20 năm, 3 ngày và tâm thư gửi Bí thư Đinh La Thăng

03/04/2016 11:49 GMT+7

Một cái kết đẹp sau “20 năm, 3 ngày và tâm thư đến Bí thư Đinh La Thăng”, và nhờ đó các thành viên mái ấm thoát khỏi nỗi lo bị “mồ côi” thêm một lần nữa!

Khi tôi viết những dòng này, hai nữ sinh mồ côi từng viết tâm thư gửi đến Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, là Nguyễn Minh Phương và Nguyễn Hiếu Thảo, đã có được niềm vui đặc biệt trong đời khi chính thức được công nhận là công dân Việt Nam.
Đơn cứu xét của hai bạn trẻ gửi tới Bí thư Đinh La Thăng
Ước nguyện “được thừa nhận” của Minh Phương và Hiếu Thảo vốn trải qua một hành trình có thể nói là rất dài với hoàn cảnh thật éo le. Minh Phương sinh năm 1998 và Hiếu Thảo sinh năm 1997. Hai em không may bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, được mái ấm tình thương Truyền Tin ở quận Bình Tân cưu mang. Mái ấm này hình thành từ năm 1995 do nữ tu Nguyễn Thị Cư, năm nay đã 62 tuổi, phụ trách. Minh Phương và Hiếu Thảo là “những đứa con đầu tiên” của mái ấm.
Cũng như những trường hợp bị bỏ rơi khác, khi tiếp nhận về, nữ tu Nguyễn Thị Cư đều trình báo với chính quyền địa phương xác minh để lập thủ tục làm giấy khai sinh theo quy định. Nhờ đó, hai em lớn lên đều được đi học như những bàn bè đồng trang lứa. Vậy nhưng ước nguyện được cấp giấy chứng minh nhân dân của hai em thì vẫn chưa bao giờ thành hiện thực. Lý do: mái ấm chưa được cấp phép nên người phụ trách mái ấm không thể nhập tên các em vào hộ khẩu chung; mà không có hộ khẩu thì hai em không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng minh nhân dân. Thế là mọi chuyện cứ treo lơ lửng theo năm tháng như vậy.
Thực tế từ năm 2006, nữ tu Nguyễn Thị Cư đã đi xin giấy phép hoạt động cho mái ấm. Đằng đẵng đợi chờ quãng thời gian 20 năm, cơ quan chức năng vẫn không xem xét giải quyết với lý do “điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ theo yêu cầu”.
Nguyễn Minh Phương (hàng đầu bên trái) tại lớp học
Kỳ thi đại học đã cận kề, Minh Phương và Hiếu Thảo không còn cách nào khác nên đã viết tâm thư gửi đến Bí thư Đinh La Thăng và Báo Thanh Niên bày tỏ ước nguyện được công nhận là công dân Việt Nam.
Thư có đoạn viết: “Chúng con đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học sắp tới với cánh cửa tương lai đang rộng mở chờ đón, nhưng đến nay chúng con vẫn chưa được cấp giấy chứng minh nhân dân, chưa được xã hội thừa nhận là công dân Việt Nam. Trước tình thế cấp bách của kỳ thi đã cận kề, chúng con không còn cách nào khác ngoài việc viết tâm thư này với ước mong được sự giúp đỡ để chúng con có được cơ hội tham dự kỳ thi, được xã hội thừa nhận là những công dân của nước Việt Nam”.
Ngày 19.3, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, Văn phòng Thành ủy có thư hồi âm, hướng dẫn Minh Phương và Hiếu Thảo liên hệ Công an TP.HCM để giải quyết.
Ngày 23.3, khi Thanh Niên, là báo đầu tiên đăng bài viết Hai nữ sinh viết tâm thư cầu cứu Bí thư Đinh La Thăng, xin được làm công dân, lập tức có rất nhiều bạn đọc đã gửi email đến tòa soạn bày tỏ sự đồng cảm, sẻ chia và hy vọng là phải làm liền cho các em để có quyền công dân, để được thi đại học.
Cá nhân tôi cũng rất hy vọng về một cái kết có hậu từ bài viết của mình khi đọc phản hồi của bạn đọc Trần Hùng: “Chắc chắn nếu bác Đinh La Thăng đọc và khi thư này đã lên truyền thông thì Minh Phương và Hiếu Thảo phải là công dân Việt Nam, Minh Phương và Hiếu Thảo yên tâm”.
Và hy vọng của tôi cũng như của rất nhiều người đã thành hiện thực khi chỉ 3 ngày sau, ngày 26.3, Minh Phương và Hiếu Thảo được mời lên Công an quận Bình Tân để làm giấy chứng minh nhân dân. Cả mái ấm gần 50 thành viên cùng vỡ òa niềm vui. Các cơ quan chức năng giải quyết cấp giấy chứng minh nhân dân cũng song song với việc giải quyết cấp giấy phép hoạt động cho mái ấm.
Một cái kết đẹp sau “20 năm, 3 ngày và tâm thư đến Bí thư Đinh La Thăng”, và nhờ đó các thành viên mái ấm thoát khỏi nỗi lo bị “mồ côi” thêm một lần nữa!
Với cá nhân tôi, thêm một lần nữa tôi có kỷ niệm với những thân phận mồ côi nơi mái ấm này. Cách đây 3 năm, tôi hai lần theo chân một nhóm thiện nguyện đến nấu ăn phục vụ cho các em nhỏ ở đây. Lần đầu tôi đứng bếp nấu món bùn bò Huế. Lần thứ hai tôi cũng đứng bếp nhưng làm món vịt nấu chao. Do thói quen của tôi là hay bỏ nhiều ớt, kiểu ăn cay của người Huế, nên các em có một bữa ăn… nhớ đời vì quá cay. Em nào cũng toát mồ hôi cả. Có lẽ sau hai lần “nhớ đời vì cay” đó, khi viết tâm thư trong tình thế cấp bách, hai em đã đồng gửi đến Thanh Niên, nơi tôi đang công tác, để nhờ lên tiếng.
Nguyễn Hiếu Thảo (ngồi) đã được làm giấy chứng minh nhân dân
Từng đến thăm nhiều mái ấm tình thương, tôi nhận thấy “điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ theo yêu cầu” mà cơ quan chức năng đưa ra để không xem xét việc cấp giấy phép hoạt động, lặp lại rất phổ biến. Hệ quả là rất nhiều thân phận cứ mãi chênh vênh.
Có một điều mà tôi mãi ao ước, là những người có trách nhiệm, nếu cùng ăn, cùng ở với những thân phận mồ côi nơi những mái ấm đó, dù chỉ một lần, hẳn sẽ quan tâm xem xét vấn đề một cách thấu đáo trên cơ sở quy định pháp luật. Và từ đó họ sẽ có hành động theo lý lẽ con tim của mình.
Có một điều mà tôi mãi ao ước, là những người có trách nhiệm, nếu cùng ăn, cùng ở với những thân phận mồ côi nơi những mái ấm đó, dù chỉ một lần, hẳn sẽ quan tâm xem xét vấn đề một cách thấu đáo trên cơ sở quy định pháp luật. 
Gần 50 thân phận mồ côi ở mái ấm Truyền Tin đã không một ai bị tụt lại phía sau, vẫn ngày ngày lớn lên, đến trường học…, nếu như điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ theo yêu cầu, thì tấm lòng của những người đứng ra cưu mang, thật đáng trân trọng.
Đó là một cơ sở để chúng ta tin vào những điều tốt đẹp, là điểm tựa để tin rằng lý lẽ con tim sẽ mãi là “đất sống” cho những thân phận không may trong cuộc đời này.
Bây giờ Nguyễn Minh Phương (lớp 12C5 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Tân) dự định sẽ thi khối A1 vào Trường đại học Sài Gòn, ngành Kế toán. Còn Nguyễn Hiếu Thảo (lớp 12A Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Nai) dự định theo đuổi ngành sư phạm mầm non, với mong muốn chăm sóc trẻ em, như em đang luôn làm tại mái ấm sau những giờ học.
Khi ước nguyện của “những đứa con đầu tiên của mái ấm” thành hiện thực, nữ tu Nguyễn Thị Cư chia sẻ thật lòng: “Chúng tôi không hy vọng các em có những đóng góp to lớn cho xã hội, chỉ mong rằng sau này các em có một công việc ổn định, các em có thể tự nuôi sống bản thân và các em không phải là gánh nặng cho xã hội”.
Và tôi vẫn nhớ mãi “tâm thư” của bạn đọc Ng Thanh gửi đến Thanh Niên khi đọc bài viết về hai nữ sinh mồ côi xin được làm công dân: “Cư dân thành phố rất mong từ nay trở đi tất các cơ quan vận hành trơn tru theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà không cần phải có tác động của Bí thư hay của Chủ tịch thành phố nữa. Có như thế mới thực sự vì dân mà phục vụ, biến TP.HCM là nơi đáng sống thành hiện thực”.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.