2 tỉ đồng bản quyền giống thanh long ruột tím hồng

05/12/2013 09:20 GMT+7

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), ngay sau khi công bố bản quyền và thương mại hóa (ngày 12.9 vừa qua), giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 đã được Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) mua bản quyền với giá 2 tỉ đồng.

 2 tỉ đồng bản quyền giống thanh long ruột tím hồng
PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam giới thiệu quả thanh long ruột tím hồng LĐ5 - Ảnh: M.Vọng

Khởi đầu thuận lợi

Sau 10 năm nghiên cứu, việc tạo giống thanh long này thành công từ năm 2010, tuy nhiên giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 đến nay mới được SOFRI chính thức đưa ra thị trường sau khi bán bản quyền. Trước đây giống thanh long ruột đỏ cũng do SOFRI nghiên cứu thành công năm 2005 nhưng không bán được bản quyền, “khi đó việc xài “chùa” trở nên quá phổ biến”, PGS-TS Nguyễn Minh Châu nói.

Nay SOFRI đã có bước đi bài bản hơn. Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, vấn đề bản quyền đối với giống cây trồng đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển. Khi tạo ra một giống mới, các đơn vị nghiên cứu sẽ bán quyền khai thác giống này cho một công ty để họ tổ chức khai thác. Công ty sẽ toàn quyền khai thác theo hướng của họ và cũng là đơn vị duy nhất được quyền tổ chức sản xuất, bán cây giống hay xuất khẩu trái cây sau này.

Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến bản quyền giống cây trồng đã quy định rõ là không có một cá nhân, tổ chức nào được phép trồng, kinh doanh loại giống đó mà không có sự thỏa thuận đối với công ty mua bản quyền. Việc một công ty mua quyền khai thác giống ở các nước phát triển là động lực rất lớn để các viện nghiên cứu tiếp tục cho ra những giống mới tốt hơn.

Theo SOFRI, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức UPOV (tổ chức về bản quyền giống cây trồng quốc tế) vào tháng 12.2006. Bảo hộ giống cây trồng sẽ là sự bảo đảm cho nông dân đầu tư sản xuất giống cây trồng tốt nhất, tạo điều kiện tái đầu tư trong nghiên cứu phát triển cây giống. Tuy nhiên, từ trước đến nay việc mua bản quyền cho giống cây trồng chỉ được phổ biến và phát triển ở hầu hết các tỉnh thành phía bắc. Còn riêng khu vực phía nam thì vẫn chưa có một cuộc trao đổi trực tiếp nào về vấn đề này đến với các HTX, nhà vườn.

 Quả thanh long ruột tím hồng
Quả thanh long ruột tím hồng và thanh long ruột vàng (trái còn nguyên) của Viện Cây ăn quả miền Nam

Đặc điểm của giống thanh long mới

Về đặc điểm của giống thanh long ruột tím hồng, PGS-TS Nguyễn Minh Châu cho biết quả có thịt dai, giòn, ráo nước, khác với thanh long ruột đỏ thịt nhiều nước hơn.

Còn theo tài liệu của SOFRI, giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 có nguồn gốc từ lai hữu tính giữa giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (làm mẹ) và giống thanh long ruột trắng Chợ Gạo (làm bố). Cây thanh long ruột tím hồng có khả năng ra hoa mạnh và gần như quanh năm, hoa có khả năng tự thụ phấn tự nhiên để tạo quả. Từ khi trồng đến khi ra hoa đầu tiên mất khoảng 9 - 11 tháng. Thời gian ra hoa chính vụ của loại cây này từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch và có khả năng ra hoa tự nhiên vào mùa nghịch từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch. Trong vụ chính, năng suất thực tế trung bình đạt 10,34 kg/trụ/vụ (cây 16 tháng tuổi).

Quả thanh long ruột tím hồng có trọng lượng trung bình 350 - 400 gr, vỏ quả màu đỏ tươi, sáng, khá bóng, tai quả có màu xanh đến xanh đỏ và khá cứng. Thịt quả có màu tím hồng và khá chắc, vị ngọt chua nhẹ.

Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu được quyền sử dụng giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 trong 20 năm.

Học kinh nghiệm từ New Zealand

Thành công bước đầu trong việc bán bản quyền giống cây ăn quả của SOFRI là từ kinh nghiệm của New Zealand. Vào tháng 8 năm nay, với sự tài trợ thông qua Chương trình viện trợ New Zealand, dự án trị giá 4 triệu USD do Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR) cùng với SOFRI Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch phối hợp đã được triển khai thực hiện và kéo dài trong 5 năm tới. Ban đầu dự án sẽ tập trung thực hiện ở tỉnh Tiền Giang và trên trái thanh long. Sau đó, kết quả thu được từ dự án sẽ được chuyển giao sang các loại cây trồng quan trọng khác của Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu cho biết, phía New Zealand chuyển giao cho Việt Nam công nghệ dựa trên kinh nghiệm từ giống kiwi ruột vàng rất thành công, cả về khoa học kỹ thuật và việc bảo vệ bản quyền. Chương trình tạo giống hợp tác giữa Viện Nghiên cứu nông nghiệp của 2 nước sẽ cùng nhau phát triển và thương mại hóa các giống thanh long mới, trong đó có giống thanh long ruột vàng, hiện đang được nghiên cứu. 

M.V

Mai Vọng

>> Bài toán cũ của thanh long Bình Thuận
>> Thanh long ruột đỏ Trà Vinh vào thị trường Mỹ
>> Đấu giá bản quyền giống thanh long ruột tím hồng
>> 70% sản lượng thanh long của Bình Thuận xuất sang Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.