20% doanh nghiệp nhà nước lỗ hơn 115.000 tỉ đồng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/10/2024 07:59 GMT+7

Năm 2023, 72/671 doanh nghiệp nhà nước lỗ phát sinh 33.703 tỉ đồng. 134/671 doanh nghiệp nhà nước lỗ lũy kế hơn 115.000 tỉ đồng tính đến hết 2023.

Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2023 gửi Quốc hội. Trong đó, Chính phủ cho biết, trong năm 2023, có 93/813 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước (chiếm 11% tổng số doanh nghiệp) có lỗ phát sinh trong năm với tổng số lỗ phát sinh là 33.794 tỉ đồng. Có 169/813 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số doanh nghiệp) còn lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế là 116.692 tỉ đồng.

20% doanh nghiệp nhà nước lỗ hơn 115.000 tỉ đồng- Ảnh 1.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp nhà nước tiếp tục lỗ 25.772 tỉ đồng năm 2023

ẢNH: EVN.COM.V

Với riêng 671 doanh nghiệp nhà nước, tức các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và từ 50% vốn điều lệ trở lên, Chính phủ cho biết, lãi phát sinh trước thuế năm 2023 đạt 211.198 tỉ đồng, giảm 13% so với năm 2022.

Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có lãi như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có lợi nhuận trước thuế hơn 56.000 tỉ đồng (giảm 19.708 tỉ đồng, khoảng 25,9% so với năm 2022), (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex) có lợi nhuận sau thuế 3.077 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) lợi nhuận sau thuế đạt 1.702 tỉ đồng, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có tổng lợi nhuận 5.072 tỉ đồng…

Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, có 72/671 (chiếm 11% tổng số doanh nghiệp nhà nước) có lỗ phát sinh trong năm với tổng số lỗ phát sinh là 33.703 tỉ đồng. Có 134/671 (chiếm 20% tổng số doanh nghiệp nhà nước) còn lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế là 115.270 tỉ đồng.

Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục lỗ 26.772 tỉ đồng, tăng lỗ hơn 6.025 tỉ đồng so với năm 2022. Riêng Công ty mẹ EVN lỗ 23.529 tỉ đồng (chiếm 87,9% tổng số lỗ toàn EVN).

Báo cáo của Chính phủ giải thích, 6 tháng đầu 2023, EVN phải huy động các nguồn điện giá cao, giá các loại nhiên liệu cho sản xuất điện vẫn ở mức cao dẫn đến chi phí khâu phát điện tăng. Cùng đó, EVN là đơn vị chịu ảnh hưởng điều tiết giá của Nhà nước nên giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí.

Tương tự, trong lĩnh vực vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cũng là doanh nghiệp có lỗ phát sinh. Công ty mẹ VNA lỗ 4.798 tỉ đồng.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng phát sinh lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, thua lỗ chủ yếu là ở các công ty con, công ty liên doanh sản xuất xi măng. Báo cáo của Chính phủ cho hay, có tới 6/10 công ty con sản xuất xi măng lỗ, 2/3 công ty liên doanh sản xuất xi măng lỗ. Trong khi đó, năm 2022 hầu hết các công ty đều có lãi (chỉ riêng Công ty CP Xi măng Hạ Long bị lỗ).

Báo cáo của Chính phủ giải thích, năm 2023 là năm rất khó khăn với ngành xi măng cả nước. Tình hình tiêu thụ xi măng khó khăn, mặc dù đã giảm giá bán, doanh thu sụt giảm do sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm…

Doanh nghiệp nhà nước chưa có đầy đủ quyền tự chủ

Chính phủ đánh giá, các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là các doanh nghiệp đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước tham gia, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.

Dù vậy, Chính phủ thừa nhận, một số doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty mặc dù đã rất nỗ lực triển khai các dự án đầu tư mới nhưng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được giao nắm giữ. Hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả.

Chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường. Pháp luật quy định chi tiết các trường hợp doanh nghiệp phải xin ý kiến chấp thuận hoặc phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan tài chính và các cơ quan có liên quan về quản lý tài chính, huy động vốn, đầu tư ra bên ngoài, đầu tư ra nước ngoài...

Doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ các quy định về phạm vi đầu tư vốn thành lập hoặc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, đầu tư bổ sung vốn.

Về giải pháp, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp, thực hiện vai trò là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp (quản lý dòng vốn đầu tư), không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.