(iHay) Sau vụ 20 sinh viên đi lạc trên núi Bà Đen (Tây Ninh) vào trưa 12.1, nhiều người cảm thấy lo lắng về những bạn trẻ có sở thích khám phá mạo hiểm kiểu tùy hứng. Một người chuyên dẫn đường cho các phượt thủ tại núi Bà Đen khẳng định, nhiều dân địa phương thường xuyên lên xuống núi suốt 4-5 năm qua cũng khó thể chắc mình không bị lạc.
>> Chưa tìm thấy sinh viên mất tích trên Fansipan
>> Thuê thám hiểm tìm sinh viên mất tích trên đỉnh Fansipan
|
Giải cứu kịp thời
Khoảng 2 giờ sáng 11.1, 20 sinh viên (đang học tại các trường đại học tại TP.HCM) rủ nhau đến núi Bà Đen (Tây Ninh) bằng xe máy. Đến khoảng 6 giờ sáng, nhóm sinh viên bắt đầu leo từ hướng núi Phụng lên đỉnh để chinh phục núi Bà Đen. Đến chiều tối cùng ngày, nhóm sinh viên bị lạc đường và gọi điện thoại nhờ Công an Tây Ninh giúp.
Khoảng 19 giờ 45 cùng ngày, nhận được tin cầu cứu, Công an Tây Ninh huy động lực lượng cứu hộ khoảng 100 người gồm cảnh sát cơ động, lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, công an và người dân địa phương tìm kiếm. Lực lượng cứu hộ chia thành 2 hướng để tìm kiếm.
Đến khoảng 9 giờ 45 phút ngày 12.1, lực lượng cứu hộ đã phát hiện dấu hiệu của nhóm sinh viên trên núi. Hơn 20 phút sau, lực lượng cứu hộ tiếp cận được nhóm sinh viên trong lúc nhóm này đã kiệt sức vì thiếu nước và đói. Lực lượng cứu hộ đã tiếp tế thức ăn, nước uống, chờ nhóm sinh viên tỉnh táo để đưa xuống núi.
Đến 11 giờ 30 cùng ngày, 20 sinh viên đã được đưa xuống núi an toàn, lực lượng y tế cũng có mặt theo dõi sức khỏe. Toàn bộ sinh viên trong đoàn đều tỉnh táo.
|
Dân địa phương cũng bị lạc như thường
Chiều 13.1, trao đổi với iHay.vn, anh Võ Thành Tâm, tên thường gọi là anh Bé, có thâm niên hơn chục năm hái thuốc nam trên núi Bà Đen cho biết, khi xảy ra sự cố, anh đã được đoàn sinh viên nhờ hỗ trợ. Anh Bé chia sẻ: “Trên núi Bà Đen địa hình dù không phải quá nguy hiểm nhưng có nhiều tảng đá dốc, dây gai chắn lối đi hoặc hố sâu. Do đó, cần những người thông thạo địa hình mới có thể đảm bảo an toàn”.
Anh Bé nói thêm, trong đoàn các bạn sinh viên này có người từng được anh dẫn đường leo núi. Tuy nhiên, theo anh Bé, có những người dân địa phương dù đã lên xuống núi thường xuyên suốt 4 - 5 năm rồi cũng khó tránh khỏi chuyện lạc đường. Trên núi, từng có những đoàn khác bị lạc được anh dẫn xuống. Anh Bé cũng chia sẻ: “Khi đi khám phá, các bạn nhớ ý thức cao về sự an toàn cho chính mình, lượng sức khỏe của mình mà tham gia”.
|
Cùng ngày, trao đổi thêm với iHay.vn, một lãnh đạo Ban quản lý núi Bà Đen chia sẻ thêm: “Trên núi, có những đoạn rất dốc, do đó, nếu muốn chinh phục thì ít nhất người leo phải am hiểu cơ bản về nơi mình muốn chinh phục. Mặc khác, trong nhóm phải có những người từng có trải nghiệm hoặc phải có kỹ năng về những môi trường tương tự, lúc đó hãy quyết định leo núi chứ không được liều lĩnh kiểu tùy hứng. Một điều khác là không nên tự tách nhóm, nhằm để hỗ trợ nhau khi cần”.
Cũng theo vị này, hiện tại Ban quản lý núi chỉ nhắc nhở chứ chưa có quy định cụ thể nào đối với người tham gia leo núi tự phát. "Sau này, nếu muốn leo núi, phải đăng ký để được Ban quản lý tư vấn, hoặc hỗ trợ về đường xá hay địa hình của núi", vị lãnh đạo trên cho biết thêm.
Dương Phan
>> Giới phượt thủ xôn xao vụ một sinh viên mất tích trên đỉnh Fansipan
>> Dậy sóng chuyện ông bố dọa 'ném con xuống vực' trên đỉnh Fansipan
>> Sống động hành trình chinh phục Fansipan
>> Phượt thủ tranh cãi việc xây cáp treo lên Fansipan
Bình luận (0)