20 năm bước tiến Việt - Mỹ - Kỳ 3: Cầu nối văn hóa

09/07/2015 06:13 GMT+7

Đối với GS-TS Ngô Như Bình, dạy tiếng Việt không chỉ truyền bá ngôn ngữ, mà còn giúp sinh viên nắm bắt những tinh túy trong văn hóa VN.

Đối với GS-TS Ngô Như Bình, dạy tiếng Việt không chỉ truyền bá ngôn ngữ, mà còn giúp sinh viên nắm bắt những tinh túy trong văn hóa VN.

GS-TS Ngô Như Bình luôn đau đáu tìm cách chuyển tải tiếng Việt phù hợp nhất cho người Mỹ
  -  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Như đề cập ở kỳ trước, tiếng Việt là ngôn ngữ Đông Nam Á duy nhất được giảng dạy tại Đại học Harvard, theo GS-TS Ngô Như Bình.
Dạy tiếng Việt không dễ
Trong hơn hai mươi năm giảng dạy tại Đại học Harvard, GS-TS Ngô Như Bình đã xuất bản được trên dưới chục đầu sách và giáo trình dạy tiếng Việt và một giáo trình dạy tiếng Anh - Mỹ cho người Việt. Cuốn Elementary Vietnamese dành cho trình độ năm thứ nhất xuất bản lần đầu tiên năm 1999, sắp tới sẽ tái bản lần thứ tư. Cứ mỗi lần tái bản có sửa chữa và bổ sung là mỗi lần phải thay đổi rất nhiều để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Cách đây mấy năm, cuốn Continuing Vietnamese dành cho năm thứ hai và năm thứ ba cũng được xuất bản. Hiện hai cuốn sách được nhiều trường đại học cũng như nhiều cá nhân ở Mỹ, châu Âu và một số nước khác dùng để giảng dạy và tự học tiếng Việt.
GS Ngô Như Bình chia sẻ, khi ông đến Đại học Harvard nhận việc, một trong những khó khăn lớn nhất chính là giáo trình. Trước đó, khi giảng dạy tại Học viện Đông Nam Á (SEASSI) trong hai mùa hè 1992 và 1993, ông buộc phải dùng một cuốn sách giáo khoa tiếng Việt do một người Mỹ biên soạn và xuất bản vào năm 1972. Dưới con mắt của một chuyên gia được đào tạo bài bản về ngôn ngữ học tại Liên Xô, GS Ngô Như Bình nhận xét phần ngữ liệu đã quá cũ, không còn thích hợp với thực tế VN, đặc biệt là thực tế ở miền Bắc vào những năm 1990. Do vậy, nhu cầu bức thiết là cần phải biên soạn càng nhanh càng tốt một cuốn giáo trình dạy tiếng Việt phù hợp hơn cho người Mỹ. Trong thời gian công tác ở Đại học Lomonosov Moscow, GS Bình đã cùng các đồng nghiệp người Nga biên soạn và xuất bản một số sách giáo khoa tiếng Việt. Thế nhưng ở Mỹ, ông hoàn toàn “độc lập tác chiến”, chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng của chương trình tiếng Việt.
Năm học 1994 - 1995, chương trình tiếng Việt có khoảng 50 sinh viên, con số đáng ngạc nhiên vào thời đó, cho thấy VN là chủ đề được người Mỹ mong muốn tìm hiểu và khám phá vào thời điểm Washington vừa bỏ lệnh cấm vận và đang chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với VN. Từ năm 1992 đến nay, có gần 500 sinh viên đã theo học các lớp trong chương trình tiếng Việt tại Harvard. Thành phần sinh viên tham gia chương trình rất đa dạng. Có những người chuyên về Đông Á học, Đông Nam Á học hay Việt Nam học thuộc các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, xã hội học, nhân loại học. Có những sinh viên người Mỹ gốc Việt muốn tìm hiểu về cội nguồn.
Cũng có những sinh viên học tiếng Việt một cách “tình cờ”. Chẳng hạn như trường hợp một sinh viên người Mỹ năm nhất đã đến dự thính môn tiếng Việt trong những ngày đầu tiên nhập học. GS Bình kể lại, cuối giờ, người sinh viên này đến gặp ông và nói bằng tiếng Nga: “Thưa thầy, ông em là bác sĩ từng làm việc ở VN vào thời chiến. Bố em ở nhà phản đối chiến tranh. Em nghe nói thầy rất yêu nước Nga, yêu nền văn hóa Nga, sử dụng tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Em cũng thích nước Nga, học tiếng Nga 4 năm ở trung học, hè vừa rồi mới đi Nga về. Em sẽ học tiếng Việt với thầy”. Nhờ cơ duyên là tình yêu với nước Nga, anh này trở thành một trong những người Mỹ sử dụng tiếng Việt thành thạo nhất, rất gắn bó với VN, làm việc nhiều năm ở VN, từng được Bộ Ngoại giao Mỹ cử đi phiên dịch cho các cuộc hội đàm cấp cao nhất giữa hai chính phủ.
“Đại sứ” bất đắc dĩ
Ở Mỹ, giảng dạy ngoại ngữ có nghĩa là giới thiệu văn hóa của đất nước nói thứ tiếng ấy. GS Ngô Như Bình nói với sinh viên: “Tôi chỉ giúp các anh các chị nắm được công cụ là tiếng Việt để các anh các chị tìm hiểu đất nước VN”. Một điều thú vị là các món ăn VN ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ, cho nên phần văn hóa đương nhiên bao gồm cả văn hóa ẩm thực. Giảng dạy suông trên lý thuyết cũng cần phải thực hành, và giáo sư lúc này hóa thân thành “đại sứ ẩm thực” bất đắc dĩ. “Mỗi năm một lần, tôi tổ chức nấu phở ở khu nhà văn phòng của bộ môn, mời sinh viên đến xem và tham gia nấu phở rồi cùng thưởng thức”, ông nói.
Từ cuối năm thứ ba trở đi, giáo sư dùng văn học và thơ VN hiện đại để dạy tiếng Việt. Sau mỗi tác phẩm, dù đấy là thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết, sinh viên viết một bài bình luận về tác phẩm ấy. Có nhiều bài viết rất hay, đưa ra những nhận định bất ngờ về một vấn đề nào đó của xã hội VN. Phần lớn sinh viên học tiếng Việt tại Đại học Harvard đều sẽ đến VN học tập, công tác hay du lịch, sử dụng vốn tiếng Việt học được để có cái nhìn mới mẻ về đất nước xa lạ, và có thêm những người bạn VN mới. Đó là một trong những mục tiêu thiết yếu của chương trình tiếng Việt của GS Ngô Như Bình.
Cách đây vài ngày, ông nhận được email của một sinh viên học tiếng Việt năm thứ ba và năm thứ tư, vừa mới tốt nghiệp cách đây hơn một tháng. Trong 2 năm học, sinh viên này đọc khá nhiều tác phẩm văn học VN và viết những bài thu hoạch rất có ý nghĩa. Bức thư viết: “Thưa thầy, năm học tới em đi dạy tiếng Anh ở nước ngoài. Em muốn tranh thủ thời gian rỗi đọc thêm những tác phẩm văn học và thơ ca VN để tiếp tục nghiên cứu đề tài văn học đối chiếu giữa văn học VN với Mỹ và Anh. Xin thầy cho em danh mục những tác phẩm em nên đọc”. GS Bình kết luận, như thế, ông đã đạt được một mục đích khi giảng dạy tiếng Việt tại Harvard: tạo niềm hứng thú cho sinh viên tìm hiểu văn học VN nói riêng, đất nước VN nói chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.