Việt Chiến đã thu thập thông tin này như thế nào, thông tin này có chính xác không?

Trước khi viết bài báo "Bùi Tiến Dũng khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng" ít ngày, PV Nguyễn Việt Chiến đã gặp thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, khi ấy là Cục trưởng C14, Trưởng ban chuyên án PMU 18 tại phòng làm việc của ông này để xác minh một số thông tin liên quan đến vụ án. PV Nguyễn Việt Chiến đặt câu hỏi: "Thưa thủ trưởng (cách gọi thân mật của PV), trong trại tạm giam, Dũng "tổng" (tức Bùi Tiến Dũng) khai nhận đưa tiền chạy án cho bao nhiêu người rồi?". Tướng Quắc trả lời: "Khoảng vài chục người". PV Nguyễn Việt Chiến hỏi thêm: "Cụ thể là bao nhiêu đối tượng?". Ông Quắc cho biết: "Dũng "tổng" khai đưa tiền chạy án cho hàng chục đối tượng". Biết ông Quắc không muốn cho biết con số cụ thể, PV Thanh Niên xin phép ra về.

Qua xác minh từ điều tra viên, PV Việt Chiến được biết số người mà Bùi Tiến Dũng tung tiền chạy án lên tới gần 40 người. Đối chiếu với thông tin của tướng Phạm Xuân Quắc "Dũng khai đưa tiền chạy án cho hàng chục đối tượng", PV Thanh Niên thấy 2 nguồn tin này tương đối phù hợp nhau. Sau đó, PV Việt Chiến tiến hành viết bài báo "Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng".

Sau khi bài báo đăng, ngày 17.4.2006, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc có mời ông Nguyễn Quốc Phong - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên lên nói rằng: "Thông tin này là không đúng, nếu các cậu nói Bùi Tiến Dũng khai đưa tiền chạy án cho hàng chục người thì không sao, nhưng nói đưa tiền chạy án cho 40 người là không đúng". Mặc dù PV Báo Thanh Niên có bằng chứng từ nguồn tin đáng tin cậy nêu trên (hiện chúng tôi vẫn đang lưu giữ băng ghi âm), nhưng theo yêu cầu của ông Quắc, ngày 18.4.2006, Báo Thanh Niên vẫn đính chính như sau: "Báo Thanh Niên số 106 ra ngày 16.4.2006 có đăng thông tin về vụ án PMU 18 Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền cho gần 40 nhân vật. Ngày 17.4.2006, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an đã phủ nhận thông tin nói trên. Theo ông Quắc: "Thông tin này là không đúng".

Như vậy, trong bài báo đăng ngày 16.4.2006, Báo Thanh Niên không hề khẳng định chuyện đưa tiền chạy án cho 40 quan chức (như các điều tra viên cố tình hiểu lầm trong quá trình xét hỏi PV Nguyễn Việt Chiến suốt 11 tháng qua) mà chỉ nói: Bùi Tiến Dũng khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng, trong đó có nhiều thành phần như: giám đốc các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp sân sau của PMU 18; công chức một số cơ quan quan trọng của nhà nước; một số cán bộ thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra vụ cá độ bóng đá và vụ PMU 18; cùng một số quan chức bộ, ngành liên quan.

Sau đó, trong buổi làm việc với Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quốc Phong về bài báo trên, tướng Phạm Xuân Quắc còn nói rõ: "Chẳng lẽ bây giờ đang trong giai đoạn điều tra, chúng tôi lại cảm ơn báo chí về sự hợp tác cổ vũ cho anh em phá án, làm như vậy không được, nhưng báo chí là điểm tựa của chúng tôi trong vụ này. Nếu các anh đưa tin Bùi Tiến Dũng khai đưa tiền chạy án cho vài chục người thì được, còn nói nó đưa tiền cụ thể cho gần 40 người thì thông tin ấy không đúng".

Đặc biệt, sau khi Báo Thanh Niên đính chính theo lời tướng Quắc một thời gian, thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã trực tiếp thông tin cho PV Thanh Niên biết: "Trong vụ án này, có việc 40 cán bộ nhận tiền của Bùi Tiến Dũng, bị vô hiệu hóa, bị mua". Băng ghi âm đoạn trích này đã được Báo Thanh Niên chuyển tới các cơ quan chức năng và người có trách nhiệm.

Cho đến nay, với việc cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam PV Nguyễn Việt Chiến chủ yếu về những nội dung trong bài báo nói trên, chúng tôi không có đủ thông tin để kết luận thực hư "vụ chạy án" của Bùi Tiến Dũng. Tuy nhiên, Báo Thanh Niên khẳng định Nguyễn Việt Chiến đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ của một nhà báo chân chính là tìm kiếm, thực hiện và công bố các thông tin được xã hội quan tâm theo những quy tắc nghề nghiệp chặt chẽ, bao gồm cả việc khai thác thông tin từ nhiều nguồn tin có thẩm quyền, trong khuôn khổ cho phép của pháp luật, như được nêu rõ trong Hiến pháp và Luật Báo chí của nước CHXHCN Việt Nam. Toàn bộ quá trình tác nghiệp của PV Nguyễn Việt Chiến trong vụ án này đều nhằm một mục đích tham gia chống tham nhũng, chống tiêu cực, bảo vệ sự trong sạch của bộ máy Đảng và Nhà nước, bảo vệ chế độ, hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ" như cơ quan điều tra khẳng định để bắt giam PV Nguyễn Việt Chiến.

Thanh Niên

Những mốc chính trong vụ án PMU 18

* Ngày 26.1.2006, bắt tạm giam Bùi Tiến Dũng, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 18 (PMU 18, Bộ Giao thông vận tải).

* Ngày 4.4.2006, bắt tạm giam thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến

* Ngày 22.3.2007, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự số 05, tội danh làm lộ bí mật nhà nước và tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

* Ngày 3.10.2007  ông Nguyễn Việt Tiến được tại ngoại sau 18 tháng bị tạm giam.

* Ngày 28.3.2008, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đình chỉ điều tra với ông Nguyễn Việt Tiến ở hai tội danh: Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Tiến được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

* Ngày 7.5, ông Nguyễn Việt Tiến được khôi phục sinh hoạt đảng

* Ngày 12.5, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hai phóng viên từng tích cực viết bài về vụ PMU 18 là Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) về tội: "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".

Những câu hỏi chờ được trả lời !

Điều mà hầu hết những người làm báo không ngờ tới cuối cùng đã xảy ra, cơ quan an ninh điều tra đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam hai phóng viên Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ. Có quá nhiều băn khoăn, khó hiểu xung quanh sự kiện gây chấn động dư luận này.

Có thể nói thời điểm vụ PMU 18 nổ ra (đầu năm 2006) là thời điểm nóng nhất của báo chí Việt Nam kể từ vụ án Năm Cam hồi năm 2001. Đã có hàng trăm nhà báo của hàng chục cơ quan báo chí được huy động để đưa tin về vụ án này. Hầu hết các nhà báo lao vào điểm nóng ấy chỉ với một mong muốn: Vụ án sẽ được làm đến cùng, những kẻ sâu mọt tham nhũng tiền thuế của dân sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Chúng tôi, những phóng viên Báo Thanh Niên tham gia đưa tin về vụ án PMU 18 đã thường trực 24/24 tại mọi nơi từ nhà riêng đối tượng tình nghi đến trực chiến tại cổng Cơ quan điều tra C14, mở mọi mối quan hệ từ các nguồn tin với một mong muốn duy nhất: đưa tin chính xác nhất, nóng nhất đến với hàng triệu độc giả của Báo Thanh Niên.

Trớ trêu thay, một năm sau khi "vụ án điểm PMU 18" nổ ra, hàng chục người viết bài chống tiêu cực vụ PMU 18 đã bị gọi lên lấy lời khai trước cơ quan an ninh điều tra. Trong nhiều ngày liền, phóng viên Việt Chiến (đã 56 tuổi) liên tục bị hỏi về nguồn tin khi viết các bài báo liên quan đến vụ PMU 18, trong đó trọng điểm là bài Bùi Tiến Dũng đã khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng đăng trên Báo Thanh Niên ngày 16.4.2006.

Và hai năm sau khi những kẻ đánh bạc, tham nhũng bị khởi tố và đưa vào nhà giam, tháng 5.2008 hai phóng viên (thuộc hàng những nhà báo giỏi nhất trong làng phóng viên nội chính phía Bắc) đã bị bắt. Họ bị bắt với tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tổng số đã có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, trong đó có một số bài có thông tin không chính xác đăng trên khoảng hơn chục tờ báo, thậm chí có cả bài báo sai sự thật. Trong năm 2007 và đầu năm 2008, đã có hàng chục phóng viên bị gọi lên lấy lời khai tại cơ quan an ninh điều tra (trong đó có cả phóng viên trong ngành công an). Nhưng cuối cùng, cho đến nay chỉ có 2 phóng viên bị khởi tố, trớ trêu thay, đó lại là hai phóng viên của hai tờ báo luôn đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực - Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ. Điều này có công bằng không? Có đúng đường lối, quan điểm và quyết tâm chống tham nhũng, chống tiêu cực của Đảng và Nhà nước không?

Về mặt pháp lý: Người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo pháp luật, là người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích của công dân.

Đối chiếu với điều trên, PV Nguyễn Việt Chiến là người có bề dày trong việc viết bài chống tham nhũng, từng góp phần làm rõ, đưa ra công luận nhiều vụ án nóng như vụ Năm Cam, vụ cầu thủ bán độ, vụ Khánh trắng, vụ lấn chiếm xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ... PV Nguyễn Việt Chiến nói riêng và các nhà báo nước nhà nói chung đều hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng mà không quản vất vả, hiểm nguy để săn tin, kiểm chứng thông tin, đưa đến bạn đọc những thông tin chính xác và nóng nhất.

Trong vụ việc này, PV Nguyễn Việt Chiến hoàn toàn làm theo chức phận của một nhà báo, là đưa tin (với những thông tin lấy từ nguồn tin có căn cứ) cung cấp đến bạn đọc, để chống tiêu cực. Anh không hề có động cơ cá nhân, không vì vụ lợi, không vượt quyền hạn cho phép. Tất cả chỉ vì một động cơ: Chống tham nhũng, bảo vệ chế độ. Vậy tại sao phóng viên này lại bị khép tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"?

Những thông tin mà PV Nguyễn Việt Chiến có được đều từ các nguồn tin có căn cứ, nguồn tin từ cơ quan điều tra, từ Viện Kiểm sát... mà phóng viên này đã xây dựng suốt hơn 10 năm làm mảng nội chính của Báo Thanh Niên. Động cơ phóng viên viết bài hoàn toàn trong sáng. Còn về hậu quả, nếu vụ án PMU 18 có oan sai, có làm dư luận hiểu sai về một số cán bộ, cơ quan nhà nước thì lỗi đó trước hết thuộc về những người từ cơ quan tố tụng đã cung cấp thông tin cho nhà báo. Không thể vì có oan sai mà đổ hoàn toàn lỗi này cho các nhà báo. Và nếu như trong thời điểm nào đó các nhà báo chân chính có sai sót, thì các cơ quan chức năng có thể góp ý rút kinh nghiệm trên tinh thần đồng chí, trên tinh thần đồng đội cùng chiến hào chống tham nhũng, chống tiêu cực.

Trong một cuộc họp gần đây với lãnh đạo các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo chủ trì, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Quốc Phong đã bày tỏ mối băn khoăn về thông tin đang lan truyền sẽ có khởi tố bị can những người viết bài liên quan đến vụ PMU 18. Ông Phong có nêu: Không rõ vụ việc nói trên cơ quan pháp luật có trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo với tư cách là những cơ quan định hướng dư luận, quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi nhà báo? Ông Phong nhắc lại câu chuyện cũ cách đây khoảng chục năm. Khi đó, cũng tại một buổi họp với báo chí, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, ông Hữu Thọ đã kể lại một câu chuyện: khi cơ quan pháp luật ra lệnh bắt giam nhà báo Hoàng Linh, Tổng biên tập Báo Doanh nghiệp Việt Nam, ông Hữu Thọ có nói rằng khi nghe phong thanh có chuyện bắt Tổng biên tập Hoàng Linh, ông Thọ đã bày tỏ quan điểm là phải thật thận trọng. Nhưng vì không có sự trao đổi nên phía Ban Tư tưởng Văn hóa lúc đó cũng không có văn bản bày tỏ quan điểm chính thống. Đến khi vụ án Nguyễn Hoàng Linh không xử được, thì các cơ quan pháp luật có đặt vấn đề tham khảo ý kiến ông Hữu Thọ, ông đã trả lời: "Lúc bắt có hỏi tôi đâu, đến khi không kết tội được và muốn thả, thì mới hỏi tôi là thế nào?"... Không biết trong vụ việc bắt hai nhà báo lần này, các cơ quan trên có được tham khảo ý kiến?

Về trách nhiệm của Bộ Công an. Trong 2 năm phản ánh về diễn biến vụ án PMU 18, tòa soạn và Ban Biên tập Báo Thanh Niên không hề nhận được bất cứ một văn bản nào từ cơ quan điều tra vụ án, từ Tổng cục Cảnh sát, từ Bộ Công an, từ Viện KSND tối cao thông báo về việc báo đăng tin, bài không chính xác về vụ PMU 18. Tại sao Bộ Công an có người phát ngôn nhưng không công khai đưa ra những thông tin cảnh báo báo chí từ khi các cơ quan báo chí mới đưa tin về vụ án này. Tại sao Bộ Công an không cung cấp thông tin chính thống từ phía Bộ? Nếu cho rằng báo chí có nhiều sai sót trong việc phản ánh vụ án PMU 18, thì trước hết, Bộ Công an cần làm rõ trách nhiệm của một số đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, Cơ quan điều tra vụ án, trách nhiệm người phát ngôn Bộ Công an, của Văn phòng Bộ Công an, của Trung tâm báo chí Bộ Công an... là những người, những cơ quan đã không liên lạc với báo chí trong suốt 2 năm qua để điều chỉnh những thông tin mà họ cho là báo chí đã đưa không chính xác về vụ PMU 18. Những phóng viên theo dõi ngành, trong suốt 2 năm qua đã dự rất nhiều cuộc họp với các cơ quan của Bộ Công an để tuyên truyền công tác cho ngành, nhưng chưa có cuộc họp nào nhắc nhở kịp thời về những thông tin sai (nếu có). Trong suốt thời gian báo chí đăng nhiều tin, bài về vụ án PMU 18, chúng tôi cũng không hề thấy Bộ Công an phối hợp kịp thời với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương trong các thời điểm "nóng" để chỉ ra những thông tin chưa chính xác của báo chí và có hướng điều chỉnh. Vậy sự "im lặng" kéo dài của Bộ Công an trong thời gian này có nguyên cớ gì?

Thật đáng tiếc, trong khi Đảng, Chính phủ kêu gọi chống tham nhũng và đánh giá cao vai trò của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng thì hai phóng viên "nhiệt huyết, có nghề" của hai tờ báo có uy tín đã bị bắt. Trước khi bị đưa đến nơi tạm giam, nhà báo Nguyễn Việt Chiến vẫn khẳng khái: "Tôi không có tội gì, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi đã mời hai luật sư bảo vệ cho tôi, và tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình".

Báo Thanh Niên hoàn toàn ủng hộ và sẽ đứng bên cạnh nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong cuộc đấu tranh này. Chúng tôi tin tưởng bạn đọc sẽ tiếp tục đặt lòng tin vào Báo Thanh Niên và tất cả các nhà báo chân chính, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan pháp luật làm sáng tỏ sự việc vì lợi ích của đất nước và dân tộc.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.