Ông Phước niềm nở đón hơn 130 cựu chiến binh Mặt trận đường 9-B5, hướng dẫn mọi người dâng hương tại đền thờ Bác Hồ, tham quan khu trưng bày hiện vật, tư liệu về Bác...
“Vui và cảm động lắm. Mọi người đến khu tưởng niệm này để tỏ lòng biết ơn, để tìm hiểu sâu hơn về Bác. Còn đối với mình, ngày càng có nhiều người đến đây chính là sự ghi nhận, là phần thưởng cho những gì mình đã làm trong 20 năm qua”, ông Phước phấn khởi nói.
tin liên quan
Hơn 50 năm sưu tầm ảnh Bác HồĐó là kỳ công của người cán bộ lão thành 83 tuổi Phạm Hùng Anh, ở thôn Tân Quý, xã Vụ Bổn, H.Krông Pắk (Đắk Lắk).
Bán nhà để theo đuổi tâm nguyện
Ông Bùi Xuân Phước năm nay đã 83 tuổi. Ông quê gốc Đà Nẵng, lớn lên ở Tuy Hòa (Phú Yên). Trưởng thành trong môi trường thiếu sinh quân, 15 tuổi ông đã theo Đảng, theo cách mạng. Sau nhiều năm tham gia kháng chiến trong đội hình Sư đoàn 305 dù - đặc công, năm 1961 ông theo học Trường lý luận và nghiệp vụ thuộc Bộ Văn hóa, rồi công tác tại Nhà bảo tàng Hải Phòng. Năm 1968, ông tình nguyện vào nam tham gia chiến đấu, sau đó trở lại cơ quan cũ một thời gian. Từ năm 1976, ông công tác tại Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (cũ), và năm 1989 giữ cương vị Giám đốc Bảo tàng Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1995. Ông Phước hóm hỉnh: “Nếu nói về sự nghiệp của tôi thì chỉ gói gọn trong hai chữ bộ đội và bảo tàng”.
|
Đó là khoảng thời gian rất bận rộn. Không chỉ lo công việc ở cơ quan, ông còn ngày đêm suy nghĩ, phác thảo các công trình để hình thành khu tưởng niệm Bác Hồ. Ý tưởng của ông được vợ con ủng hộ.
Trước ngày về hưu, ông tích cóp tiền bạc mua một khu đất rộng hơn 2.000 m2 tại Phước Đồng, cách trung tâm Nha Trang khoảng 10 km. “Ở đây không gian rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên; hơn nữa lại gần mật khu Đá Hang - căn cứ cách mạng quân và dân Khánh Hòa. Khu tưởng niệm Bác Hồ gần căn cứ cách mạng thì quá hay còn gì!”, ông Phước giải thích.
Chưa kịp mừng thì một mối lo khác xuất hiện, đó là không còn tiền để xây dựng các hạng mục của khu tưởng niệm. Năm 1997, ông Phước dù đã bước qua tuổi 63 vẫn cầm lái chiếc xe máy Citi 100 cùng vợ rong ruổi ra bắc vào nam tìm đồng đội, trình bày ý nguyện và đặt vấn đề mượn tiền để thực hiện công trình mình ấp ủ. Từ khoản tiền đồng đội giúp đỡ và bán luôn chiếc xe máy sau chuyến đi ấy, ông Phước bắt đầu xây dựng công trình đầu tiên của khu tưởng niệm Hồ Chí Minh tại khu đất vào tháng 10.1997. Đó là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi công trình đầu tiên còn dang dở thì tháng 12.1997, vợ ông Phước bị tai biến. Ông vừa cùng các con chăm nom vợ tại bệnh viện, vừa lo việc thi công công trình. Số tiền mượn đồng đội và bán chiếc xe máy cũng vơi dần. Nhiều đêm, ông ngồi một mình, lật đi lật lại bản vẽ thiết kế rồi lại bóp trán suy tư. Rồi ông đưa ra quyết định: bán nhà.
Cái tin ông Phước bán ngôi nhà thân thuộc của gia đình trong mấy chục năm qua ở trung tâm TP.Nha Trang, để lấy tiền xây dựng khu tưởng niệm Bác Hồ, khiến nhiều người sửng sốt. Nhiều đồng đội gặp ông khuyên: “Anh Phước ạ, nên nghỉ ngơi thôi. Dành dụm được bao nhiêu thì để dưỡng già. Việc anh làm thì ý nghĩa lắm, nhưng e rằng khó...”. Thế nhưng ông Phước vẫn quyết làm cho được. Ông bồi hồi kể lại: “Hai vợ chồng tôi lúc đó đã nghỉ hưu nên vào luôn Phước Đồng sống, nhưng chỉ tội mấy đứa con. Sau khi bán nhà, tôi đành thuê nhà trọ ngay trung tâm cho tụi nó ở để đi làm, đi học cho gần”.
|
Năm 2002, ông Phước hoàn thành công trình đền thờ Bác Hồ rộng khoảng 80 m2. Tiếc thay, không lâu sau thì vợ ông trút hơi thở cuối cùng. Không còn người phụ nữ đã đi cùng trong những tháng năm đường đời, ông Phước “nhiều khi thấy cô đơn lắm” nhưng vẫn lặng thầm xây dựng từng chút, vun vén cho khu tưởng niệm Bác Hồ. Để có tiền làm tiếp những công trình khác của khu tưởng niệm như: nhà tiền chế, khu sinh hoạt cộng đồng, phòng đọc sách về Bác..., ông Phước đành “xin lại” lô đất mà trước đó ông đã mua cho con gái út là chị Bùi Thị Thu Hà, rồi rao bán. Nhớ lại chuyện này, chị Hà cười nói: “Nghe ba tâm sự, tôi đáp ngay: Ba cứ bán đi ạ! Bởi tôi biết ba đang theo đuổi một công việc vĩ đại”.
Mãi đến năm 2010, ông Phước mới chính thức khánh thành khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà mình, mà theo ông lúc này “đã đủ khái quát những điểm son về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác”.
|
Khu đất dưới chân dãy núi Đồng Bò ngày nào chỉ có cỏ dại và gai góc, nay đã trở thành không gian thoáng đãng với thật nhiều cây xanh. Ngoài những công trình lớn mà ông Phước gọi là “mang tầm vóc” của khu tưởng niệm, ông còn thiết kế những công trình nhỏ, mang tính gợi nhớ về Bác, như: hồ sen - ao cá, hàng râm bụt...
Sau khi thắp hương tại đền thờ, du khách sẽ được tham quan không gian trưng bày trên 100 hiện vật, tư liệu về Bác Hồ. Nhiều người gọi khu vực trưng bày trên là “Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ”. Tại đây, ông Phước kiêm luôn vai trò thuyết minh cho khách. Ông Phước cho biết, để có chiếc áo kaki, đôi dép cao su, chiếc mũ cát, viên gạch hồng, mô hình nhà sàn... cùng nhiều hình ảnh quý về cuộc đời Bác Hồ, ông không nhớ đã bao nhiêu lần lặn lội vào nam ra bắc, đến các bảo tàng nhờ sao chụp, phục chế. Rồi những lần tìm gặp đồng đội, ông đều đặt vấn đề để được giúp đỡ. “Cái may của mình là người công tác lâu năm trong ngành bảo tàng nên việc tìm tư liệu cũng thuận tiện hơn”, ông nói.
Ông Phước cầm trên tay tấm hình trắng đen, trước đó được gói ghém cẩn thận trong lớp ni lông và giấy, nói: “Đây là hình ảnh rất quý về Bác, tôi may mắn có được”. Rồi ông kể tiếp: “Suốt thời gian dài tôi sưu tầm hình ảnh về Bác, muốn có một tấm hình Bác yên nghỉ để phóng to, đặt trang trọng tại nơi dâng hương, để những ai chưa có dịp ra lăng Chủ tịch khi đến đây vẫn có cảm giác đang được vào lăng viếng Bác, nhưng khó quá.
tin liên quan
Tưởng niệm thảm họa máy bay Nga bằng điêu khắc trên cát(TNO) Nghệ nhân Ấn Độ Sudarsan Pattnaik đã tạo ra một tác phẩm điêu khắc bằng cát trên bãi biển ở bang Odisha hôm 1.11 để tưởng nhớ những nạn nhân thảm nạn máy bay của hãng hàng không Nga Kogalymavia trên bán đảo Sinai của Ai Cập hôm 31.10.
Nhiều năm sau, tôi được đồng đội giới thiệu người tên Liễu ở đường Hồng Bàng (TP.Nha Trang) có tấm hình mà tôi đang cần. Tôi đến tìm thì được biết, chồng bà Liễu trước kia là cán bộ cao cấp, có thời gian gần Bác nên lưu giữ được một số hình ảnh quý về Bác, trong đó có tấm hình về thời khắc Bác lâm chung. Khi chồng bà Liễu mất đã dặn bà cất giữ cẩn thận. Biết tôi xây khu tưởng niệm Bác Hồ và đang cần tư liệu về Bác, bà Liễu đã tặng lại tôi bức hình Bác. Tôi ôm vào lồng ngực, rồi đem vào TP.HCM phóng lớn để thực hiện ý định của mình”.
Những ngày tháng 5 đem lại cho ông Bùi Xuân Phước nhiều cảm xúc, bởi khu tưởng niệm Bác Hồ đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan, dâng hương. Bất kể giờ nào, khách dù một người hay đoàn đông cả trăm, đều được ông Phước niềm nở chào đón. Ông dẫn tôi lại gần một công trình nhỏ đang được xây dựng trong khu vườn nhà, cười tươi và nói: “Đây là dãy Trường Sơn, còn đây là đường mòn Hồ Chí Minh. Tôi còn ấp ủ nhiều công trình khác nữa có liên quan đến Bác Hồ. Ngày nào ông trời còn cho mình khỏe, ngày đó mình còn dốc hết tâm huyết cho khu tưởng niệm này. Chưa thể nghỉ ngơi được!”.
Bình luận