Sự bất ổn trong thị trường tài chính toàn cầu gia tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế thế giới từ 10% lên 20%, theo chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Societe Generale.
Chuyên gia Michala Marcussen của ngân hàng Societe Generale - Ảnh: Societe Generale |
Theo trang Channel NewsAsia, bà Michala Marcussen, chuyên gia đứng đầu mảng kinh tế của ngân hàng Societe Generale, cho hay trong buổi họp báo ngắn: “Những lo ngại về kinh tế thế giới đã dẫn đến biến động ở các thị trường tài chính, căng thẳng tài chính khiến nguy cơ về đợt suy thoái kinh tế toàn cầu tăng lên”. Bà chỉ ra mối liên hệ hai chiều giữa thực trạng các nền kinh tế và thị trường tài chính.
Bà Marcussen cũng chỉ ra “sự mất niềm tin đối với các ngân hàng trung ương trong việc củng cố thị trường”. Bà nêu Trung Quốc làm ví dụ. Nước này phá giá nhân dân tệ vào tháng 8.2015, dấy lên lo ngại về sức khỏe nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và khả năng của một cuộc chiến tranh tiền tệ.
“Sự thay đổi của đồng tiền thực ra là những gì mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) muốn họ làm và mức biến chuyển của nhân dân tệ thực tế thấp hơn cả mức dao động của euro. Song tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì sự thiếu chắc chắn về khả năng của các nhà hoạch định chính sách Đại lục”, bà Marcussen nhận định.
Chuyện các ngân hàng trung ương áp dụng lãi suất âm, bắt đầu từ châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và mới đây thì xuất hiện ở Nhật Bản, càng nâng cao hoài nghi của các thị trường.
“Thậm chí còn có tranh luận giữa các ngân hàng trung ương như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) về lãi suất âm. Vì vậy, thị trường không còn có sự tự tin đặt vào ngân hàng trung ương và “cây đũa thần” của họ”, bà Marcussen.
Nới lỏng tài chính từ các chính phủ sẽ là lối đi về phía trước. Chuyên gia của Societe Generale cho hay các cuộc thảo luận về chính sách tài chính đã được hình thành tại một số nơi ở châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản. Song khả năng nới lỏng khó thành hiện thực ở Mỹ, nơi cuộc bầu cử tổng thống được dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
Thực tế, sức khỏe kinh tế thế giới không phải là tiêu cực và người tiêu dùng vẫn đang hưởng lợi từ đợt sụt giảm giá dầu. Cho đến lúc này, kịch bản suy thoái toàn diện vẫn còn “ở xa”, miễn là các thị trường tài chính không diễn biến xấu đáng kể từ lúc này trở đi, bà Marcussen kết luận.
Bình luận (0)