Ngày 6.11, Cục Hải quan TP.HCM cho biết trên 200 container hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện về các cảng tại TP.HCM, trong đó chủ yếu là cảng Cát Lái và Hiệp Phước vừa bị hải quan phát hiện và bắt giữ.
Khám xét container tồn đọng tại cửa khẩu cảng khu vực TP.HCM - Ảnh: Đình Mười |
Tổng trị giá các lô hàng vi phạm hơn 100 tỉ đồng với trọng lượng 5.000 - 6.000 tấn.
Văn phòng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, theo kết quả khám xét 200 container trên, các mặt hàng nhập khẩu trái phép chủ yếu là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng như máy lạnh, máy giặt, xe gắn máy, nồi cơm điện, thực phẩm chức năng... Về số lượng tang vật vi phạm, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, đây là một trong những vụ lớn nhất do hải quan phát hiện từ trước đến nay. Doanh nghiệp (DN) ngụy trang và khai báo không trung thực nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
|
Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong quá trình rà soát hơn 2.000 container đang tồn đọng tại các cảng trên địa bàn TP, cơ quan này phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã khoanh vùng hơn 200 container có dấu hiệu cao về vi phạm. Trong tháng 10.2015, toàn bộ container nghi vấn đã được kiểm tra, kết quả hầu hết chứa hàng vi phạm. Các lô hàng được khai báo là máy cắt cỏ, nhạc cụ, máy may công nghiệp, thế nhưng, thực tế, hầu hết là đồ điện tử đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập về VN theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, quá trình khám xét, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều container chứa sản phẩm nhập khẩu có điều kiện: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống...
Tại khu vực cảng do Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước quản lý, hiện có gần 100 container tồn đọng kéo dài nhưng chủ hàng không đến nhận. Trong đó, nhiều container hàng hóa đã quá thời hạn 90 ngày tính từ lúc nhập về. Trong khi theo quy định, hàng hóa về đến cảng, trong vòng 90 ngày nếu chủ hàng không đến làm thủ tục mở tờ khai nhận hàng thì cơ quan hải quan sẽ tiến hành mở niêm phong, kiểm tra thực tế. Theo một cán bộ hải quan, thông thường, khi hàng nhập về đến cảng, DN sẽ hoàn tất nghĩa vụ giao dịch với hãng tàu. Sau đó mới đến cơ quan hải quan mở tờ khai để thông quan hàng hóa. Nhưng thời gian qua, xảy ra nhiều trường hợp khi hàng hóa cập về đến cảng, DN kê khai không đúng mặt hàng, khi hải quan nghi vấn và quyết định phong tỏa các lô hàng thì DN không đến mở tờ khai khiến hàng ứ đọng tại các cảng.
Bình luận (0)