Hai trường y khoa lớn nhất tại TP.HCM là Đại học Y Dược (ĐHYD), Đại học Y khoa (ĐHYK) Phạm Ngọc Thạch đã chung tay cùng chính quyền TP.HCM thực hiện mục tiêu này.
Mô hình chăm sóc F0 cộng đồng toàn diện
PGS-TS Vương Thị Ngọc Lan, quyền Trưởng khoa Y, Trường ĐHYD TP.HCM, cho biết khi Q.10 xuất hiện nhiều F0, lãnh đạo TP.HCM đề nghị ĐHYD hỗ trợ. Từ đầu tháng 7.2021, ĐHYD đã triển khai mô hình chăm sóc F0 cách ly tại nhà, ban đầu là Q.10. Từ ngày 10.8 hỗ trợ cho Q.8 và hiện đang đi khảo sát hỗ trợ mô hình này cho Q.Bình Tân.
Theo PGS-TS Ngọc Lan, mô hình chăm sóc F0 cách ly tại nhà của ĐHYD có 2 trụ cột chính, gồm Đội 1 giám sát từ xa và Đội 2 cấp cứu ngoại viện do ĐHYD tổ chức, có sự gắn kết với địa phương.
Tại Q.10, Đội 1 của ĐHYD triển khai trên 14 phường với 41 nhóm giám sát từ xa (mỗi đội gồm có nhiều tổ tư vấn gồm: bác sĩ (BS), giảng viên từ nhiều nguồn, 1-2 sinh viên hỗ trợ, 1 nhân sự nhập liệu làm bệnh án). Đội 2 là đội cấp cứu ngoại viện với 20 giường cấp cứu, 8 BS, 12 điều dưỡng, 8 sinh viên và hộ lý chia làm 3 ca, 4 kíp, làm việc 24/7.
Mỗi tổ tư vấn sẽ chăm sóc sức khỏe cho 20 - 30 ca F0. Mỗi 2 - 3 ngày, BS sẽ chủ động gọi hỏi thăm sức khỏe, khám bệnh, chăm sóc bệnh nhân (BN), không chờ F0 có triệu chứng mới gọi. Về đêm, khi F0 có sự cố sức khỏe thì sẽ gọi trực tiếp cho BS đang theo dõi cho mình. Như vậy, BS sẽ biết BN bị vấn đề gì.
Việc này giống như chăm sóc sức khỏe theo mô hình BS gia đình và cá thể hóa chăm sóc sức khỏe toàn diện. Khi BN suy hô hấp hay có vấn đề gì thì đội 1 sẽ liên hệ đội 2, đội 2 đến nhà F0 đưa về trạm cấp cứu để xử lý, cho thở ô xy, thậm chí thở máy không xâm lấn. Nếu F0 sau xử lý ổn định thì sẽ được đưa về nhà, đội 2 bàn giao lại cho đội 1 theo dõi tiếp. Trường hợp F0 xử lý xong mà vẫn nặng thì sẽ được chuyển lên bệnh viện tầng trên.
“2 đội phối hợp nhuần nhuyễn sẽ giúp người dân yên tâm, vì cùng 1 BS theo dõi khám bệnh 14 ngày. Khi cần cấp cứu thì 5 - 10 phút là được đáp ứng, xử lý kịp thời, tăng cơ hội cứu sống F0. Một ưu điểm khác là mô hình này đã phân tầng và chuyển viện đúng tầng phù hợp với tình trạng F0. Mục tiêu là giảm tỷ lệ tử vong, Từ ngày 2.7 đến nay, Q.10 đã giảm “nhiệt” rõ rệt”, PGS-TS Ngọc Lan thông tin.
Tổ y tế từ xa
Cũng nhằm mục đích chăm sóc F0 tại nhà, Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch thành lập mô hình Tổ y tế từ xa, gồm các chuyên gia, y BS, sinh viên năm cuối của trường tư vấn từ xa cho F0 cách ly tại nhà. Mô hình thí điểm tại Q.10 và TP.Thủ Đức.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, cho biết chính quyền địa phương có trách nhiệm kết nối Tổ y tế từ xa với hệ thống y tế địa phương, tạo điều kiện cho Tổ y tế từ xa hoàn thành các nội dung đã thống nhất hỗ trợ. Đồng thời huy động nhân viên y tế, tình nguyện viên tại địa phương để chuyển giao ô xy, chuyển F0 đến các nơi cách ly tập trung của địa phương hoặc các bệnh viện điều trị Covid-19.
“Sẽ điều phối thuốc, ô xy đến từng cụm do Tổ y tế lưu động của trường phụ trách. Tổ y tế lưu động có xe chuyển bệnh, có BS khám bệnh tại nhà, lấy máu xét nghiệm, đưa thuốc; người khó khăn thì được cấp thêm túi an sinh”, PGS-TS Hiệp nói và khẳng định: “Vai trò điều phối nguồn lực của địa phương rất quan trọng để quyết định khi nào tổ đến nhà F0 để cần can thiệp ngay bằng thuốc, ô xy”.
F0 ở nhà bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn 3 - 4 ngày sẽ ổnMô hình Tổ y tế từ xa của Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch hiện đã phối hợp với TP.Thủ Đức, hỗ trợ khám, hướng dẫn tập thở, kết nối nhà hảo tâm để cung cấp ô xy giai đoạn khó thở cho gần 100 ca F0. Những F0 bình tĩnh, phối hợp tốt thì 3 - 4 ngày sẽ qua giai đoạn khó thở. Nếu F0 theo dõi, hỗ trợ tại nhà không ổn thì sẽ được Tổ y tế từ xa kết hợp với tổng đài 115 chuyển đi bệnh viện.
|
Trường đang huấn luyện 1 đội để làm thí điểm ở Q.10 và TP.Thủ Đức, khi làm xong sẽ “cắm” các giảng viên phụ trách từng quận, huyện. Đồng thời, trường đang làm quy trình và kế hoạch phối hợp với địa phương để thống nhất thực hiện. Nếu triển khai đồng bộ thì hy vọng đến 15.9, tình hình dịch bệnh sẽ ổn và song song với việc phủ tiêm vắc xin, như vậy bước đầu kiểm soát được dịch.
Bình luận (0)