200 bệnh có nguồn gốc từ động vật

26/08/2015 06:07 GMT+7

Tại Hội nghị quốc tế phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người do Bộ Y tế VN và Bộ Y tế Indonesia đồng tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 25 - 26.8, các chuyên gia trong nước và quốc tế bày tỏ sự lo ngại về các căn bệnh khó phát hiện và ngăn chặn.

Tại Hội nghị quốc tế phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người do Bộ Y tế VN và Bộ Y tế Indonesia đồng tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 25 - 26.8, các chuyên gia trong nước và quốc tế bày tỏ sự lo ngại về các căn bệnh khó phát hiện và ngăn chặn.
Dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật ngày càng diễn biến phức tạp - Ảnh: Ngọc Thắng
Dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật ngày càng diễn biến phức tạp - Ảnh: Ngọc Thắng
“Khoảng 60% các bệnh của con người và khoảng 75% các bệnh mới nổi ở người trong 30 năm qua có xuất phát từ động vật, các căn bệnh này ngày càng nguy hiểm hơn cho con người. Các quốc gia cần hợp tác ngăn chặn, trong đó chú trọng nâng cao đầu tư về công nghệ chẩn đoán, điều trị”, bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại VN, chia sẻ.
Bày tỏ sự lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Thế giới đã ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người với nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau như do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm. Liên tục ghi nhận sự xuất hiện của các dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm, có nguồn gốc từ động vật như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS - CoV, Ebola... với độc tính cao và sự lây truyền nhanh”.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), xác nhận: Tại VN, các bệnh từ động vật từng được phát hiện từ thế kỷ trước vẫn lưu hành, ghi nhận nhiều ca mắc và xuất hiện các ổ dịch như: bệnh than (từ trâu, bò); bệnh dại (do vi rút từ chó dại), dịch hạch (mầm bệnh từ chuột). Trong đó, mỗi năm, VN vẫn ghi nhận 30 - 100 ca tử vong do bệnh dại dù đã có vắc xin. Ổ dịch bệnh than vẫn xuất hiện tại một số tỉnh miền núi trong các năm 2013 - 2014 và vẫn chưa thể loại trừ. “Đặc biệt, liên cầu lợn là bệnh mới nổi nguy hiểm. Vi khuẩn chỉ có ở lợn, rất ít ca bệnh trên người nhưng trong 4 - 5 năm trở lại đây, bệnh đã xuất hiện thường xuyên, các bệnh nhân tử vong do viêm não, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng”, ông Phu cho biết.
Ngay tại Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm nay đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người, trong đó 1 ca tử vong. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, có thời điểm nhận liên tục 5 ca nhiễm liên cầu lợn chỉ trong vòng 10 ngày, bệnh nhân trong tình trạng rất nặng: sốc nhiễm khuẩn huyết, suy tạng. Bệnh nhân có tại hầu hết các tỉnh thành phía bắc như Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình…
Cũng theo ông Phu, nguy hiểm của các bệnh có nguồn gốc từ động vật là khó phát hiện sớm bởi chúng là tác nhân mới gây bệnh trên người. Ngay cả khi phát hiện thì việc điều trị cũng khó khăn bởi chưa thể hiểu hết đặc tính, độc lực, các thuốc, hóa chất có thể tiêu diệt. “Đáng lo ngại, vi rút, vi khuẩn từ động vật sang người thường có độc lực mạnh, gây bệnh cảnh nặng do cơ thể người chưa có kháng thể miễn dịch, từ đó khiến nguy cơ tử vong rất cao. Tỷ lệ tử vong do cúm gia cầm H5N1 đã từng lên đến 50 - 80% trong giai đoạn đầu vụ dịch. Ngay cả bệnh dại, dù đã lưu hành rất lâu dài, có vắc xin, thế hệ mới nhưng khi đã lên cơn dại thì tử vong là 100%”, ông Phu nói.
Nguyên nhân xuất hiện bệnh có nguồn gốc từ động vật được ông Phu lý giải: Do con người và vật có tiếp xúc gần nên vi khuẩn, vi rút từ các vật nuôi, vật sống gần người như trâu, bò (gây bệnh than), chuột (gây dịch hạch); chó nhà mang vi rút (gây bệnh dại), gia cầm (gây cúm H5N1, H7N9) đã “dịch chuyển” sang người, liên tục biến đổi để thích nghi với môi trường sống mới. Ngoài ra, một số bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã như: khỉ, dơi đã có thể sống, gây bệnh cho người trong quá trình chúng là nạn nhân của phá rừng, săn bắn hay thuần hóa.
Ông Trần Đắc Phu cho biết: “Để ngăn chặn bệnh từ động vật sang người, cần loại bỏ các thói quen ăn sống, tái: tiết canh, nem ủ bằng thịt lợn sống (nhiễm liên cầu lợn); gỏi cá (gây sán lá gan ở người). Nên bỏ tập quán chăn nuôi gia cầm, gia súc ngay gần nơi sinh sống để cách ly khỏi các yếu tố nguy cơ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.