Nam Tào "khi quân phạm thượng"
Là câu chuyện của thiên đình, các nhân vật trong Táo quân (tên thường gọi của Gặp nhau cuối năm - Đài truyền hình VN) ngay từ số đầu tiên 2003 đã có những chi tiết thể hiện sự khác biệt về trang phục. Ngọc Hoàng là nhân vật được mặc đẹp, trang phục thể hiện vị thế cao nhất thiên đình - triều đình ở trên trời cai quản hạ giới. Nam Tào, Bắc Đẩu cũng vậy, được thể hiện khác biệt. Tuy nhiên khi đó, vừa chuyển từ Gặp nhau cuối tuần sang Gặp nhau cuối năm 2003, quần áo, mũ mão của các nhân vật này cũng còn đơn giản, thậm chí thô sơ.
Ở Gặp nhau cuối năm 2003, Nam Tào của Xuân Bắc đội một vương miện kết từ hạt và kim sa nhiều màu, trong đó có cả màu hồng. Chiếc vương miện rất giống với vương miện cho các cô bé vẫn bán ở chợ đồ chơi trung thu. Không chỉ vai của Xuân Bắc, các nam thần trên thiên đình khác trong phiên bản 2003 cũng đều đội kiểu vương miện như vậy khi hát múa. Đồng thời, trong khi đầu đội "ngọc ngà châu báu", quần áo của họ chỉ là những bộ nâu đơn giản. Xuân Bắc, vì có chức vị hơn nên mặc màu trắng.
Ngọc Hoàng của phiên bản 2004 đã bắt đầu có bộ trang phục thể hiện rõ ngôi vị cao nhất (vua của cả thiên đình và hạ giới). Lúc này, nghệ sĩ Quốc Khánh được cho mặc một bộ trang phục màu vàng, trên ngực có hình rồng. Tuy nhiên, con rồng này có tạo hình đơn giản đến mức gần giống như rắn. Hình rồng "rắn" này đơn giản hơn rất nhiều, chi phí thêu đính hẳn cũng thấp hơn nhiều, nếu so sánh với phiên bản rồng trên áo các vị Táo quân hay Nam Tào (cấp thấp hơn) những năm gần đây. Nó cũng cho thấy trang phục Táo quân ngày càng cầu kỳ, đẹp đẽ hơn, được đầu tư hơn chứ không sơ sài như lúc đầu nữa.
Mặc dù vậy, đáng tiếc là khi sử dụng biểu tượng rồng để mô tả chuyện triều đình, Táo quân đã có những sai lầm.
Năm 2011, nhân vật Nam Tào của Xuân Bắc mặc một chiếc áo có rồng với đủ 5 móng, trong khi rồng 5 móng là linh vật chỉ vua mới được phép sử dụng. Điều này để phân biệt với những trang phục khác của các quan đại thần, hay người trong hoàng thất. Tùy theo địa vị, áo mũ của họ vẫn có thể có rồng, tuy nhiên phải là rồng từ 4 móng trở xuống. Nói theo nguyên tắc triều đình thì Nam Tào và chương trình năm đó đã "khi quân phạm thượng".
Ẩn ý từ trang phục
Có thể thấy những năm gần đây, trang phục Táo quân được đầu tư hơn trước về chất liệu, thêu thùa. Có đêm diễn, nhân vật được thay đổi trang phục liên tục vài lần. Mặc dù vậy, những ẩn ý được cài trong trang phục không nhiều.
Bộ trang phục đáng kể nhất thuộc về vai Táo Cơ chế, do diễn viên Minh Vượng thể hiện trong Gặp nhau cuối năm phiên bản 2007. Nhân vật được mô tả qua lời thoại là bỏ cá, cưỡi cua lên chầu và cực kỳ lề mề. Khi được yêu cầu báo cáo trước cho nhanh, Táo Cơ chế đủng đỉnh trả lời: "Thần không có nhu cầu nhanh". Để thể hiện tính cách chậm chạp, thiếu hiệu quả của Táo Cơ chế, chương trình để nghệ sĩ Minh Vượng mặc bộ trang phục có trùm ra ngoài một lưới kết như mạng nhện. Qua đó có thể hình dung sự tù túng, ràng buộc của cơ chế khiến mọi việc không thể phát triển.
Cũng có một vài trang phục khác được gửi gắm ý tưởng kịch bản. Chẳng hạn, để mô tả Táo Kinh tế chỉ chăm chăm kiếm tiền, nhân vật này đã được mặc áo có đính những đồng tiền xu phóng to vàng óng. Để mô tả Táo Tài nguyên môi trường, chương trình đã cho táo này đội mũ có đính những con chim đậu trên cành cây. Chiếc mũ con chim này cũng đặt trong tương quan với mũ có đính bướm nhiều màu của Bắc Đẩu năm đó và tạo nên sự thú vị.
Trong số các nhân vật của Táo quân trong 20 năm qua, Bắc Đẩu là nhân vật được đầu tư trang phục nhất. Những trang phục này hầu hết được phát triển theo hướng nhấn mạnh giới tính của "cô Đẩu". Một bộ trong số này là trang phục nửa nam nửa nữ: nửa váy, nửa vest. Nhiều chiếc áo của cô Đẩu mặc cũng thêu hoa ở phần ngực áo (bổ tử) rất điệu đà. Trong chương trình năm 2017, Bắc Đẩu được thay trang phục rất nhiều, trong số này có trang phục được gọi là "giới tính linh hoạt" nửa váy nửa vest, có áo dài thêu phượng kèm nơ cài đầu trắng, sau đó lại thay bờm đính nhiều bươm bướm óng ánh.
Có thể thấy, trang phục của các chương trình Táo quân, dù ngày càng đẹp mắt song chưa xuất sắc theo nghĩa có thể thường xuyên mang ẩn dụ về tính cách. Tuy nhiên, với sức ép thời gian quá lớn như chương trình Gặp nhau cuối năm, có lẽ cũng khó đòi hỏi nhiều hơn được về tính ẩn dụ sân khấu qua trang phục.
Năm Giáp Thìn, tìm hiểu về hình tượng loài rồng trong văn hóa Đông - Tây
Bình luận