20 năm sống chung với ô nhiễm từ bãi rác Tây Bắc

27/07/2023 08:16 GMT+7

Hàng ngàn hộ dân 5 xã ở H.Củ Chi (TP.HCM) bị tra tấn bởi mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc cả 20 năm qua, nhưng chưa biết khi nào mới kết thúc.

Dọc con đường Tam Tân, nơi có kênh Thầy Cai (ranh giới địa chính giữa TP.HCM và Long An) là nơi đặt Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (gọi tắt khu xử lý rác, H.Củ Chi, TP.HCM). Khu xử lý rác này rộng 687 ha, hoạt động từ năm 2003, mỗi ngày xử lý khoảng 3.200 tấn rác theo hình thức tái chế, đốt rác và ủ phân vi sinh.

MÙI HÔI, NƯỚC BẨN BỦA VÂY

Đi theo đường Tam Tân vào xã Thái Mỹ (H.Củ Chi), chúng tôi ghi nhận xe tải chở rác ra vào liên tục. Một hộ dân sinh sống ven kênh Thầy Cai bức xúc, từ ngày khu xử lý rác hoạt động, nước thải vừa xả thẳng ra kênh vừa ngấm xuống lòng đất. "Những năm 2000, nước kênh trong vắt, còn giờ kênh ô nhiễm, màu đen kịt", người này nói. Nước kênh ô nhiễm đã đành, ngay cả nước giếng khoan cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước đây, chỉ cần khoan sâu khoảng 30 m là có nước để sử dụng, nhưng nay phải khoan sâu 70 m may ra nước mới bớt mùi. Dù vậy, người dân cũng không dám dùng nước giếng khoan để nấu ăn mà phải dùng nước bình, hoặc chờ từ bồn chứa chung của ấp. Các hộ dân sinh sống gần đó cho hay, nước thải từ khu liên hợp và nhiều nhà máy trên địa bàn chảy ra kênh đen ngòm, hôi thối.

Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm, người dân còn bị tra tấn bởi mùi hôi thối từ bãi rác, ruồi nhặng bay vào nhà, thậm chí có thời điểm phải giăng mùng khi ăn cơm. Bà Lê Thị Hằng, ngụ ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, than phiền do sống gần bãi rác nên người dân chịu cảnh sống chung với ruồi, muỗi và hôi thối quanh năm. Tình trạng ruồi, muỗi xuất hiện nhiều gây mất vệ sinh và mầm mống bệnh. "Ruồi nhặng xuất hiện nhiều từ khi có bãi rác. Nhà nào trong xóm có tiệc là ruồi bay đến rất nhiều, phải lấy túi bọc lại. Công ty Vietstar có hỗ trợ keo bẫy ruồi, thuốc xịt nhưng gia đình tôi có người già, trẻ em và nuôi gia cầm nên không dám xịt thuốc", bà Hằng nói.

20 năm sống chung với ô nhiễm từ bãi rác Tây Bắc  - Ảnh 2.

Người dân xã Thái Mỹ (H.Củ Chi, TP.HCM) phải sử dụng nước sạch qua bồn chứa do xã cấp

Thu Hoài

Ngoài xã Thái Mỹ, người dân các xã Phước Hiệp, Tân An Hội, Tân Thông Hội và TT.Củ Chi đều chung cảnh ngộ phải hứng chịu mùi hôi phát tán từ nhà máy xử lý rác, nặng nhất là các hộ dân sống dọc QL22. Trong một báo cáo gửi HĐND H.Củ Chi cuối năm 2020, chính quyền địa phương ghi nhận phản ánh của người dân cách xa bãi rác 10 km vẫn còn bị tra tấn bởi mùi hôi. Đối với ô nhiễm nguồn nước, kênh Thầy Cai và các kênh 15, 17, 18 đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi khu xử lý rác vận hành.

Nói thêm về tác động tiêu cực của khu xử lý rác, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND H.Củ Chi, cho biết nguồn nước ô nhiễm khiến đất canh tác bị ô nhiễm theo, người dân không thể trồng trọt được. "Người dân đi cũng không được mà ở cũng không xong. Trước đây, đất đai canh tác 3 vụ lúa, còn giờ chỉ có cây tràm nước sống được thôi. Nguồn nước ô nhiễm dữ lắm, màu đen thui, còn đất thì không trồng được gì", bà Hiền ngán ngẩm. Khảo sát của UBND H.Củ Chi cho thấy, đất đai của 244 hộ dân trong tình trạng bỏ hoang, không thể canh tác nên bị mất thu nhập, đời sống khó khăn.

20 năm sống chung với ô nhiễm từ bãi rác Tây Bắc  - Ảnh 3.

Bụi bay mù mịt phía sau xe chở rác thải sinh hoạt vào Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc

Nguyên Vũ

DỰ ÁN CÂY XANH CÁCH LY VẪN CÒN TREO

Ngoài ra, để hạn chế mùi hôi tại khu xử lý rác này, TP.HCM đã lên kế hoạch trồng cây xanh cách ly từ hơn chục năm trước, nhưng đến nay chưa hoàn thành.

Về vấn đề này, Sở TN-MT TP.HCM cho hay dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư giai đoạn 2 (rộng 197 ha) để trồng cây xanh cách ly ban đầu có tổng mức đầu tư dự kiến 526 tỉ đồng. Dự án này đã hoàn tất công tác đo đạc, cắm ranh mốc và bàn giao cho các đơn vị từ tháng 9.2011. Tuy nhiên, đến tháng 3.2019, chủ đầu tư là Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP.HCM (MBS) trình hồ sơ điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 2.529 tỉ đồng (tăng 2.003 tỉ đồng), nguyên nhân do chính sách pháp luật về đất đai thay đổi khiến chi phí bồi thường tăng.

Chỉ hỗ trợ "phụ cấp độc hại" cho 37 hộ

Một số người dân ở xã Thái Mỹ cho biết Công ty CP Vietstar hỗ trợ mỗi tháng 50.000 đồng/người gọi là tiền "phụ cấp độc hại" và thẻ BHYT hằng năm. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ chỉ áp dụng cho những người có hộ khẩu thường trú. Điều này dẫn đến một gia đình có đông thành viên nhưng hộ khẩu chuyển nơi khác, nay về chung sống một nhà vẫn không được hỗ trợ. Trong khi đó, nhà cửa nằm trong khu quy hoạch nên việc nhập hộ khẩu lại gặp khó khăn.

"Mỗi người được 50.000 đồng/tháng, nhà nào đông người thì được mấy trăm ngàn đồng. Số tiền đó chẳng thấm vào đâu, nhiều khi còn không đủ tiền mua giấy dán ruồi", một hộ dân nói và cho rằng doanh nghiệp phải tăng thêm tiền hỗ trợ.

Ngày 26.7, UBND xã Thái Mỹ làm việc với Công ty CP Vietstar để làm rõ khoản hỗ trợ này. Tại buổi làm việc, Công ty Vietstar cho hay khoản hỗ trợ phụ cấp độc hại chi từ tháng 7.2012 đến nay, ban đầu hỗ trợ 30.000 đồng/người/tháng, sau đó tăng lên 50.000 đồng/người/tháng. Hiện có 37 hộ với 152 nhân khẩu nhận hỗ trợ với tổng kinh phí 7,6 triệu đồng/tháng. Công ty này cũng đang mua BHYT cho 49 người với số tiền hơn 38 triệu đồng.

Đại diện công ty cho rằng chỉ hỗ trợ phụ cấp độc hại và mua thẻ BHYT cho người dân tổ 14, ấp Mỹ Khánh A (xã Thái Mỹ) vì những hộ này sinh sống cạnh công ty trong bán kính 500 m. Khoản hỗ trợ này do công ty tự liên hệ với ấp và cấp phát trực tiếp cho người dân, chứ chưa trao đổi và thông qua xã.


Ngoài ra, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để trồng cây xanh cách ly thuộc giai đoạn 3 (rộng 67 ha), tổng mức đầu tư khoảng 350 tỉ đồng được HĐND TP.HCM chấp thuận chủ trương từ tháng 4.2016 nhưng cũng đang đứng hình. Lý do chính xuất phát từ dự án bồi thường giai đoạn 2 (197 ha) chưa hoàn thành nên chưa thể thực hiện giai đoạn 3.

Khi nhận được thông tin triển khai dự án cây xanh cách ly, cả người dân và chính quyền huyện đều khấp khởi chờ đợi. Theo Chủ tịch UBND H.Củ Chi, dự án này giải quyết được hai việc quan trọng. Thứ nhất, người dân có đất bị thu hồi được bồi thường, chuyển đến nơi khác để ổn định cuộc sống. Thứ hai, hàng rào cây xanh cách ly sẽ giảm thiểu mùi hôi từ rác thải và khí thải phát sinh khi đốt rác ra các khu dân cư lân cận, giúp cân bằng sinh thái. Thế nhưng, theo thông tin mới nhất mà lãnh đạo huyện nhận được thì dự án mới chỉ được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, còn thời gian thực hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Những phản ánh về mùi hôi, khí thải liên tục chuyển về chính quyền địa phương nhưng việc kiểm tra, xử lý các đơn vị trong khu xử lý rác thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT và MBS. Do vậy, hằng năm huyện đều gửi văn bản kiến nghị UBND TP.HCM, Sở TN-MT kiểm tra, xử lý các phản ánh để trả lời các bức xúc của người dân.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND H.Củ Chi cũng cho rằng phải sớm chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ tái chế, ủ phân sang đốt rác phát điện. "Nếu cứ chôn lấp hoài thì diện tích đất biết bao nhiêu cho đủ", bà Hiền nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.