20 năm vượt qua 3 cuộc khủng hoảng

03/05/2005 00:04 GMT+7

Việt Nam đang tiến hành chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, cũng là lúc tiến hành điểm lại tình hình 20 năm đổi mới. Một trong những thành tựu trong 20 năm đổi mới là Việt Nam đã vượt qua 3 cuộc khủng hoảng.

 

Cuộc khủng hoảng thứ nhất tiềm ẩn từ cuối những năm 70, đầu những năm 80, bùng phát vào giữa và cuối những năm 80 của thế kỷ trước với biểu hiện nổi bật: Tăng trưởng kinh tế rất thấp, bình quân năm thời kỳ 1977 - 1980 chỉ có 0,4% (trong đó 1979 giảm 2%, 1980 giảm 1,4%); thời kỳ 1977 - 1985 chỉ có 3,7%, thời kỳ 1986 - 1990 chỉ có 3,9%. Lạm phát phi mã: bình quân năm từ 1976 đến 1990 lên đến 73,6%, trong đó có những năm diễn ra chóng mặt như 1986 lên tới 774,7%, 1987 là 223,1%, năm 1988 là 349,4%... Tỷ lệ thất nghiệp vào năm 1989 - 1990 lên đến 13% cùng mấy vạn cán bộ công nhân viên ở các doanh nghiệp nhà nước thất nghiệp trá hình. Tỷ lệ nghèo lương thực - thực phẩm năm 1989 lên đến 55%. Cán cân thanh toán thường xuyên thâm hụt lớn; tỷ lệ nhập siêu khá cao: tính từ năm 1975 - 1990 lên đến 141%, trong đó có  những năm nhập siêu gấp nhiều lần mức xuất khẩu, như các năm 1975 - 1981 (317,8%).

 

Nhờ đổi mới kinh tế, trong đó đặc biệt sản xuất lương thực năm 1989 đã có xuất khẩu, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, những tấn dầu thô đầu tiên đã được khai thác, xuất khẩu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ tem phiếu, đổi mới quản lý tiền tệ... tạo khả năng để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Song cuộc khủng hoảng trên chưa qua, lại cộng hưởng với sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông u, làm cho vốn đầu tư và thị trường xuất nhập khẩu với khu vực này bị hụt hẫng, khiến cho đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng lần thứ hai, kéo dài mãi cho đến năm 1994. Giá tiêu dùng năm 1989 chỉ còn tăng 36%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 339,4% của năm 1988 thì năm 1990 lại tăng 67,1%, năm 1991 tăng 67,5%...

 

Vốn đầu tư XDCB của Nhà nước tính theo giá so sánh năm 1986 giảm 20,8%, năm 1987 giảm 15,5%, năm 1988 đã tăng 14,5% thì năm 1989 lại giảm 3,7%... Kim ngạch xuất khẩu năm 1990 đã đạt 2.404 triệu rúp - đô la thì năm 1991 chỉ còn 2.087,1 triệu USD...

Nhờ đường lối đổi mới và mở cửa, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đã cơ bản được khắc phục và chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng trưởng kinh tế cao lên, đạt đỉnh cao nhất vào năm 1995 (9,54%) và tính chung thời kỳ 1991 - 1995 đã đạt 8,2%/năm. Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã giảm mạnh: năm 1992 còn 17,5%, năm 1993 còn 5,2%... Tỷ lệ thất nghiệp giảm nhanh. Xuất khẩu tăng với tốc độ cao... Đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng mạnh, nếu năm 1988 mới có 322 triệu USD thì năm 1996 đạt tới 8.979 triệu USD...

 

Việt Nam đang trên đà phát triển thì bắt đầu từ năm 1997, các nước trong khu vực gặp khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Cuộc khủng hoảng thứ ba này đã ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị sút giảm: năm 1998 chỉ còn 5,76%, năm 1999 chỉ còn 4,77%. Tỷ lệ thất nghiệp 6,9%, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn lên đến 28,9%. Vốn đầu tư nước ngoài giảm liên tục chỉ còn 1.568 triệu USD năm 1999. Xuất khẩu năm 1999 chỉ còn tăng 1,9%. Giá USD năm 1997 tăng tới 14,2%, năm 1998 tăng 9,6%. Nhờ tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, đặc biệt từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước: năm 2000 tăng 6,79%, năm 2001 tăng 6,89%, năm 2002 tăng 7,08%, năm 2003 tăng 7,34%, năm 2004 tăng 7,69%. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm liên tục từ 6,9% năm 1998 xuống còn 5,6% năm 2004. Tốc độ tăng giá đã tăng thấp hoặc giảm, tính chung từ 1999 đến 2004 chỉ tăng trên 2,7%/năm. Tốc độ tăng xuất khẩu cao, bình quân 2001 - 2004 đạt 16,3%/năm. Tỷ lệ nghèo giảm, đến năm 2004 chỉ còn 7,8%; tỷ lệ nghèo chung chỉ còn 24,1%... GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế đạt khoảng 555 USD; tính theo tỷ giá sức mua tương đương đạt khoảng 2.659 USD.

 

Như vậy, chỉ trong 20 năm đổi mới, Việt Nam đã phải trải qua 3 cuộc khủng hoảng cả ở trong nước, cả ở nước ngoài trực tiếp tác động; đã chuyển từ nền kinh tế thiếu hụt lớn chuyển sang nền kinh tế mà quan hệ cung - cầu đã được cải thiện quan trọng, thậm chí có những sản phẩm cung đã vượt cầu... Tuy nhiên, chưa thể chủ quan thỏa mãn, vì các mục tiêu về nhiều chỉ tiêu, nhất là tốc độ tăng GDP, chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là hiệu quả và sức cạnh tranh trong bước mở cửa hội nhập sâu rộng hơn... còn đang ở phía trước.

 

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.