200 hộ dân 'cố sống' trong chung cư sập xệ: Do chưa có kinh phí kiểm định!

Lê Quân
Lê Quân
04/10/2020 15:23 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài viết “200 hộ dân 'cố sống' trong khu tập thể gần 50 tuổi sập xệ”, Sở Xây dựng Hà Nội đã có thông tin phản hồi, lý giải tình trạng nhà cũ nhưng chưa cải tạo được.

Vướng cơ chế tài chính kiểm định chất lượng công trình

Như Thanh Niên đưa tin, khu nhà tập thể 3 tầng, đường Lê Hồng Phong, P.Nguyễn Trãi, Q.Hà Đông có 4 dãy nhà được xây dựng từ những năm 1970, nay đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng 200 hộ dân ở đây vẫn cố bám trụ.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tháng 2.2016, Thủ tướng có Chỉ thị số 05 về rà soát các công trình nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, thống kê, đánh giá, phân loại mức độ an toàn. Tháng 5.2018, UBND TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng tổng hợp, lập danh mục cần kiểm định chi tiết các công trình trên địa bàn có tình trạng kỹ thuật mức 3 và mức 2; phối hợp với Sở Tài chính đề xuất, báo cáo thành phố nguồn kinh phí, tiến độ thực hiện.
Qua 4 đợt khảo sát với hơn 1.200 công trình ở TP.Hà Nội, có 325 công trình ở tình trạng nguy hiểm, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu (mức 3); 691 công trình ở tình trạng hư hỏng làm giảm khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến quá trình sử dụng (mức 2); 145 công trình còn đáp ứng yêu cầu sử dụng (mức 1) và 110 công trình không khảo sát được do không xác định được vị trí hoặc đã xây dựng lại…

Mái ngói một dãy nhà đã thủng nhưng không được tu sửa

Ảnh Lê Quân

Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo UBND TP.Hà Nội dự kiến tổ chức kiểm định chi tiết 951 công trình thuộc mức 3 và mức 2. Trong đó, có 480 công trình là các chung cư cũ, biệt thự, trụ sở cơ quan, công trình công cộng trực thuộc Hà Nội xuống cấp ở mức 3. Đặc biệt, trong số 480 công trình này có 33 công trình là các nhà tập thể, chung cư cũ, xuống cấp nguy hiểm, cần kiểm định chi tiết ngay. Sở Xây dựng đã kiến nghị lên UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho phép thực hiện khảo sát kiểm định ngay, mức kinh phí khoảng 8 tỉ đồng.
Danh mục 33 công trình nhà tập thể, chung cư cũ Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị cần kiểm định ngay chủ yếu nằm ở các quận nội thành: Q.Ba Đình (1 công trình); Q.Đống Đa (11 công trình); Q.Hai Bà Trưng (3 công trình); Q.Long Biên (2 công trình); Q.Thanh Xuân (1 công trình); Q.Hà Đông (11 công trình)… Khu tập thể 3 tầng ở P.Nguyễn Trãi, Q.Hà Đông có gần 200 hộ dân đang sinh sống xuống cấp ở mức 3, được Sở Xây dựng đưa vào danh sách cần kiểm định chi tiết ngay.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí để thực hiện kiểm định chi tiết những công trình nhà tập thể, chung cư cũ của thành phố. Nguyên nhân, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, các căn hộ đều đã bán cho người dân còn phần hành lang, cầu thang, hạ tầng xung quanh vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, theo nguyên tắc tài chính thì phải phân định ngân sách bỏ ra bao nhiều tiền và người dân bỏ ra bao nhiêu tiền trong tổng số kinh phí kiểm định chất lượng công trình.

Trần hành lang nhiều vị trí ở khu tập thể 3 tầng làm bằng luồng, trát vữa đã mục nát

Ảnh Lê Quân

Cũng theo Sở Xây dựng, việc kiểm định rất cần thiết để nắm được tình trạng công trình có đảm bảo cho người dân sinh sống trên đó hay không, nếu không đáp ứng được, cần thiết ban hành quyết định di dời. Ở Hà Nội, đã có trường hợp phải ra quyết định di dời khẩn cấp cư dân khỏi nhà chung cư cũ vì xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm.

Lập đề án tái thiết hơn 200 nhà chung cư cũ ở Hà Nội

Để cải tạo nhà chung cư cũ, trong đó có khu tập thể 3 tầng ở P.Nguyễn Trãi, Sở Xây dựng đã được UBND TP.Hà Nội giao lập đề án rất bài bản đối với hơn 200 khu. Hiện, đề án này đã được trình lên UBND TP.Hà Nội, Bộ Xây dựng để rà soát các luật, gỡ vướng mắc giữa quy định của các luật khác nhau, xây dựng cơ chế rõ ràng, giải pháp tổng thể rồi thực hiện.
Ông Lại Tuấn Ngọc, Trưởng phòng Quản lý bất động sản của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Công ty Xuân Mai - là nhà đầu tư được UBND TP.Hà Nội giao làm chủ đầu tư thực hiện lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự ái cải tạo, xây dựng lại khu tập thể 3 tầng), cho biết đã nhiều lần đối thoại với người dân, theo đó có khoảng 70% người dân ở khu tập thể 3 tầng đồng ý với phương án đền bù, di dời để Công ty Xuân Mai cải tạo lại. Năm 2018, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình dự kiến xây dựng khi cải tạo lại khu tập thể 3 tầng.

Khu tập thể 3 tầng được xây dựng từ những năm 1970, đến nay đã gần 50 năm sử dụng

Ảnh Lê Quân

Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết, theo quy định pháp luật, phải 100% cư dân đồng thuận mới có thể cải tạo lại. Đến nay, Công ty Xuân Mai vẫn tiếp tục dự kiến đối thoại, thỏa thuận với người dân để đạt được tỉ lệ đồng thuận cần thiết nhưng không dễ dàng vì nếu đáp ứng các yêu cầu của người dân đưa ra thì không hài hòa lợi ích của nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư muốn bỏ kinh phí để thuê đơn vị đủ tư cách pháp nhân thực hiện kiểm định cũng không được vì lo ngại người dân không tin kết quả kiểm định, cuối cùng vẫn phải chờ.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay, vấn đề tái thiết nhà chung cư cũ đã được đặt ra nhiều năm qua ở Hà Nội, nhưng hầu như vẫn giậm chân tại chỗ vì chưa có chính sách nào tạo ra sự hài hòa ba bên. Nếu không tìm ra được cơ chế tốt, qua thời gian, công trình ngày càng xuống cấp, người dân vẫn cố bám trụ sống, tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, nếu có sự cố sập đổ hậu quả sẽ khó lường và gây mất mỹ quan thành phố.
Do vậy, ông Nghiêm cũng cho rằng, trong thời gian chờ đợi một cơ chế hài hòa lợi ích ba bên, TP.Hà Nội cần căn cứ quy hoạch chung, xem xét những khu tập thể, chung cư cũ nào có thể thì triển khai tái thiết sớm, không nên đợi triển khai đồng loạt. Tất nhiên, cần kiểm định chi tiết, kỹ lưỡng về chất lượng công trình trước khi thực hiện.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.